Đóng góp tích cực của Đoàn ĐBQH Lâm Đồng tại Kỳ họp thứ 3

06:06, 28/06/2022
Sau 19 ngày làm việc tích cực, khẩn trương, trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra và thành công tốt đẹp. Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Lâm Đồng đã tham gia tích cực trên mọi lĩnh vực, góp ý thảo luận về các dự án luật, góp ý về các nghị quyết mang tầm chiến lược, chất vấn về nhiều vấn đề nóng mà cử tri và Nhân dân quan tâm. Qua đó, đã mang được tiếng nói của cử tri đến diễn đàn Quốc hội, mở ra nhiều định hướng mới, nhiều kết quả khả quan trong thời gian sắp tới; đáp ứng mong đợi và kỳ vọng của cử tri Lâm Đồng. 
 
ĐBQH Lâm Đồng tích cực tham gia đóng góp tại Kỳ họp thứ 3
ĐBQH Lâm Đồng tích cực tham gia đóng góp tại Kỳ họp thứ 3
 
Tại kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét một khối lượng công việc lớn, quyết định nhiều nội dung quan trọng không chỉ cho năm 2022 mà cho cả giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo. Kỳ họp lần này, Quốc hội đã thông qua 5 luật gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Kinh doanh bảo hiểm; Luật Điện ảnh; Luật Thi đua, khen thưởng và Luật Cảnh sát cơ động; thông qua 17 nghị quyết; cho ý kiến về 6 dự án luật như: Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện và Luật Dầu khí (sửa đổi).
 
Trưởng Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Lâm Đồng Trần Đình Văn nhận định: Các ĐBQH tham gia đầy đủ các phiên họp, thực hiện đúng quy định, nội quy, quy chế kỳ họp; tích cực tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến về công tác xây dựng luật, kinh tế - xã hội, tài chính ngân sách, chất vấn... với 15 lượt phát biểu, thảo luận, tranh luận tại tổ và chất vấn trực tiếp tại hội trường. Nhiều nội dung thảo luận, ý kiến góp ý có chất lượng, mang tính thực tiễn của các ĐBQH tỉnh được Quốc hội, các cơ hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, góp phần vào thành công của kỳ họp. 
 
Đặc biệt, với sự linh hoạt, đổi mới phương pháp làm việc, trong thời gian kỳ họp diễn ra, Đoàn ĐBQH cùng với lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành có liên quan đã có 2 buổi làm việc ngoài giờ hành chính với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để từng bước tháo gỡ một số vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các dự án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cụ thể: Làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để bàn giải pháp đẩy nhanh tiến độ thẩm định hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để triển khai xây dựng các dự án, công trình đường bộ cao tốc đoạn Tân Phú - Bảo Lộc; nâng cấp, mở rộng đèo Prenn, hồ Ta Hoét; công tác quản lý và bảo vệ rừng; hướng dẫn tiêu chí lựa chọn tổ chức, cá nhân cho thuê môi trường rừng; xây dựng, ban hành đề cương dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí và công tác quy hoạch tỉnh. 
 
Tiếp đó đã làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về cơ chế, chính sách và nguồn vốn cho dự án đường cao tốc đoạn Bảo Lộc - Liên Khương; đầu tư nâng cấp Quốc lộ 27 đoạn từ thị trấn Đinh Văn (huyện Lâm Hà) đến cầu Krông Nô (huyện Đam Rông); đề nghị hỗ trợ tỉnh Lâm Đồng trong công tác lập Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050, điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận...
 
Thành công của Kỳ họp lần này tiếp tục khẳng định những bước tiến quan trọng trong việc xây dựng một Quốc hội “Chủ động, Trí tuệ, Đoàn kết, Đổi mới và Trách nhiệm”, một Quốc hội ngày càng dân chủ, công khai, minh bạch, gắn bó mật thiết với cử tri, Nhân dân; đồng thời là hiện thân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
 
Tham gia phát biểu về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, ĐBQH Nguyễn Tạo thể hiện ý kiến về việc thí điểm tách dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công: Lâu nay, việc thực hiện các dự án giao thông và các công trình hạ tầng khác, vấn đề khó khăn nhất là công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng. Vì vậy, việc thí điểm cơ chế tách riêng hợp phần này cho tỉnh Khánh Hòa là thực sự phù hợp; khi địa phương làm chủ đầu tư sẽ bám sát cơ sở, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, từ đó đảm bảo quyền lợi cao nhất cho người dân bị ảnh hưởng, đảm bảo giá đền bù thỏa đáng, tái định cư thuận lợi, tạo điều kiện sinh kế cho bà con ổn định cuộc sống về lâu dài. Tuy nhiên, đề nghị cần làm rõ thêm hiệu lực pháp lý của kết quả kiểm đếm giá đất, việc thỏa thuận với dân về giá tại thời điểm kiểm đếm và việc công khai giá để bảo đảm tính thuyết phục, rõ ràng, minh bạch và không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân trong quá trình triển khai chuẩn bị dự án, không làm tăng chi phí giải phóng mặt bằng ảnh hưởng đến cân đối ngân sách Nhà nước và quyền lợi nhà đầu tư. Qua đây, đề nghị Chính phủ nhanh chóng đánh giá toàn diện kết quả thí điểm để nhân rộng áp dụng cơ chế này trên phạm vi toàn quốc. Đề nghị các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nghiên cứu, xem xét, quyết định ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho kinh tế cho các vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và Tây Bắc trong thời gian sắp tới và các vùng tương đương như Khánh Hòa nhằm tạo “cú hích” mạnh mẽ hơn, tạo sự gắn kết đồng bộ và chặt chẽ giữa các vùng miền vì sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng của đất nước, hướng tới một đất nước Việt Nam hưng thịnh.
 
Tham gia phát biểu tại hội trường về bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2021 và những tháng đầu năm 2022..., ĐBQH K’ Nhiễu - Đoàn Lâm Đồng góp ý: Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có vị trí quan trọng trong sự nghiệp phát triển đất nước cũng như sự nghiệp cách mạng của Đảng. Đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo các bộ, ngành liên quan phải có quyết tâm chính trị cao nhất để tập trung nguồn lực, công sức, trí tuệ để triển khai tổ chức thực hiện chương trình, phấn đấu giải ngân 100% vốn như kế hoạch đã được giao. Kịp thời khen thưởng, biểu dương những tập thể, cá nhân làm tốt trong lĩnh vực này.
 
Các ĐBQH như Phan Đình Trạc, Nguyễn Văn Hiển, Lâm Văn Đoan cũng đã tham gia tích cực đóng góp nhiều ý kiến chất lượng, trách nhiệm, thể hiện sự nghiên cứu chuyên sâu, kỹ lưỡng, góp phần quan trọng vào thành công của Kỳ họp.
 
NGUYỆT THU