(LĐ online) - Ngày 1/6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, các ĐBQH thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021.
|
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Lâm Đồng Nguyễn Tạo tham gia thảo luận tại hội trường |
Thảo luận tại hội trường về bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021 và những tháng đầu năm 2022... các ý kiến đại biểu cho rằng trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, giá xăng tăng cao tác động đến tình hình trong nước, nguy cơ lạm phát thì Chính phủ sớm xem xét sử dụng các công cụ thuế để giảm giá xăng dầu, kiểm soát lạm phát và ổn định thị trường kinh tế vĩ mô.
Các ý kiến đại biểu đề nghị Chính phủ cần tập trung tăng cường các biện pháp kiểm soát giá các mặt hàng nhu yếu phẩm để tránh tình trạng đầu cơ găm hàng, đẩy giá lên cao bất hợp lý. Đồng thời, có biện pháp để giảm giá của các mặt hàng như xăng dầu, điện nước, bởi nếu giá các mặt hàng này tiếp tục tăng thì sẽ tác động không nhỏ đến tình hình lạm phát của Việt Nam trong thời gian tới.
Việc tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42, chậm giải ngân vốn đầu tư công cũng như các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế, các chương trình mục tiêu Quốc gia cần phải được làm rõ nguyên nhân và có giải pháp cho vấn đề này. Đây là nội dung được nhiều ĐBQH quan tâm đặt vấn đề trong phiên thảo luận.
Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Tạo góp ý: Trước tiên tôi thống nhất với các nội dung trong báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, cho thấy tình hình kinh tế - xã hội của nước ta tiếp tục khởi sắc trên nhiều lĩnh vực. Việc triển khai thực hiện các chính sách của Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và chính sách mở cửa du lịch từ sau ngày 15/3 đã tác động rõ nét đến hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước; du lịch phục hồi nhanh tại nhiều địa bàn trọng điểm, khách quốc tế đến nước ta trong tháng 4 tăng 2,4 lần so với tháng trước, tính chung 4 tháng tăng 184,7% so với cùng kỳ; riêng tỉnh Lâm Đồng, khách du lịch đạt trên 3 triệu lượt qua 5 tháng đầu năm.
Có thể thấy, qua hơn 2 năm chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nền kinh tế nước ta phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức song ngành nông nghiệp vẫn đạt được những kết quả hết sức khả quan, không chỉ đạt và vượt các mục tiêu tăng trưởng đã đề ra mà còn tiếp tục giữ vững vai trò “trụ đỡ” của nền kinh tế, góp phần quan trọng ổn định xã hội trong lúc đất nước gặp khó khăn do dịch bệnh; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,45% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó, các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản lần lượt tăng 2,35%, 3,86% và 2,54%.
Cử tri Lâm Đồng tri ân sâu sắc đối với ngành nông nghiệp đã rất tích cực phối hợp với các nước bạn để nhập khẩu trứng tằm trong bối cảnh các nước đang hạn chế xuất khẩu do dịch bệnh Covid-19, tạo nguồn cung ổn định cho bà con trồng dâu nuôi tằm yên tâm sản xuất, ổn định, cải thiện đời sống nông thôn mới. Đối với thị trường xuất khẩu hoa tại tỉnh Lâm Đồng, thời gian qua, ngành nông nghiệp đã quyết liệt chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan liên quan, làm việc với Bộ Nông nghiệp Úc để xử lý việc sử dụng các hoạt chất khác thay thế cho hoạt chất Glyphosate trong xử lý mầm hoa cắt cành xuất khẩu, đảm bảo đầu ra cho hơn 150.000 ha trồng hoa xuất khẩu của Đà Lạt và vùng phụ cận.
Bên cạnh những mặt tích cực, kinh tế - xã hội vẫn còn những khó khăn nhất định, cụ thể là: Giá cả vật tư đầu vào, giá phân bón cho sản xuất nông nghiệp vẫn ở mức cao so với bình quân hàng năm; do diễn biến phức tạp của tình hình thế giới giá xăng dầu tăng, các chuỗi giá trị nông sản còn hạn chế, chưa bền vững khiến việc tiêu thụ nông sản còn khó khăn, một số thời điểm giá sản phẩm xuống thấp ảnh hưởng đến thu nhập và khả năng tái đầu tư của người nông dân…
Chính vì vậy, thứ nhất, đề nghị Chính phủ có chính sách can thiệp kịp thời để kìm đà tăng giá của phân bón, vật tư nông nghiệp, xăng dầu; đấu tranh quyết liệt với gian lận thương mại, nhất là đối với nạn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả; chú trọng giải quyết cơ chế, thủ tục cải cách hành chính để đẩy nhanh tiến độ trong giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là 3 chương trình mục tiêu quốc gia…
Thứ hai, về giải ngân vốn đầu tư công: Lâu nay việc thực hiện các dự án giao thông khó nhất là công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng; vì vậy, tôi đề xuất Quốc hội có cơ chế tách riêng hợp phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, giao về cho cấp tỉnh làm chủ đầu tư, làm song song các thủ tục để rút ngắn thời gian chuẩn bị, đảm bảo quyền lợi cao nhất cho người dân bị ảnh hưởng, đảm bảo giá đền bù thỏa đáng, tái định cư thuận lợi, tạo điều kiện ổn định sinh kế cho bà con ổn định cuộc sống. Thực tiễn địa phương, tỉnh đã tách hợp phần này…
Thứ ba, đối với các dự án tiến hành chuyển mục đích sử dụng đất rừng, đất lúa sang mục đích xây dựng và triển khai các dự án trọng điểm, nâng cấp, mở rộng các tuyến giao thông chính kết nối khu vực trong và ngoài tỉnh… đã và đang gặp nhiều khó khăn. Kiến nghị Chính phủ cần quy định thời gian thẩm định cụ thể của mỗi cơ quan trong Hội đồng thẩm định liên ngành để nâng cao trách nhiệm trong công tác báo cáo với cơ quan chủ trì là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tránh để kéo dài, chậm triển khai thực hiện; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính.
NGUYỆT THU
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin