(LĐ online) - Chiều 28/5, Thường trực Tỉnh uỷ Lâm Đồng đã có buổi làm việc trao đổi kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp bền vững với đoàn công tác của tỉnh Đồng Nai.
|
Đồng chí Trần Đức Quận - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng phát biểu tại buổi làm việc |
Đồng chí Trần Đức Quận - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Nai, đồng chủ trì buổi làm việc.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, ngành nông nghiệp Lâm Đồng duy trì mức tăng trưởng bình quân 5%. Riêng năm 2021 đạt mức GRDP 18.996 tỷ đồng, tăng 4,8% so với năm 2020.
Năm 2021, tổng diện tích gieo trồng đạt 395,5 ngàn ha, tăng 8,5% so với năm 2016; cơ cấu ngành nông nghiệp: trồng trọt 80,2%, chăn nuôi 17,6%, dịch vụ 2,2%; diện tích canh tác kém hiệu quả giảm từ 33% năm 2016 xuống còn 16,5% năm 2021; giá trị sản xuất đạt 201 triệu đồng/ha/năm, tăng 31,4% so với năm 2016; năng suất lao động bình quân tăng 5,4%/năm, đạt 64,8 triệu đồng/người/năm.
|
Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Nai phát biểu tại buổi làm việc |
Đến nay toàn tỉnh có trên 63.108 ha đáp ứng các tiêu chí sản xuất công nghệ cao (chiếm 21% diện tích đất canh tác toàn tỉnh), có 7 vùng nông nghiệp công nghệ cao và 13 doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao được công nhận; giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ước đạt 35 - 40% giá trị sản xuất toàn ngành và đạt bình quân 400 triệu đồng/ha với nhiều mô hình áp dụng đồng bộ các giải pháp công nghệ thông minh đạt hiệu quả cao với doanh thu trên 3 tỷ đồng/ha/năm.
Hầu hết các công nghệ hiện đại đã được ứng dụng trong sản xuất với các mức độ khác nhau phù hợp với điều kiện canh tác từng địa phương, từng vùng. Diện tích trồng trọt được cấp giấy chứng nhận hữu cơ đạt 1.298 ha. Có 2.000 con bò sữa với sản lượng khoảng 5.200 tấn sữa đạt chứng nhận hữu cơ của công ty cổ phần sữa Việt Nam.
Thực hiện đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, phát triển sản xuất nông nghiệp an toàn gắn với tiêu thụ nông sản và kiểm soát chất lượng theo chuỗi an toàn. Toàn tỉnh có 182 chuỗi với 18.386 hộ liên kết, quy mô liên kết trong trồng trọt đạt 30.282ha với sản lượng 392.938 tấn; trong chăn nuôi đạt 850.553 con, sản lượng đạt 126.560 tấn; tổng diện tích áp dụng VietGAP, GlobalGAP…đạt 5.910ha.
|
Ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh thông tin về tình hình sản xuất nông nghiệp của tỉnh Lâm Đồng tại buổi làm việc |
Toàn tỉnh có 367 hợp tác xã nông nghiệp với 8.401 thành viên. Doanh thu trung bình 1 hợp tác xã hoảng 2.250 triệu đồng/năm, lợi nhuận trung bình 358 triệu/năm.
Tại buổi làm việc, bên cạnh phân tích những cách thức, nguyên nhân của các kết quả đạt được trong ngành nông nghiệp, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng cũng đã đưa ra các tồn tại trong ngành nông nghiệp địa phương như: Sản xuất nông nghiệp còn thiếu tính ổn định; sản xuất quy mô nhỏ, phân tán còn phổ biến; nhân tố hạt nhân, nòng cốt cho phát triển liên kết là các doanh nghiệp và hợp tác xã, tuy nhiên cả 2 lực lượng này phát triển còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng; liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm phát triển còn chậm và thiếu tính bền vững; sản xuất chưa gắn với thị trường, việc hợp tác, phối hợp liên kết trong phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa các địa phương chưa chặt chẽ. Thị trường, thương hiệu còn nhỏ hẹp, chủ yếu tập trung vào người tiêu dùng trong nước.
Công nghiệp chế biến nông, lâm, thuỷ sản quy mô, công nghệ vẫn còn hạn chế, hầu hết sản phẩm chủ lực của tỉnh tiêu thụ vẫn ở dạng tươi sống hoặc sơ chế, tỷ trọng sản phẩm xuất khẩu chưa qua chế biến hoặc chế biến thô vẫn cao; tỷ lệ xuất khẩu các loại nông sản vẫn thấp.
|
Ông Võ Văn Phi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai thông tin về tình hình sản xuất nông nghiệp của tỉnh Đồng Nai tại buổi làm việc |
Hạ tầng trong sản xuất nông nghiệp và nông thôn đã có sự cải thiện nhưng còn thiếu sự đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu trong phát triển sản xuất và nâng cao đời sống của người dân nông thôn.
Thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế; hầu hết các doanh nghiệp đều gặp khó khăn về quỹ đất sản xuất khi lập dự án đầu tư; cơ sở hạ tầng cho các khu quy hoạch sản xuất tập trung, khu công nghiệp chưa được đầu tư đồng bộ.
Cảnh quan, môi trường bị tác động, ảnh hưởng bởi phát triển sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là việc phát triển hệ thống nhà kính, nhà lưới tại khu vực đô thị trong thành phố Đà Lạt và huyện Lạc Dương.
|
Ông Trần Bá Đạt - Bí thư Huyện uỷ Định Quán đặt ra những vấn đề về phát triển du lịch nông nghiệp và mong muốn học hỏi kinh nghiệm từ Lâm Đồng |
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các ngành, địa phương của tỉnh Đồng Nai đã đặt ra nhiều vấn đề và lãnh đạo các sở, ngành, địa phương của tỉnh Lâm Đồng đã chia sẻ kinh nghiệm.
Kết thúc buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai bày tỏ sự cảm ơn đối với sự hỗ trợ của tỉnh Lâm Đồng. Đồng thời Bí thư Tỉnh uỷ Lâm Đồng cũng bày tỏ tin tưởng rằng, với điều kiện của tỉnh Đồng Nai và sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh, Đồng Nai sẽ đạt được nhiều thắng lợi trong sản xuất nông nghiệp thời gian tới. Nhân dịp này, Bí thư Tỉnh uỷ Lâm Đồng cũng đề xuất với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai sớm hoàn thiện các vấn đề liên quan để sớm triển khai thực hiện dự án cao tốc Dầu Giây - Liên Khương. Hai địa phương sẽ sớm thực hiện hoạt động sơ kết phối hợp giữa hai tỉnh thời gian qua. Đồng thời định hướng hợp tác giữa 2 tỉnh trong thời gian tới tập trung vào các nội dung về: Sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ nông sản; du lịch; xúc tiến đầu tư; phát triển kinh tế - xã hội các huyện giáp ranh giữa hai tỉnh.
|
Ông Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng trả lời một số vấn đề đoàn Đồng Nai đặt ra |
|
Ông Sử Thanh Hoài - Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương chia sẻ kinh nghiệm về giải pháp liên kết sản xuất cho người nông dân trên địa bàn huyện |
|
Toàn cảnh buổi làm việc |
|
Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng tặng quà lưu niệm lãnh đạo tỉnh Đồng Nai |
|
Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai tặng quà lưu niệm lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng |
NGỌC NGÀ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin