Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh không thừa nhận mình là một nhà báo chuyên nghiệp nhưng bằng tài năng và yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, Người đã coi báo chí là một thứ vũ khí sắc bén và sử dụng một cách tài tình để tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia cách mạng. Ngoài hàng ngàn bài báo viết về những vấn đề quan trọng, to lớn của cách mạng, của đời sống xã hội, Người còn nêu lên những quan điểm, tư tưởng cơ bản soi đường cho báo chí cách mạng và người làm báo Việt Nam.
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến sự nghiệp phát triển báo chí cách mạng Việt Nam và việc đào tạo đội ngũ cán bộ làm báo. Ảnh tư liệu |
Trong cả cuộc đời của mình, bên cạnh sự nghiệp cách mạng vĩ đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn có một cuộc đời làm báo tròn 50 năm và để lại một di sản báo chí đồ sộ (sáng lập, chỉ đạo nhiều tờ báo, có thời kỳ là chủ bút kiêm chủ báo), viết hàng ngàn bài báo với 174 bút danh (hơn 2.000 tác phẩm báo chí) đủ các thể loại, bằng nhiều thứ tiếng cho trên 50 tờ báo, tạp chí xuất bản ở trong và ngoài nước. Sự vĩ đại của nhà báo Hồ Chí Minh không chỉ thể hiện ở những tác phẩm báo chí xuất sắc, mà còn ở tư tưởng báo chí cách mạng, ở phong cách và nghệ thuật làm báo. Để có được một di sản báo chí đồ sộ như vậy, ngoài năng khiếu bẩm sinh và yêu cầu sự nghiệp cách mạng, Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã phải trải qua một quá trình khổ luyện từ những ngày đầu viết báo. Để có được bài báo hay, Người đã phải sửa đi, sửa lại nhiều lần, lúc đầu viết dài, sau ngắn dần, rút ngắn đến mức tối đa, thể hiện bằng văn phong ngắn gọn, trong sáng, dễ hiểu, dễ nhớ, nhưng vẫn bảo đảm đầy đủ những nội dung quan trọng, cần thiết. Chính năng khiếu và sự khổ luyện đã hình thành nên đặc trưng phong cách báo chí Hồ Chí Minh.
Nói đến nhà báo Hồ Chí Minh trước hết phải nói đến tư tưởng về nền báo chí cách mạng nước nhà và sứ mệnh của người làm báo. Tư tưởng đó được gói gém ngắn gọn trong 5 câu hỏi: Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết cái gì? Cách viết thế nào? Viết rồi thì phải làm sao? Trả lời: Viết cho ai? Là viết cho đại đa số Nhân dân lao động; Viết để làm gì? Là để phục vụ Nhân dân, phục vụ cách mạng; Viết cái gì? Là viết “những cái hay, cái tốt của dân tộc ta, bộ đội, cán bộ ta và phê phán kẻ thù”; Cách viết thế nào? Là viết phải trung thực, tôn trọng sự thật nhưng không khô khan, viết cho đúng trình độ của người xem, viết rõ ràng, gọn gàng, “chớ dùng chữ nhiều"; Viết rồi phải thế nào? “Viết xong, thì nhờ anh em xem và sửa giùm”. Từ quan niệm đúng đắn về báo chí, nên mỗi bài báo của Bác đều phù hợp một cách tự nhiên, nhuần nhuyễn giữa ngôn từ, cách diễn đạt với trình độ nhận thức, sự hiểu biết và cách suy nghĩ của từng đối tượng, viết cho nông dân khác với công nhân, khác trí thức, viết cho người chưa được giác ngộ khác với người đã được giác ngộ... Những bài báo của Bác đều bắt nguồn từ thực tế cuộc sống với những con số, những sự kiện đã được xem xét, kiểm tra, chọn lọc, mang cho người đọc, người nghe lượng thông tin cao và chính xác. Do đó, tư tưởng, nội dung trong các bài báo của Hồ Chí Minh, dù là những vấn đề cụ thể trong cuộc sống hàng ngày hay những vấn đề lớn lao của đất nước, của thời đại đều được truyền đạt một cách thấm thía, sâu sắc, dễ hiểu, dễ nhớ, có sức thuyết phục mạnh mẽ. Chính từ văn phong ngắn gọn, trong sáng, dễ hiểu, dễ nhớ, nhưng vẫn bảo đảm đầy đủ những nội dung quan trọng, cần thiết, nên các tác phẩm báo chí của Bác đã có tác động mạnh mẽ, sâu sắc đến người đọc, người nghe, làm cho họ thay đổi nhận thức, ý nghĩ, tình cảm và hành vi, hướng họ vào hành động theo nhận thức mới.
