ĐBQH Nguyễn Tạo: Cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong triển khai các dự án lớn

09:06, 07/06/2022
(LĐ online) - Tiếp tục kỳ họp thứ 3, ngày 6/6, Quốc hội khóa XV tiếp tục chương trình làm việc, nghe các tờ trình, báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1). 
 
ĐBQH Nguyễn Tạo - Đoàn Lâm Đồng tham gia thảo luận tại tổ về 3 dự án cao tốc
ĐBQH Nguyễn Tạo - Đoàn Lâm Đồng tham gia thảo luận tại tổ về 3 dự án cao tốc
 
Đáng chú ý, 3 dự án xây dựng đường bộ cao tốc nêu trên được trình đầu tư theo hình thức đầu tư công. Trong bối cảnh và nguồn lực hiện nay, đề xuất trên được cho là phù hợp và được Ủy ban Kinh tế - cơ quan thẩm tra tán thành.
 
Tổng đầu tư các dự án xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1) khoảng 84.463 tỷ đồng. Trên cơ sở tiến độ triển khai 3 dự án, dự kiến nhu cầu vốn trong giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 60.124 tỷ đồng, chuyển tiếp giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 24.339 tỷ đồng. Trên cơ sở so sánh, đánh giá, kỹ lưỡng lợi thế của các hình thức đầu tư, Chính phủ kiến nghị đầu tư cả 3 dự án theo hình thức đầu tư công.
 
Tham gia góp ý thảo luận tổ ngày 6/6, ĐBQH Nguyễn Tạo - Đoàn Lâm Đồng cho ý kiến: Thực tế thời gian qua đã 10 năm rồi nhưng đường vành đai 3 vẫn đưa được quan tâm, đầu tư xây dựng khép kín, nhất là cung đường từ Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ… thường xuyên bị tắc nghẽn, giao thương hàng hóa gặp trở ngại, vận chuyển hàng hóa nông sản, alumin đi các cảng quốc tế bị tắc nghẽn…. Khi đầu tư khép kín như vậy sẽ giảm phí vận chuyển logistic. Lần này Quốc hội đưa ra lấy ý kiến về các dự án quan trọng và hết sức cần thiết, góp phần thúc đẩy kinh tế vùng Nam Trung Bộ - Tây Nguyên. 
 
Tuy nhiên, mức chuyển biến vẫn chưa đáp ứng theo kỳ vọng. Tôi đề xuất nên tích hợp quỹ đất tái định cư trong dự án cao tốc đường vành đai 3 - Đông Nam Bộ, sẽ hài hòa hơn trong giải phóng mặt bằng. Vướng nhất là lộ trình và thời gian, phía Nam hiện nay việc giải phóng mặt bằng là khó nhất, do kinh phí lớn trong giải phóng mặt bằng và bố trí tái định cư. 
 
Vì thế, tôi đề nghị Quốc hội phải xem xét, tính toán đến quỹ đất tái định cư và quỹ đất tạo nguồn lực cho các khu dân cư nông thôn, khu đô thị hình thành dọc tuyến cao tốc mà chúng ta chưa hoạch định để đưa vào dự án cao tốc. Vì vậy, nên đưa vào cho các dự án để thực hiện bố trí tái định cư cho người dân, mức tái định cư phải bằng và tốt hơn nơi ở cũ cho người dân. 
 
Khi triển khai các dự án cao tốc lớn cần quy hoạch mỏ để tương thích với diện tích cần triển khai cao tốc. Hiện nay, các mỏ chưa đáp ứng nguyên vật liệu phục vụ công trình cao tốc về cát, đất nền, đá… Phải chủ động đưa vào tích hợp trong dự án, phải tương ứng thời gian mà chúng ta triển khai. Kiến nghị cho kéo dài thời gian để bảo đảm tiến độ thi công, từ đó nghị quyết của Quốc hội thực hiện khả thi. 
 
Thực tế nếu không thỏa thuận chốt giá được cho dân, không bố trí tái định cư cho dân, trong khi giá vật liệu tăng, giá xăng tăng… khiến phí đền bù quá lớn, nhà đầu tư gặp khó khăn, dự án sẽ không khả thi. Mặt khác, đề nghị cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong triển khai các dự án lớn. 
 
NGUYỆT THU