Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi giải phóng phụ nữ là một trong những mục tiêu của sự nghiệp cách mạng, là cơ sở quan trọng để bảo đảm quyền bình đẳng nam nữ được thực hiện trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Người từng nói: “Không có phụ nữ, riêng nam giới không thể làm nổi cuộc cách mạng”. Vì vậy, nói đến “giải phóng phụ nữ” là nói đến một giá trị nhân văn trong tư tưởng Hồ Chí Minh.
Bác Hồ với phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Tư liệu |
Nếu nói khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc mà không nói đến khát vọng vươn lên của phụ nữ là một thiếu sót. Bởi lẽ, “Nói phụ nữ là nói phần nửa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa”. Tư tưởng này của Hồ Chí Minh bắt nguồn từ những trải nghiệm của Người - vị lãnh tụ kính yêu, anh hùng giải phóng dân tộc suốt đời đấu tranh cho mục tiêu cao cả: Giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người, trong đó có giải phóng phụ nữ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ đánh giá cao vị trí, vai trò của người phụ nữ mà còn rất coi trọng sự nghiệp giải phóng phụ nữ. Người cho rằng sự nghiệp giải phóng phụ nữ không phải là cách mạng của riêng phụ nữ mà nó gắn liền với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Theo Người, trình độ giải phóng phụ nữ được coi là thước đo của trình độ phát triển xã hội. Đồng thời, Người chỉ ra mối quan hệ biện chứng giữa yêu cầu phát triển xã hội với vấn đề giải phóng phụ nữ. Công cuộc giải phóng phụ nữ không chỉ đơn thuần là coi trọng nữ giới với tư cách là lực lượng cách mạng “An nam cách mệnh cũng phải có nữ giới tham gia mới thành công”, mà còn thể hiện tinh thần nhân văn cao cả, tất cả vì con người, lấy con người làm điểm xuất phát, là mục tiêu của mọi tư tưởng, mọi hành động.
Theo Hồ Chí Minh, giải phóng phụ nữ về cơ bản cũng bao gồm các nội dung về quyền bình đẳng của phụ nữ theo Công ước quốc tế về quyền con người. Người cho rằng, giải phóng phụ nữ là một cuộc cách mạng gắn liền với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, giải phóng phụ nữ là phải giành cho được các quyền của phụ nữ, như quyền bình đẳng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội,... Hiến pháp Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1959 đã khẳng định rõ: “Phụ nữ Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có quyền bình đẳng với nam giới về các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình”; Nhà nước bảo đảm cho phụ nữ, công nhân và viên chức được nghỉ trước và sau khi đẻ mà vẫn hưởng nguyên lương. Nhà nước bảo vệ quyền lợi này của bà mẹ và trẻ em, bảo đảm phát triển các nhà đỡ đẻ; nhà giữ trẻ và vườn trẻ. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: “Phải đặc biệt chú ý đến sức lao động của phụ nữ. Phụ nữ là đội quân lao động rất đông. Phải giữ gìn sức khỏe cho phụ nữ để tham gia sản xuất được tốt”. Đó là lời phát biểu của Bác Hồ trong lần về thăm đồng bào và cán bộ tỉnh Thái Bình tháng 1/1967. Người nêu ví dụ: “Khi phụ nữ có kinh thì hợp tác xã chớ phân công cho họ đi làm ở chỗ ruộng sâu, nước rét. Các hợp tác xã phải có những tổ giữ trẻ tốt để phụ nữ có con mọn có chỗ gửi các cháu để yên tâm lao động” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2002, t.12, tr.194).
