Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới - Nhìn từ thực tiễn Lâm Đồng

08:07, 01/07/2022
(LĐ online) - Tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của cách mạng Việt Nam. Những năm qua, công tác xây dựng và bảo vệ Tổ quốc luôn được tỉnh Lâm Đồng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đi đôi với xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, gắn với xây dựng và củng cố thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc.
 
Ngay sau khi Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” được ban hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành Chương trình hành động số 73-CTr/TU, ngày 27/01/2014 về thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Kế hoạch số 137-KH/TU, ngày 28/8/2015 về thực hiện Chỉ thị 46-CT/TW, ngày 22/6/2015 của Bộ Chính trị “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo an ninh, trật tự trong tình hình mới”; Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy ban hành hướng dẫn tổ chức học tập, quán triệt và xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI; chỉ đạo các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc, các ngành có liên quan quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết trong các cấp ủy, cán bộ, đảng viên ở cơ sở. 
 
Toàn tỉnh đã tổ chức được 332 lớp cho 37.988 cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang, giáo viên, chức sắc, chức việc các tôn giáo tham dự. Trong đó, đảng viên tham gia học tập là 35.880 người, đạt 94,4%.
 
Các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị thường xuyên tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, đẩy mạnh tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân xây dựng ý thức cảnh giác, trách nhiệm bảo vệ an ninh quốc gia, nâng cao nhận thức trước âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho các đối tượng chính sách, người có công; xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc trong khu vực phòng thủ; tăng cường công tác vận động quần chúng của Đảng, công tác dân vận chính quyền, nâng cao nhận thức chính trị, củng cố lòng tin của quần chúng đối với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiên quyết đấu tranh với những luận điệu sai trái, phản động, làm thất bại âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch.
 
Báo Lâm Đồng, Đài Phát thanh và Truyền hình Lâm Đồng chủ động xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, tăng thời lượng các tin, bài tuyên truyền, giáo dục quốc phòng - an ninh, các hoạt động mang ý nghĩa giáo dục thông qua các lễ hội, hội thi tìm hiểu về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trên các lĩnh vực của đời sống, tìm hiểu về quê hương, đất nước; biểu dương những tấm gương tiêu biểu, hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” góp phần bồi đắp niềm tự hào dân tộc, lòng yêu nước, yêu chế độ, ý chí quyết tâm bảo vệ Tổ quốc.
 
Công tác bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh và giáo dục quốc phòng đặc biệt quan tâm mở rộng đối tượng được bồi dưỡng như: Chức sắc, chức việc, các tôn giáo, các chủ doanh nghiệp… giai đoạn 2013 - 2022 đã tổ chức và cử đi bồi dưỡng kiến thức quốc phòng an ninh cho 428.536 đối tượng. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và toàn dân; khối đại đoàn kết dân tộc, “thế trận lòng dân” được xây dựng ngày càng vững chắc.
 
Những năm qua, lực lượng vũ trang tỉnh và các ngành chức năng làm tốt công tác tuyên truyền và thực hiện hiệu quả công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ; giáo dục, quán triệt, nâng cao bản lĩnh chính trị, tinh thần cho bộ đội; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phong trào thi đua quyết thắng và Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”; thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, Nhà nước, tích cực, chủ động tham gia các phong trào, cuộc vận động và chương trình mục tiêu quốc gia.
 
Việc tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ các cấp hàng năm được quan tâm triển khai, sẵn sàng đáp ứng theo các phương án bảo vệ vững chắc khu vực phòng thủ tỉnh. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tham gia phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với thực hiện tốt công tác chính sách xã hội, nhất là các chương trình “Xóa đói, giảm nghèo”, “Đền ơn, đáp nghĩa”, vận động Nhân dân chăm lo đời sống của thương binh, gia đình liệt sĩ, Mẹ Việt Nam anh hùng… góp phần giữ vững ổn định chính trị trên địa bàn. Tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực tham gia xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa; đấu tranh đẩy lùi các tệ nạn xã hội và văn hóa độc hại, phản động.
 
Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước về các vấn đề có liên quan đến công tác biên giới đất liền các tuyến Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia; vấn đề biển đảo và chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa luôn được tỉnh quan tâm triển khai. 
 
Để nâng cao nhận thức, tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm của Nhân dân, đặc biệt là thanh, thiếu nhi trong việc bảo vệ và giữ gìn chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, tỉnh Lâm Đồng tổ chức Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”. Đồng thời, tổ chức nhiều hội nghị thông tin thời sự về tình hình biển, đảo, thông tin đối ngoại và công tác phân giới cắm mốc cho cán bộ chủ chốt, đảng viên và Nhân dân trên địa bàn tỉnh. 
 
Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới được triển khai từ tỉnh đến cơ sở gắn giữa nhiệm vụ đấu tranh chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch với nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, nhất là lĩnh vực quốc phòng - an ninh; chỉ đạo các huyện ủy, thành ủy, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể địa phương phân công người có uy tín chủ động gặp gỡ trao đổi, đấu tranh, thuyết phục với số đối tượng bất mãn, cơ hội chính trị, cán bộ hưu trí có biểu hiện sai trái, phát ngôn “trái chiều”… Nhờ đó, đến nay, một số cán bộ hưu trí đã bỏ hẳn không viết bài hoặc không tham gia ký tên vào các thư khiếu nại, thư ngỏ của các tổ chức phản động kêu gọi trên mạng xã hội.
 
Để tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, trong thời gian tới, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh cần tiếp tục quán triệt thực hiện tốt các nội dung của Nghị quyết, gắn với triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện tốt Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. 
 
Tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động số 73-CTr/TU, ngày 27/01/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Chủ động nắm chắc tình hình tư tưởng, dư luận của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, sớm phát hiện, xử lý kịp thời những vụ việc phức tạp, nổi cộm phát sinh, những vấn đề bất cập, bức xúc trong xã hội, không để các thế lực thù địch lợi dụng kích động, khiếu kiện, biểu tình gây mất ổn định chính trị. Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị để nâng cao hiệu quả đấu tranh chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa. 
 
Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác tuyển quân, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động công dân trong độ tuổi nhập ngũ chấp hành nghiêm Luật Nghĩa vụ quân sự, tuyển quân đảm bảo đúng quy định. Nâng cao chất lượng giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng. Thực hiện tốt công tác chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội.
 
KIỀU NINH