(LĐ online) - Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, tư tưởng nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước Việt Nam là tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Nhân dân; đoàn kết tôn giáo, hoà hợp dân tộc.
Tinh thần đó được Đảng, Nhà nước ta thể hiện bằng hệ thống chính sách phù hợp với từng giai đoạn cách mạng và ngay từ khi Đảng ta mới thành lập. Xuyên suốt hệ thống pháp luật Việt Nam từ Hiến pháp 1946 đến Hiến pháp 2013, từ Sắc lệnh 234 năm 1955 đến Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 đều thể hiện rõ chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam về quyền tự do tôn giáo. Đơn cử như: Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được quy định tại khoản 1, 2 điều 24 Hiến pháp năm 2013, cụ thể: “1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật; 2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo”.
Văn kiện Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã nêu rõ: “Thực hiện tốt mục tiêu đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết toàn dân tộc. Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người theo quy định của pháp luật…”.
Việt Nam là nước đa tôn giáo, có 16 tôn giáo được Nhà nước công nhận (Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao đài, Phật giáo Hòa Hảo, Hồi giáo, Tôn giáo Baha’I, Tịnh độ Cư sỹ Phật hội, Cơ đốc Phục lâm, Phật giáo Tứ Ân Hiếu nghĩa, Minh Sư đạo, Minh lý đạo - Tam Tông Miếu, Bàlamôn giáo, Mặc môn, Phật giáo Hiếu Nghĩa Tà Lơn và Bửu Sơn Kỳ Hương) với 43 tổ chức tôn giáo, hơn 26,5 triệu tín đồ các tôn giáo, chiếm 28% dân số cả nước với hàng chục nghìn cơ sở thờ tự.
Hàng năm, có hơn 8.500 lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo được tổ chức; các hoạt động tôn giáo lớn được tổ chức trọng thể theo nghi lễ tôn giáo với sự tham dự của hàng trăm nghìn lượt người… Đặc biệt, nhiều hoạt động tôn giáo quốc tế lớn được tổ chức thành công ở Việt Nam; trong đó, có các sự kiện kỷ niệm 500 năm cải chánh đạo Tin lành (năm 2017), Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc Vesak (năm 2019), Tổng hội dòng Đa Minh thế giới (năm 2019)… Những nỗ lực này của Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
Với những thành tựu về tự do tôn giáo, tín ngưỡng, Việt Nam đã chủ động thông tin cho các nước, các tổ chức quan tâm thông qua các buổi làm việc, diễn đàn song phương, đa phương và kênh đối thoại nhân quyền thường niên với các nước Mỹ, EU, Úc, Na Uy.
Bên lề Hội nghị COP26 tại Anh (11/2021), Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã khẳng định: “Tôi sẵn sàng đối thoại với bất kỳ ai về vấn đề nhân quyền”. Điều này thể hiện thiện chí cũng như sự cởi mở của Việt Nam về vấn đề nhân quyền nói chung và vấn đề tự do tôn giáo nói riêng.
Trong khi đó, hiện nay, có những cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước vẫn cho rằng ở Việt Nam người dân không có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Từ đó, chúng dùng nhiều thủ đoạn để kích động đồng bào có đạo gây rối, chống phá cách mạng, rơi vào âm mưu “diễn biến hoà bình” vô cùng thâm độc của chúng. Trong đó, một số tổ chức thiếu thiện chí, điển hình là tổ chức Ủy ban tự do tôn giáo quốc tế Mỹ (USCIRF), Ủy ban tự do tôn giáo cho Việt Nam, Đài Á Châu tự do, Việt Tân… thường xuyên đánh giá tiêu cực về vấn đề này ở Việt Nam.
Gần đây, USCIRF công bố “Báo cáo cập nhật về tình hình tự do tôn giáo của Việt Nam năm 2021” với những thông tin sai lệch, cho rằng việc triển khai thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo ở nhiều địa phương còn bất cập, thiếu đồng bộ; lực lượng chức năng của Việt Nam “tiếp tục đàn áp, sách nhiễu tín đồ, tổ chức tôn giáo chưa được công nhận; bắt giữ, truy tố, xét xử các “nhà hoạt động tôn giáo”, “tù nhân lương tâm”… USCIRF khuyến nghị Bộ Ngoại giao Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách “quốc gia cần quan tâm đặc biệt”. Đánh giá tiêu cực, sai lệch của USCIRF đã phủ nhận những nỗ lực của Việt Nam trong hoàn thiện pháp luật cũng như thực thi các chính sách bảo đảm, thúc đẩy tự do tôn giáo cho mọi người.