|
Trao chứng nhận tác phẩm Báo chí chất lượng cao năm 2021 cho các tác giả. Ảnh: Võ Trang |
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách báo chí Hồ Chí Minh, báo chí cách mạng Việt Nam đã không ngừng phát triển, lớn mạnh, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhiệm vụ phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Hàng trăm cơ quan báo chí trên nhiều loại hình, đa dạng về ấn phẩm đã ra đời; nội dung thông tin ngày càng hấp dẫn, sinh động, phong phú, phản ánh đầy đủ, kịp thời và toàn diện những vấn đề diễn ra trong nước và quốc tế. Đặc biệt, trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, báo chí nước nhà tiếp tục giữ vững vai trò là vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, làm nòng cốt trong công tác tuyên truyền quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; những thành tựu của công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế của Việt Nam; đấu tranh phản bác những thông tin sai trái, một chiều, xuyên tạc, thù địch, chống phá chế độ; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thu hút sự ủng hộ, giúp đỡ thế giới, tạo lập môi trường hòa bình, ổn định để phát triển,... Đội ngũ những người làm báo Việt Nam không ngừng lớn mạnh và trưởng thành qua năm tháng. Nhiều nhà báo không ngại khó khăn, thử thách, sẵn sàng xung kích đi đầu trong việc phản ánh toàn diện công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; cung cấp kịp thời, trung thực, chính xác thông tin sự kiện cho công chúng, định hướng dư luận xã hội, vạch ra những hiện tượng, những vấn đề bức xúc trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước; phanh phui các vụ, việc tiêu cực, tình trạng lãng phí, tham nhũng, lạm quyền; thực hiện hiệu quả chức năng thông tin, phản biện xã hội của báo chí,... Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những tòa soạn báo vị lợi, thiếu trách nhiệm, những nhà báo suy thoái, biến chất, vi phạm tôn chỉ, mục đích báo chí cách mạng.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và xã hội hóa thông tin hiện nay, nhất là khi đất nước và thế giới đang có nhiều thay đổi, internet phổ biến toàn cầu, báo chí cách mạng Việt Nam cần nắm vững chức năng, nhiệm vụ, tính chất, tuân thủ tôn chỉ, mục đích, để thực hiện tốt việc tuyên truyền quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phản ảnh trung thực, hùng hồn, sinh động tình hình kinh tế, xã hội của đất nước, đời sống các mặt của Nhân dân; góp phần ngăn chặn tình trạng nhiễu loạn thông tin, loại bỏ những nguy cơ có thể gây ra những thiệt hại làm ảnh hưởng trực tiếp đến vận mệnh dân tộc và chế độ chính trị của đất nước. Mỗi bài báo dù viết về vấn đề gì, tiếp cận ở góc độ nào cũng đều có những tác động nhất định đến dư luận xã hội trong và ngoài nước. Do đó, làm báo phải hết sức cẩn thận về hình thức, nội dung và cả cách viết; chỉ một sự thiếu cẩn trọng, cẩu thả khi viết có thể tác động xấu, thậm chí gây phương hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc và đời sống của Nhân dân.
|
Tác nghiệp. Ảnh: Thụy Trang |
Để hoàn thành sứ mệnh hết sức nặng nề nhưng rất cao cả của báo chí cách mạng, đòi hỏi mỗi nhà báo phải luôn: Thấm nhuần đầy đủ, sâu sắc tư tưởng, đạo đức phong cách báo chí Hồ Chí Minh; ra sức tu dưỡng, rèn luyện lập trường chính trị vững vàng, trung thành tuyệt đối với Đảng, đất nước và Nhân dân; đề cao ý thức nghề nghiệp của người làm báo; có thái độ bảo vệ Đảng, chế độ, đất nước và Nhân dân, kiên quyết chống lại sự phá hoại của kẻ thù. Nâng cao năng lực chuyên môn, vận dụng sáng tạo tư tưởng, đạo đức, phong cách báo chí Hồ Chí Minh vào hoạt động tác nghiệp của mình, phấn đấu đưa nền báo chí của nước nhà theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, thực sự là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội, là “cầu nối” giữa Đảng với dân, vì Nhân dân để phục vụ. Bám thực tiễn, sâu sát cơ sở, nắm bắt được hơi thở của cuộc sống, thời đại, nguyện vọng của Nhân dân, kịp thời tuyên truyền, phổ biến đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp phần ổn định chính trị, xã hội,... Nêu cao trách nhiệm xã hội của của báo chí; khi cầm bút, nhà báo cần cẩn trọng, đắn đo suy nghĩ từng nội dung, từng ý tứ, câu chữ với tâm niệm là viết sao để dân chúng hiểu và quan tâm đọc.
Quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chức năng, nhiệm vụ, tính chất của báo chí cách mạng; về vai trò, nghĩa vụ, đạo đức của người làm báo; về nghệ thuật trong “cách viết” để làm nên một tác phẩm báo chí và tờ báo đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Vì vậy, học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách báo chí Hồ Chí Minh để xây dựng, phát triển báo chí cách mạng Việt Nam trong công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế hiện nay có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
NHÂN LINH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin