Kiểm soát công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền

08:07, 08/07/2022
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Công tác cán bộ cực kỳ quan trọng, qua thực tiễn càng ngày càng thấy quan trọng, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, là gốc của mọi công việc, then chốt của then chốt”. Với tinh thần đó, ngày 23/9/2019, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 205 về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. 
 
Tại tỉnh Lâm Đồng, Quy định đã được triển khai chặt chẽ suốt 3 năm qua nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. 
 
Xác định tầm quan trọng của việc triển khai thực hiện Quy định số 205, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 30 để thực hiện; trong đó, chỉ đạo các cấp ủy, cơ quan, địa phương, đơn vị cụ thể hóa thành quy định, kế hoạch để triển khai thực hiện. Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã kịp thời chỉ đạo, rà soát, sửa đổi các quy định của tỉnh phù hợp với thực tiễn, đảm bảo đồng bộ, thống nhất với Quy định số 205, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ, góp phần ngăn ngừa tình trạng quan liêu, cửa quyền, nhũng nhiễu, tiêu cực của cán bộ, công chức, viên chức; từ đó việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền đi vào thực chất và hiệu quả hơn; đồng thời, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với giám sát quyền lực bằng các quy định, quy chế, đề cao trách nhiệm giải trình trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc phạm vi, thẩm quyền. 
 
Cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở bám sát các quy định của cấp trên về phân cấp quản lý cán bộ, về quy trình, thủ tục, tiêu chuẩn, điều kiện..., thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ trong thực hiện quy trình công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử đảm bảo nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ. 
 
Trong quá trình thực hiện công tác cán bộ, chưa phát hiện các trường hợp cung cấp hoặc tiết lộ thông tin, tài liệu, hồ sơ cán bộ, đảng viên cho tổ chức và cá nhân không có thẩm quyền, trách nhiệm; để người nhà, người thân lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín thao túng, can thiệp công tác cán bộ; gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi với nhân sự trái quy định trong quá trình thực hiện công tác cán bộ. Không có trường hợp người đứng đầu đã có thông báo nghỉ hưu, chờ hưu vẫn thực hiện quy trình công tác cán bộ mà không báo cáo bằng văn bản và được cấp trên trực tiếp đồng ý…
 
Các cấp ủy, cơ quan, địa phương, đơn vị đã tổ chức quán triệt, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc việc điều động hoặc chuyển đổi vị trí công tác đối với 27 cán bộ được phân công làm công tác nhân sự hoặc theo dõi công tác cán bộ tại một địa bàn, lĩnh vực đã đảm nhiệm công việc 5 năm liên tiếp hoặc cấp ủy, lãnh đạo thấy cần thiết.
 
Công tác kiểm tra, giám sát cũng được các đơn vị có thẩm quyền thực hiện thường xuyên để đảm bảo thực hiện công tác cán bộ đúng quy định. Tỉnh ủy, các cấp ủy, cơ quan, địa phương, đơn vị tăng cường chỉ đạo rà soát, phát hiện và khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong công tác cán bộ; kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định, quy chế trong công tác cán bộ, gắn việc kiểm điểm kết quả thực hiện trách nhiệm, chức trách được giao của tập thể cấp ủy, chính quyền và từng cá nhân để làm cơ sở đánh giá cán bộ, đảng viên, khen thưởng, kỷ luật cuối năm. Qua đó, kịp thời phát hiện, triển khai các giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác cán bộ.
 
Trong quá trình thực hiện Quy định 205, đã có nhiều cách làm hiệu quả như Chi bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đức Trọng thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Quy định 205, các quy định liên quan và đặc biệt là các hành vi chạy chức, chạy quyền, lồng ghép trong các cuộc họp chi bộ, cơ quan để nhắc nhở, kịp thời nhận diện các hành vi vi phạm; từ đó có các biện pháp răn đe, giáo dục đảng viên, công chức, người lao động, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, xử lý…
 
Bên cạnh những điểm sáng, thực tiễn thực hiện Quy định 205 trong 3 năm qua đã cho thấy vẫn còn những vấn đề đặt ra. Đơn cử như, việc quán triệt, triển khai các quy định về công tác cán bộ và Quy định của một số cấp ủy, cơ quan, đơn vị còn chậm. Công tác cán bộ ở một số địa phương, đơn vị thực hiện còn lúng túng. Tinh thần đấu tranh, ý thức trách nhiệm và vai trò gương mẫu của một số cán bộ, đảng viên chưa cao. Việc phát hiện và phản ánh các hành vi chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền còn chưa nhiều... 
 
Trước những vấn đề đặt ra, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã xác định rõ phương hướng và 8 nhiệm vụ trọng tâm để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Quy định 205. Trong đó, nâng cao tính tự giác, gương mẫu, tinh thần tự phê bình và phê bình của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu; chủ động nhận diện, ngăn ngừa việc chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền; gắn với các nội dung cam kết tu dưỡng, phấn đấu, rèn luyện hàng năm. Kịp thời kiểm tra, xử lý những phản ánh, kiến nghị, tố cáo của cơ quan truyền thông, tổ chức, cá nhân về hành vi chạy chức, chạy quyền và bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền. Đồng thời, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát định kỳ, đột xuất trong công tác cán bộ; cảnh báo, phòng ngừa và xử lý nghiêm minh các sai phạm liên quan đến công tác cán bộ.
 
NGỌC NGÀ