Hiện nay, Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Nội vụ dự thảo 2 nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (để thay thế Nghị định số 162/2017/NĐ-CP) và đang lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Ngay lập tức, ngày 7/6/2022, Đài Á Châu tự do (RFA) đã có bài viết xuyên tạc một số nội dung trong dự thảo; đồng thời, chúng cho rằng: “Theo nội dung của nghị định này thì rất nhiều hành vi được thực hiện ở cả mức độ cá nhân, lẫn tổ chức đều có thể bị cho là vi phạm hành chính và có thể bị xử phạt. Một điều đáng lưu tâm nữa đó là nhiều điều khoản của nghị định này có nội dung không rõ ràng và khó định nghĩa. Đơn cử, điều 6 của văn bản này quy định một cá nhân có thể bị phạt ba triệu đồng nếu “lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để xuyên tạc dưới mọi hình thức” đường lối của nhà nước. Hoạt động của các tổ chức tôn giáo cũng bị kiểm soát gắt gao, từ việc đăng ký hoạt động, tấn phong và điều chuyển chức sắc, tổ chức đào tạo, cho đến cử người đi học ở nước ngoài đều phải được sự đồng ý của nhà nước. Nội dung của dự thảo của nghị định có rất nhiều nội dung mơ hồ chưa được định nghĩa, cụ thể, hành vi nào lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo; hành vi nào trục lợi; hành vi nào là hành vi chia rẽ dân tộc; hành vi nào là xâm hại đạo đức xã hội? Việc để ngỏ các định nghĩa trên sẽ khiến cho người thực thi công vụ tuỳ ý diễn giải, xử phạt người dân một cách tuỳ tiện mang tính áp đặt”.
Đây hoàn toàn là những lời địa đặt, cố tình xuyên tạc. Thưa rằng: Việc sửa đổi, bổ sung toàn diện các quy định của Nghị định số 162 và trình Chính phủ ban hành nghị định thay thế cho nghị định này là thật sự cần thiết.
Bởi, qua kết quả sơ kết 3 năm triển khai thi hành Nghị định số 162/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, bên cạnh các kết quả đạt được, Nghị định số 162 cũng bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc cần được tháo gỡ. Điển hình như, một số quy định tại Luật chưa có biện pháp chi tiết dẫn tới quá trình thực hiện còn thiếu thống nhất, chưa có hiệu quả trên thực tiễn, gây lúng túng cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân khi áp dụng…
Hơn nữa, trong đại dịch Covid-19 vừa qua, một số hình thức hoạt động tôn giáo mới xuất hiện, như sinh hoạt tôn giáo, tổ chức các hoạt động tôn giáo bằng hình thức trực tuyến đã phát sinh nhưng chưa có quy định điều chỉnh và biện pháp để quản lý cho phù hợp.
Đồng thời, Luật và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP chưa có quy định về điều kiện để được đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung; trình tự, thủ tục thay đổi người đại diện; trình tự, thủ tục thay đổi địa điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam (điều này dẫn đến không có căn cứ pháp lý để UBND các tỉnh, thành thực hiện khi người nước ngoài có nhu cầu)...
Rõ ràng, mục đích của các thế lực thù địch luôn bộc lộ rõ âm mưu phá hoại chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chia rẽ đồng bào các dân tộc, các tôn giáo; xuyên tạc tình hình tôn giáo và các hoạt động tôn giáo ở nước ta hiện nay… Vì vậy, mỗi người trong chúng ta cần tỉnh táo để nhận rõ và kiên quyết bác bỏ.
Xin khẳng định, ở Việt Nam, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân được tôn trọng, các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Tôn trọng và bảo đảm hoạt động của các tôn giáo, nhưng cũng giống như nhiều quốc gia khác, Việt Nam không chấp nhận việc lợi dụng vấn đề này để xuyên tạc, kích động ly khai, chia rẽ các dân tộc, tôn giáo, gây rối trật tự công cộng, xâm hại đến an ninh quốc gia và bình yên cuộc sống của Nhân dân.
SONG HOÀNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin