Công tác dân vận trên địa bàn toàn tỉnh Lâm Đồng đạt nhiều kết quả tích cực

08:07, 12/07/2022
(LĐ online) - Chiều 12/7, tại Thành ủy Bảo Lộc, Ban Dân vận Tỉnh ủy Lâm Đồng đã tổ chức hội nghị giao ban sơ kết công tác dân vận 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022. 
 
Đồng chí Phạm Thị Phúc - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Lâm Đồng chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị còn có đồng chí Nghiêm Xuân Đức – Phó Bí thư Thành ủy Bảo Lộc và lãnh đạo Ban Dân vận 12 huyện, thành phố trong tỉnh cùng đại diện các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn thành phố.
 
Theo đánh giá, trong 6 tháng đầu năm 2022, tình hình tư tưởng các tầng lớp nhân dân trong tỉnh ổn định. Về cơ bản, các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tập trung sản xuất, chăn nuôi; tích cực cùng các ngành chức năng chủ động triển khai phòng chống dịch Covid-19, dịch bệnh đối với các loại cây trồng, vật nuôi. Dịch Covid-19 đã được kiểm soát, nên kinh tế từng bước phục hồi hiệu quả, đời sống Nhân dân được nâng lên, song công tác phòng chống dịch Covid-19 tiếp tục được chú trọng phù hợp với tình hình mới.
 
Tính đến giữa tháng 6, tổng thu ngân sách Nhà nước trên toàn tỉnh đạt 7.862 tỷ đồng, bằng 71,5% dự toán, tăng 22,3% so với cùng kỳ. Tổng sản phẩm trong nước trên địa bàn tỉnh, tăng 9,29% so với cùng kỳ. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đạt 24,7% kế hoạch. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 436,5 triệu USD, đạt 53,6% kế hoạch, tăng 43,1% so với cùng kỳ. Lượng khách du lịch đến Lâm Đồng ước đạt hơn 3.720.000 lượt khách, đạt 67,6% kế hoạch, tăng 86,5%% so với cùng kỳ.
 
Trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, tỉnh Lâm Đồng đã chi trợ cấp gia đình người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, các hộ nghèo, cận nghèo và hỗ trợ thăm hỏi một số đối tượng với tổng kinh phí hơn 46 tỷ đồng. Qua đó, nâng tổng kinh phí hỗ trợ cho các đối tượng từ nguồn ngân sách Nhà nước và các nguồn hỗ trợ trên địa bàn tỉnh là hơn 72 tỷ đồng.
 
Công tác cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính tiếp tục được quan tâm. Chất lượng giải quyết thủ tục hành chính và dịch vụ công được cải thiện. Chỉ số cải cách hành chính của tỉnh năm 2021 đạt 86,75 điểm, xếp thứ 29/63 tỉnh, thành. Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) tăng mạnh với 43,54 điểm, xếp thứ 18/63 tỉnh, thành, tăng 45 bậc so với năm 2020. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 đạt 67,17 điểm, xếp thứ 15/20 tỉnh, thành phố cả nước, tăng 2,74 điểm và 8 bậc so với năm 2020. 
 
Công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh được các cơ quan, địa phương, đơn vị triển khai thực hiện đảm bảo theo quy định. Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã tiếp 889 lượt công dân, với 1.169 người được tiếp. Trong đó, tiếp thường xuyên 579 lượt/740 người, tiếp định kỳ và đột xuất của lãnh đạo tỉnh và các địa phương là 310 lượt/429 người. Nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh chủ yếu tập trung trong lĩnh vực đất đai, bồi thường, giải phóng mặt bằng; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… 
 
Đối với công tác tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, toàn tỉnh đã tiếp nhận 3.361 đơn thư; trong đó, có 2.667 đơn đủ điều kiện xử lý với 405 đơn khiếu nại, 150 đơn tố cáo và 2.112 đơn kiến nghị, phản ánh. Qua phân loại, đã hướng dẫn công dân khiếu nại đến người có thẩm quyền 201 đơn, chuyển cơ quan có thẩm quyền giải quyết 1.894 đơn; tiếp nhận giải quyết theo thẩm quyền 572 đơn thư.
 
Công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc thiểu số được các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở quan tâm thực hiện hiệu quả. Các chương trình, chính sách dân tộc, dự án đầu tư, hỗ trợ trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số được cấp ủy, chính quyền các địa phương chủ động triển khai. Thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững; giải quyết việc làm đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội. Công tác đào tạo, bồi dưỡng và bố trí cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức là người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn toàn tỉnh ngày càng được quan tâm.
 
Theo thống kê, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh và các tổ chức thành viên đã vận động, tiếp nhận và tổ chức phân bổ để tặng 93.000 suất quà Tết cho người nghèo, gia đình chính sách và những người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh với tổng số tiền hơn 38,3 tỷ đồng. Hội Chữ thập đỏ tỉnh triển khai phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” Xuân Nhâm Dần năm 2022, trao quà tết cho 40.600 lượt người trị giá 19,1 tỷ đồng… Công tác dân vận trong trong vùng có đạo cũng thu được nhiều kết quả tích cực, đáng ghi nhận.
 
Các đợt dân vận tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai thường xuyên, liên tục hướng về người dân. Qua đó, góp phần giúp bà con cải thiện đời sống và tạo niềm tin tuyệt đối của người dân với Đảng, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể chính trị, xã hội trong tỉnh.
 
Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm và rút ra các bài học để khắc phục khó khăn thực hiện tốt công tác dân vận trên địa bàn toàn tỉnh Lâm Đồng.
 
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phạm Thị Phúc – Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ghi nhận, biểu dương những kết quả đạt được trong 6 tháng qua. Đồng thời, chỉ rõ những khó khăn, hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới. Đó là, một số cấp ủy ở cơ sở chưa quan tâm đổi mới mạnh mẽ, toàn diện về công tác dân vận phù hợp với tình hình cụ thể của địa phương. 
 
Công tác dân vận trong các cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp chưa có nhiều đột phá, nhất là trên lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính. Đối thoại trực tiếp với Nhân dân, giải quyết đơn thư khiếu kiện, thực hiện dân chủ công khai minh bạch, xây dựng đội ngũ công chức phục vụ nhân dân chưa được thực hiện thường xuyên. 
 
Công tác đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội chưa toàn diện; việc đa dạng hóa các hình thức tập hợp, xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến còn nhiều hạn chế.
 
Đặc biệt, một số vụ việc phá rừng, lấn chiếm đất rừng nghiêm trọng còn xảy ra, có vụ việc chưa được giải quyết dứt điểm. Công tác phối hợp tham mưu chỉ đạo quản lý nhà nước về tôn giáo ở cơ sở trong lĩnh vực sang nhượng đất đai và xây dựng cơ sở tôn giáo còn hạn chế; tình trạng xây dựng không phép, sai phép chưa được ngăn chặn hiệu quả. 
 
Vì vậy, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới các tầng lớp nhân dân; đặc biệt là người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
 
HẢI ĐƯỜNG