Chủ tịch Hồ Chí Minh ân cần chỉ bảo: “Một điều nữa Bác cần nói là: Phải kính trọng phụ nữ. Chúng ta làm cách mạng là để tranh lấy quyền bình đẳng, trai gái đều ngang quyền như nhau. Lê nin dạy chúng ta: Phụ nữ là một nửa xã hội. Nếu phụ nữ chưa được giải phóng thì xã hội chưa được giải phóng cả. Phụ nữ thì phải tự mình phấn đấu giữ gìn quyền bình đẳng với đàn ông. Đàn ông phải kính trọng phụ nữ. Nhưng Bác nghe nói vẫn có người đánh vợ!. Đó là một điều đáng xấu hổ. Như thế thì còn gì là tình nghĩa vợ chồng? Như thế là phạm pháp, là cực kỳ dã man. Chi bộ đảng phải giáo dục đảng viên và Nhân dân về quyền bình đẳng giữa vợ và chồng. Đoàn thể phụ nữ và thanh niên phải bảo ban nhau cách cư xử hòa thuận trong gia đình. Bác mong rằng: từ nay về sau sẽ không còn thói xấu đánh chửi vợ nữa” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.195).
Thực ra, không phải cứ cổ là trọng nam khinh nữ cả. Những tư tưởng tiến bộ mà Hồ Chí Minh nêu trên chính là kế thừa những điều các cụ xưa rất coi trọng tấm gương: “Phu phụ tương kính như tân” (Vợ chồng biết kính trọng nhau như khách). Các nhà nghiên cứu đã nhận định: Hồ Chí Minh là nhà tư tưởng đầu tiên của Việt Nam đã nhìn nhận, đặt vị thế, vai trò của nữ giới ngang với nam giới đồng thời, là một trong những nhà tư tưởng, lãnh tụ tiêu biểu của thế giới luôn đề cao và có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp giải phóng phụ nữ. Đối với Hồ Chí Minh, vấn đề giải phóng phụ nữ là một bộ phận thống nhất, xuyên suốt thể hiện rõ tư tưởng nhân văn cao cả và đạo đức trong sáng của Người.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định giải phóng phụ nữ là một mục tiêu trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Trước hết, Người tố cáo những chính sách, tội ác tàn bạo của chế độ thực dân đối với phụ nữ ở nước ta. Bên cạnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra quan điểm mục tiêu giải phóng phụ nữ là giải phóng một cách toàn diện. Người đi sâu chỉ rõ giải phóng con người, vì con người là mục tiêu cao cả của cuộc cách mạng vô sản, mà ở đó phụ nữ là điểm trung tâm. Có thể thấy, vị trí, vai trò của người phụ nữ là rất quan trọng, thể hiện ở cả vai trò duy trì nòi giống và cả trên lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Người kết luận: “Xem trong lịch sử cách mệnh, chẳng có lần nào không có đàn bà, con gái tham gia” (t.2, tr.288). Ngay cả khi đang bôn ba nơi đất khách quê người tìm đường cứu nước, Người vẫn luôn nhận thấy: “An Nam cách mạng cũng phải có nữ giới tham gia mới thành công” (t.2, tr.289). Tại Lễ kỷ niệm 36 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (20/10/1966), Bác Hồ nói: “Từ đầu thế kỷ thứ nhất, Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa đánh giặc cứu dân cho đến nay, mỗi khi nước nhà gặp nguy nan thì phụ nữ ta đều hăng hái đứng lên góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc”. Trong thư gửi phụ nữ nhân dịp Chiến thắng Hai Bà Trưng và Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3/1952, Hồ Chí Minh cũng khẳng định “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp rực rỡ”.
Các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy trao tặng Đại hội bức trướng với nội dung “Đoàn kết - Sáng tạo - Hội nhập - Đổi mới - Phát triển” và ủng hộ 50 triệu đồng hưởng ứng Chương trình “Triệu phần quà san sẻ yêu thương” do Hội LHPN tỉnh phát động. Ảnh: T.Hương |
Chúng ta có thể tự hào rằng, phụ nữ Việt Nam có vai trò vô cùng quan trọng trong gia đình, trong đấu tranh cách mạng, trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Những người phụ nữ Việt Nam anh hùng quả cảm trong lao động, sản xuất và chiến đấu đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng tám chữ vàng: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.
