ĐBQH Nguyễn Tạo: Cần có cơ chế đặc thù về kinh tế cho đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và Tây Bắc

06:06, 10/06/2022
(LĐ online) - Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XV, ngày 10/6, tại hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội  Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiến hành thảo luận về chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1).
 
 
Buổi chiều cùng ngày, Quốc hội cũng đã thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1). Các đại biểu Quốc hội bày tỏ đồng tình với sự cần thiết sớm đầu tư 3 dự án cao tốc nêu trên với các cơ chế, chính sách để triển khai dự án.
 
ĐBQH Nguyễn Tạo tham gia phát biểu thảo luận về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.
ĐBQH Nguyễn Tạo tham gia phát biểu thảo luận về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa
 
Tham gia phát biểu về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, ĐBQH Nguyễn Tạo cho rằng: 
 
Các nội dung trong Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa đã cơ bản bám sát chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28/01/2022 về xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, bảo đảm tính tương đồng với các tỉnh, thành phố được Quốc hội khóa XIV, khóa XV ban hành có cơ chế đặc thù như: Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Thanh Hóa, Cần Thơ. Tôi bày tỏ sự thống nhất cao với nội dung của dự thảo Nghị quyết, ngoài các quy định tương tự như các địa phương có cơ chế đặc thù thì dự thảo đã quy định những chính sách mới và những chính sách tương thích với lợi thế của tỉnh Khánh Hòa như: Tách dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công; phát triển Khu kinh tế Vân Phong; phát triển kinh tế biển tại tỉnh Khánh Hòa…đây là hạt nhân, là đòn bẩy tạo chuỗi liên kết và động lực quan trọng để phát triển kinh tế vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ trong thời gian tới. Tại diễn đàn Quốc hội hôm nay, tôi xin phép được tham gia một số ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết này, cụ thể như sau:
 
Thứ nhất, việc thí điểm tách dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công: Lâu nay, việc thực hiện các dự án giao thông và các công trình hạ tầng khác, vấn đề khó khăn nhất là công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng; vì vậy, việc thí điểm cơ chế tách riêng hợp phần này cho tỉnh Khánh Hòa là thực sự phù hợp; khi địa phương làm chủ đầu tư sẽ bám sát cơ sở, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, từ đó đảm bảo quyền lợi cao nhất cho người dân bị ảnh hưởng, đảm bảo giá đền bù thỏa đáng, tái định cư thuận lợi, tạo điều kiện sinh kế cho bà con ổn định cuộc sống về lâu dài. Tuy nhiên, đề nghị cần làm rõ thêm hiệu lực pháp lý của kết quả kiểm đếm giá đất, việc thỏa thuận với dân về giá tại thời điểm kiểm đếm và việc công khai giá để bảo đảm tính thuyết phục, rõ ràng, minh bạch và không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân trong quá trình triển khai chuẩn bị dự án, không làm tăng chi phí giải phóng mặt bằng ảnh hưởng đến cân đối ngân sách Nhà nước và quyền lợi nhà đầu tư. Qua đây, đề nghị Chính phủ nhanh chóng đánh giá toàn diện kết quả thí điểm để nhân rộng áp dụng cơ chế này trên phạm vi toàn quốc.
 
Thứ hai, kể từ khi thành lập (theo Quyết định số 92/2006/QĐ-TTg ngày 25/6/2006 của Thủ tướng Chính phủ) đến nay Khu kinh tế Vân Phong vẫn chưa có các cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển; trong khi đó, khu kinh tế Phú Quốc (Kiên Giang) và Vân Đồn (Quảng Ninh) đã được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết, Quyết định về cơ chế, chính sách đặc thù như: Nhà đầu tư được hưởng ưu đãi và hỗ trợ đầu tư theo mức cao nhất quy định tại Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế; miễn thị thực đối với người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Phú Quốc; ưu tiên huy động vốn ODA để đầu tư cho một số dự án kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng…Mặt khác, khu kinh tế Vân Đồn và Phú Quốc là hai trong nhóm 08 khu kinh tế ven biển trọng điểm để tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016 – 2020 theo Văn bản số 2021/TTg-KTTH ngày 09/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ, riêng khu kinh tế Vân Phong không nằm trong danh sách này. Do đó, tôi tha thiết đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần thiết phải có chính sách đặc thù cho khu kinh tế Vân Phong để thu hút các nhà đầu tư lớn, có tiềm lực, kinh nghiệm; được ưu tiên sử dụng nguồn vốn ngân sách Trung ương để đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội quan trọng để triển khai sớm các dự án mang tính động lực, quy mô lớn nhằm tạo “cú hích” đột phá để địa phương phát triển nhanh hơn, bức phá hơn, phù hợp với điều kiện, thể chế của nước ta, đáp ứng chủ trương của Đảng, Nhà nước và định hướng của Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Phát triển Khu kinh tế Vân Phong trở thành động lực phát triển của tỉnh và khu vực Nam Trung Bộ”.
 
Thứ ba, tôi bày tỏ sự thống nhất cao với nội dung rất quan trọng đó là quy định của dự thảo Nghị quyết về việc cấp giấy phép đầu tư của các dự án cho các nhà đầu tư chiến lược trong Khu kinh tế Vân Phong, được áp dụng cơ chế khấu trừ bổ sung chi phí nghiên cứu và phát triển (R&D) khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp; bởi lẽ cơ chế, chính sách này đã khuyến khích bằng thuế cho phép các doanh nghiệp có quyền tự chủ trong việc quyết định các chiến lược nghiên cứu và phát triển của mình tạo ra sự phản ứng kịp thời, hiệu quả trước các tín hiệu và diễn biến dự báo của thị trường; bảo đảm các doanh nghiệp vẫn là người chủ đầu tư trực tiếp cho các dự án bằng nguồn tài chính riêng, độc lập của mình không thông qua nguồn ngân sách nhà nước, từ đó sẽ giảm rủi ro lãng phí, thất thoát ngân sách Nhà nước nếu phân bổ các nguồn lực không hợp lý.
 
Cuối cùng, tại diễn đàn hôm nay tôi tha thiết đề nghị các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nghiên cứu, xem xét, quyết định ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho kinh tế cho các vùng đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và Tây Bắc trong thời gian sắp tới và các vùng tương đương như Khánh Hòa nhằm tạo “cú hích” mạnh mẽ hơn, tạo sự gắn kết đồng bộ và chặt chẽ giữa các vùng miền vì sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng của đất nước, hướng tới một đất nước Việt Nam hưng thịnh.
 
NGUYỆT THU