Giải quyết 'nghẽn' hạ tầng giao thông vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

08:06, 10/06/2022
Ngày làm việc hôm nay, 10/6, Quốc hội thảo luận về dự án đầu tư giao thông lớn tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng, Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột và Biên Hòa-Vũng Tàu.
 
Ngày 10/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận về các vấn đề thuộc lĩnh vực giao thông vận tải
Ngày 10/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận về các vấn đề thuộc lĩnh vực giao thông vận tải
 
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, ngày 10/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; Chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa-Vũng Tàu (giai đoạn 1); dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.
 
Tờ trình Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi hai dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội và đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh nêu rõ đây là hai dự án có vai trò liên kết vùng, thúc đẩy phát triển đô thị hóa, có ý nghĩa rất lớn đối với việc phát triển kinh tế-xã hội.
 
Việc đầu tư hoàn thành hai dự án này sẽ góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tăng khả năng kết nối giao thông giữa các tỉnh trong vùng, phù hợp với Quy hoạch giao thông quốc gia, giúp mở rộng không gian phát triển, kéo giãn mật độ dân cư khu vực nội thị, giảm áp lực cho giao thông nội đô và các tuyến đường hiện hữu.
 
Theo đề xuất của Chính phủ, dự án Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội có chiều dài 112,8km, gồm 103,1km đường Vành đai 4 và 9,7km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài-Hạ Long, đi qua địa phận thành phố Hà Nội (58,2km); Hưng Yên (19,3km); Bắc Ninh (dài 25,6km).
 
Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh dài 76,34km, đi qua địa phận Thành phố Hồ Chí Minh (47,51km); Đồng Nai (11,26km); Bình Dương (10,76km); Long An (6,81km).
 
Đối với dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô, sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 85.813 tỷ đồng, sử dụng vốn Ngân sách Nhà nước và vốn BOT của nhà đầu tư, trong đó vốn BOT 29.447 tỷ đồng.
 
Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 75.378 tỷ đồng, sử dụng toàn bộ vốn ngân sách nhà nước, trong đó ngân sách Trung ương là 38.741 tỷ đồng.
 
Trình bày trước Quốc hội tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã nêu rõ sự cần thiết đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa-Vũng Tàu (giai đoạn 1).
 
Việc sớm đầu tư ba dự án nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nghị quyết, thông báo của Bộ Chính trị; đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, giải quyết điểm nghẽn về hạ tầng giao thông vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, phát huy tiềm năng, khai thác lợi thế của vùng Tây Nguyên, vùng đồng bằng sông Cửu Long.
 
Bên cạnh đó, cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia nói chung và các vùng Tây Nguyên, duyên hải Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long nói riêng; tạo tiền đề, động lực, không gian mới phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, xóa đói giảm nghèo...
 
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, dự án đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu dài 53,7km, qua hai tỉnh, kết nối thành phố Biên Hòa với cảng biển Cái Mép-Thị Vải; đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4-6 làn xe.
 
Dự án đường cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột dài 117,5km, qua hai tỉnh, kết nối thành phố Buôn Ma Thuột với cảng biển Nam Vân Phong; đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe.
 
Dự án đường cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng dài 188,2km, qua 4 tỉnh/thành phố, kết nối thành phố Châu Đốc với cảng biển Trần Đề; đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe.
 
Về hình thức đầu tư, đối với dự án Biên Hòa-Vũng Tàu, Chính phủ kiến nghị đầu tư Dự án theo hình thức đầu tư công; sau khi đưa vào khai thác sẽ thu phí để hoàn trả vốn ngân sách nhà nước. Hình thức này bảo đảm tiến độ dự án và vẫn phù hợp với định hướng huy động nguồn lực xã hội.
 
Dự án Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột và Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng, mặc dù mang lại lợi ích kinh tế-xã hội rất lớn nhưng phương án tài chính hoàn vốn từ thu phí không khả thi, tỷ lệ vốn nhà nước tham gia vượt quá quy định của pháp luật.
 
Do vậy, Chính phủ lựa chọn hình thức đầu tư công; sau khi hoàn thành sẽ thu phí để hoàn trả vốn ngân sách nhà nước.
 
Việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa nhằm tạo công cụ pháp lý hữu hiệu để phát huy mọi tiềm năng, lợi thế tạo đột phá về phát triển kinh tế-xã hội, góp phần xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 như mục tiêu Bộ Chính trị đã đề ra.
 
Dự thảo Nghị quyết gồm 10 chính sách, quy định về Quản lý tài chính, ngân sách nhà nước (gồm 4 chính sách ); về quản lý quy hoạch; về quản lý đất đai (gồm 02 chính sách); tách dự án giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công; thu hút đầu tư trong Khu Kinh tế Vân Phong; về phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển tại tỉnh Khánh Hòa.
 
(Theo Vietnam+)