Đất nước đang bước vào kỷ nguyên hội nhập với thế giới, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng đất nước, phụ nữ Việt Nam tiếp tục đóng vai trò quan trọng, là động lực thúc đẩy sự phát triển chung của xã hội. Vai trò này đang được khẳng định một cách rõ nét hơn bao giờ hết. Sự nghiệp giải phóng có phạm vi rất rộng lớn, từ trong gia đình tới xã hội, cả về kinh tế và chính trị. Giải phóng phụ nữ, theo nghĩa rộng là phát huy vai trò, năng lực của phụ nữ, nâng cao vị thế của phụ nữ trong mọi mặt đời sống xã hội. Hồ Chí Minh cho rằng muốn giải phóng phụ nữ thì trước hết là giải phóng họ khỏi sự trói buộc của tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, khỏi sự bất công trong gia đình của mình. Người lên án mạnh mẽ quan điểm “đàn bà phải quanh quẩn trong bếp”, bởi từ đó mà dẫn đến vị thế người phụ nữ bị hạ thấp trong gia đình và xã hội. Hồ Chí Minh quan tâm đến bình đẳng nam nữ, coi đó là nội dung cơ bản trong việc giải phóng phụ nữ về mặt xã hội. Bác cho rằng, giải phóng về kinh tế là điều kiện có ý nghĩa quyết định để đạt được bình đẳng nam nữ. Trọng tâm của việc giải phóng phụ nữ về kinh tế là giải phóng sức lao động của phụ nữ, tạo điều kiện bình đẳng với nam giới, đó cũng là giải phóng sức lao động xã hội.
Hồ Chí Minh đánh giá cao lực lượng chính trị của phụ nữ và rất quan tâm đến giải phóng phụ nữ về mặt chính trị. Giải phóng về mặt chính trị, theo Người là phải bắt đầu từ việc trang bị cho họ về mặt lý luận, tổ chức họ tự giác tham gia cuộc đấu tranh giải phóng cho chính họ từ người dân mất nước trở thành một công dân một nước tự do, độc lập có chủ quyền. Phụ nữ được giải phóng về chính trị thể hiện cụ thể ở quyền tham gia các hoạt động chính trị, tham gia các tổ chức chính trị, trở thành cán bộ lãnh đạo, quản lý một cách bình đẳng.
Để nâng cao vị trí, vai trò người phụ nữ trong xã hội ngày nay, cần quan tâm đến những vấn đề sau: Trước hết, cải cách thể chế, cải cách pháp lý nhằm tạo lập quyền và cơ hội bình đẳng cho phụ nữ và nam giới. Trong đó, tiếp tục hoàn thiện, bổ sung Luật Hôn nhân gia đình; Luật Chống bạo hành, bạo lực, quyền về đất đai, luật lao động, quyền chính trị.
Tiếp đến là tiếp tục nâng cao hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là khía cạnh giải phóng phụ nữ. Đồng thời, phải kết hợp đồng bộ các giải pháp, các yếu tố bên trong và bên ngoài, trong đó yếu tố quyết định như Bác Hồ căn dặn: “Bản thân phụ nữ thì phải tự mình vươn lên”. Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích: Vì trọng nam khinh nữ đã “ăn sâu trong đầu óc của mọi người, mọi gia đình, mọi tầng lớp xã hội”, nên giải phóng phụ nữ là cuộc cách mạng lâu dài, “Khá to và khó”.
Đặc biệt, cần tiếp tục đổi mới và tăng cường công tác vận động phụ nữ trong tình hình mới, trong đó đa dạng hóa các hình thức tổ chức, nội dung hoạt động của Hội theo lứa tuổi, ngành, nghề, sở thích, vùng, miền, gắn quyền lợi với nghĩa vụ. Thường xuyên phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các đoàn thể và tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Hội Phụ nữ. Trang bị cho phụ nữ những kiến thức và kỹ năng cần thiết trong ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh... Có chính sách ưu tiên và đãi ngộ thích đáng đối với cán bộ nữ công tác ở vùng sâu, xa, biên giới, hải đảo và công tác ở nước ngoài, những nơi khó khăn, độc hại.
KHUẤT MINH PHƯƠNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin