Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong cải cách hành chính (bài 2)

03:06, 15/06/2022
[links()]
 
Bài 2: Hướng đến một chính quyền số, chính quyền điện tử 
 
Nhiều chỉ tiêu trong các lĩnh vực cải cách hành chính trong thời gian đến đã được Tỉnh ủy Lâm Đồng đưa ra cụ thể trong Nghị quyết số 14, hướng đến một chính quyền số, chính quyền điện tử phục vụ dân ngày càng tốt hơn.
 
Tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ tại Bộ phận một cửa UBND huyện Cát Tiên
Tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ tại Bộ phận một cửa UBND huyện Cát Tiên
 
Trong lĩnh vực cải cách thể chế, trong 3 năm tới, đến năm 2025, Lâm Đồng cơ bản hoàn thiện hệ thống văn bản qui phạm phát luật của tỉnh. Trong đó, cần bổ sung văn bản qui phạm pháp luật trong những lĩnh vực còn thiếu; sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ văn bản qui phạm pháp luật không còn phù hợp; phấn đấu toàn bộ 100% văn bản qui phạm pháp luật của tỉnh được ban hành đúng quy định của pháp luật.
 
Theo đó, Lâm Đồng cũng cam kết đảm bảo việc tổ chức thi hành pháp luật nghiêm minh, hiệu quả, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cá nhân, tổ chức và toàn xã hội; các quy định pháp luật được triển khai đồng bộ, nghiêm túc, kịp thời phát hiện những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành pháp luật nhằm kiến nghị, đề xuất các giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật để công tác quản lý nhà nước ngày càng nâng cao, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
 
Bênh cạnh đó, định hướng đến năm 2030, Lâm Đồng tiếp tục quán triệt, phổ biến sâu rộng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đẩy mạnh cải cách thể chế nhằm giúp công chức, viên chức nhận thức sâu sắc và thực hiện có hiệu quả công tác này nhất là những người trực tiếp làm công tác pháp chế của các sở, ban, ngành, công chức làm việc tại bộ phận một cửa; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng xây dựng văn bản qui phạm pháp luật của UBND các cấp theo quy trình luật định, 100% văn bản qui phạm pháp luật được ban hành đúng quy định của pháp luật.
 
Một nhiệm vụ quan trọng khác mà Tỉnh ủy nhấn mạnh là lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính (TTHC). Mục tiêu của tỉnh đến năm 2025, cần hoàn thành việc đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ, không theo địa giới hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, giảm thời gian đi lại, chi phí xã hội và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
 
Phấn đấu tỷ lệ số hóa kết quả giải quyết TTHC đang còn hiệu lực và có giá trị sử dụng thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh, huyện, xã đạt 100% để đảm bảo việc kết nối, chia sẻ dữ liệu trong giải quyết TTHC trên môi trường điện tử. 
 
Tối thiểu 80% và phấn đấu đến tỷ lệ 100% người dân, doanh nghiệp khi thực hiện TTHC không phải cung cấp lại các thông tin, giấy tờ, tài liệu đã được chấp nhận khi thực hiện thành công TTHC trước đó, mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết TTHC đang quản lý, hoặc thông tin, giấy tờ, tài liệu đã được cơ quan nhà nước kết nối, chia sẻ.
 
Tối thiểu 80% và phấn đấu đến tỷ lệ 90% TTHC của địa phương, có đủ điều kiện, được cung cấp trực tuyến mức độ 3 và 4. Trong số đó, ít nhất 80% TTHC được tích hợp, cung cấp trên cổng Dịch vụ công quốc gia. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến mức độ 3 và 4 trên tổng số hồ sơ đạt tối thiểu 50%.
 
Định hướng đến năm 2030, tối thiểu 90% và phấn đấu 100% TTHC của địa phương, có đủ điều kiện, được cung cấp trực tuyến mức độ 3 và 4; đồng thời, hoàn thành việc tích hợp, cung cấp trên cổng Dịch vụ công quốc gia. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến mức độ 3 và 4 trên tổng số hồ sơ đạt tối thiểu 80%.
 
Trong cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, đến năm 2025, tỉnh phấn đấu giảm 10% số lượng đơn vị sự nghiệp công lập và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021. Đến năm 2030, tiếp tục giảm thêm 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2025.
 
Trong cải cách chế độ công vụ, trong 3 năm đến, tỉnh phấn đấu xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có cơ cấu hợp lý, đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và khung năng lực theo quy định. Đến năm 2030, từ 25 - 35% số lãnh đạo, quản lý cấp sở, ngành, UBND cấp huyện và tương đương; trên 30% số lãnh đạo, quản lý cấp phòng trực thuộc sở, ngành, UBND cấp huyện và tương đương có đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế. Phấn đấu toàn bộ cán bộ, công chức cấp xã có trình độ cao đẳng, đại học và được chuẩn hoá về lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng làm việc.
 
Trong lĩnh vực tài chính công, Lâm Đồng đặt ra mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu tối thiểu 20% đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên; 100% đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác, có đủ điều kiện, chuyển sang tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư hoặc chuyển đổi thành công ty cổ phần. Đến năm 2030, phấn đấu giảm 15% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2021 - 2025.
 
Đặc biệt, trong xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, mục tiêu của Lâm Đồng đến năm 2025 tối thiểu 80% và phấn đấu toàn bộ 100% hồ sơ TTHC được xử lý hoàn toàn trực tuyến, người dân chỉ phải nhập dữ liệu một lần: tối thiểu 90% và phấn đấu 100% hồ sơ công việc cấp tỉnh; 80% hồ sơ công việc cấp huyện và 60% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường
mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); 50% hoạt động kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý.
 
Đến năm 2030, toàn bộ 100% hồ sơ công việc cấp tỉnh; 90% hồ sơ công việc cấp huyện và 70% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ có nội dung mật); 70% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý.
(CÒN NỮA)
 
GIA KHÁNH