Thực hiện Nghị quyết số 10 ngày 17/2/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, huyện Đức Trọng đã tích cực tuyên truyền người dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng, duy trì tỉ lệ che phủ rừng, phát triển sản xuất, làm giàu từ rừng một cách bền vững.
|
Lãnh đạo huyện Đức Trọng và các lực lượng ra quân trồng 1 ha rừng tại Tiểu khu 267 |
Huyện Đức Trọng có tổng diện tích tự nhiên là 90.362 ha; trong đó, diện tích đất lâm nghiệp là 40.170 ha, chiếm 44,45% gồm: rừng đặc dụng 106 ha; rừng phòng hộ 18.083 ha và rừng sản xuất là 21.981 ha. Diện tích đất có rừng hơn 28.788 ha, gồm: rừng tự nhiên 19.530,11 ha và rừng trồng 9.258,49 ha; độ che phủ trên địa bàn huyện là 31,9%.
Trong những năm qua, công tác xã hội hóa nghề rừng được quan tâm chú trọng, ý thức chấp hành pháp luật về lâm nghiệp của người dân ngày càng nâng cao; hệ thống quản lý và sự phối hợp của các cấp ủy Đảng, chính quyền ngày càng đồng bộ, vì vậy công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) từng bước đi vào ổn định, được sự tham gia và hưởng ứng của nhiều người dân.
Tuy nhiên, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất quy hoạch sản xuất lâm nghiệp, khai thác, mua bán lâm sản trái pháp luật vẫn còn diễn ra. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, tình trạng phá rừng, làm suy giảm chất lượng rừng và diện tích rừng, lấn chiếm đất quy hoạch sản xuất lâm nghiệp để trồng cây nông nghiệp, công nghiệp và xây dựng công trình trái phép vẫn còn diễn biến phức tạp.
Triển khai thực hiện cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh, nhất là Nghị quyết số 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Đức Trọng đã và đang quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Xây dựng và triển khai thực hiện thường xuyên, liên tục, kịp thời, hiệu quả chương trình, kế hoạch thông tin, tuyên truyền, giáo dục, phổ biến chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước về công tác QLBVR, sử dụng rừng và đất quy hoạch sản xuất lâm nghiệp theo quy định pháp luật... đến tận thôn, tổ dân phố bằng nhiều hình thức, phương pháp phù hợp với từng đối tượng, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số để các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân trong huyện nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, chấp hành đúng quy định pháp luật. Đồng thời, kịp thời đưa tin các đối tượng vi phạm quy định về QLBVR, thông tin xử lý vi phạm của các cơ quan chức năng; biểu dương gương điển hình, người tốt, việc tốt trong công tác QLBV&PTR...
Bên cạnh đó, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý phát triển và bảo vệ rừng, quản lý đất lâm nghiệp; trong xây dựng quy hoạch, kế hoạch, định hướng phát triển, tập trung nguồn lực đầu tư; đồng thời, chỉ đạo thực hiện nghiêm trách nhiệm chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp xã trong việc quản lý tài nguyên rừng, đất đai, khoáng sản; tổ chức quản lý, bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp theo đúng quy hoạch, xem đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở.
Mặt khác, thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ nghiêm, chặt chẽ diện tích rừng tự nhiên, rừng trồng hiện có theo quy hoạch được phê duyệt; trong đó, tập trung bảo vệ và phát triển rừng tại các khu vực rừng phòng hộ như: Khu vực núi Voi xã Hiệp An, Hiệp Thạnh; khu vực rừng phòng hộ xung yếu tại khu vực Dự án Thủy điện Đại Ninh và vùng giáp ranh với các tỉnh Ninh thuận, Bình thuận,... Chú trọng quản lý, bảo vệ, phát triển bền vững hệ sinh thái rừng tại các khu vực trọng yếu gắn với quốc phòng - an ninh.
Triển khai đầu tư trồng rừng, chăm sóc rừng trồng tập trung; trồng rừng, trồng cây phân tán, trồng cây xanh đô thị; trồng xen cây đa mục đích trên diện tích sản xuất nông nghiệp thuộc quy hoạch lâm nghiệp theo kế hoạch, gắn với tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường sinh thái, xây dựng nông thôn mới, phát triển đô thị.
Song song với đó, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong việc tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân hiểu rõ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước về QLBV&PTR. Tăng cường công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đối với cơ quan, tổ chức liên quan trong công tác QLBV&PTR. Phát động và triển khai thực hiện hiệu quả phong trào thi đua trong đoàn viên, hội viên đối với hoạt động tuyên truyền về QLBV&PTR...
Với mục tiêu bảo vệ, phát triển rừng, Đức Trọng phấn đấu giai đoạn 2021 - 2025, giảm 20%/năm trở lên về số vụ vi phạm, diện tích rừng và khối lượng lâm sản thiệt hại; số vụ vi phạm phát hiện được đối tượng vi phạm đạt từ 85% trở lên; thực áp dụng các biệp pháp khắc phục hậu quả khôi phục lại tình trạng ban đầu bằng việc giải tỏa cây trồng, vật kiến trúc trên diện tích rừng bị phá trái pháp luật, rừng và đất rừng bị lấn, chiếm. Triển khai trồng rừng, chăm sóc rừng trồng, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu trồng 4.467.000 cây xanh; vừa thực hiện trồng xen cây lâm nghiệp, cây đa mục đích trên diện tích 3.167 ha đất lâm nghiệp bị lấn chiếm đã trồng cây nông nghiệp cho thu hoạch ổn định từ năm 2016 trở về trước; đồng thời khoanh nuôi xúc tiến tái sinh đối với những diện tích chưa thành rừng để tăng tỉ lệ che phủ rừng; chủ động ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, theo dõi, giám sát tài nguyên rừng trên địa bàn huyện, phấn đấu nâng cao độ che phủ rừng đạt 42%.
NHẬT MINH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin