“Phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ rất quan trọng, nhưng cũng vô cùng khó khăn, phức tạp, đòi hỏi chúng ta phải tiến hành một cách kiên quyết, kiên trì, liên tục, bền bỉ, “không nghỉ”, “không ngừng” ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực”, đó là một trong những ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022 vừa qua.
|
Ra mắt Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Lâm Đồng |
KHÔNG CÓ VÙNG CẤM, KHÔNG CÓ NGOẠI LỆ
Trong 10 năm qua, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 2.740 tổ chức Đảng, hơn 167.700 cán bộ, đảng viên, trong đó có 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng; đã kỷ luật 170 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; 29 Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương; 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay đã thi hành kỷ luật 50 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (cao hơn gấp 4 lần so với nhiệm kỳ khóa XI và bằng gần một nửa số cán bộ cấp cao bị xử lý của nhiệm kỳ khóa XII), trong đó có 8 Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương, 20 sĩ quan cấp tướng. Đây là một bước đột phá trong công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng. Qua công tác thanh tra, kiểm toán, đã xử lý, thu hồi được hơn 975 nghìn tỉ đồng, gần 76 nghìn ha đất. Trong 10 năm qua, các cơ quan tố tụng trong cả nước đã khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm gần 16.000 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế với hơn 30.300 bị cáo. Riêng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo gần 1.000 vụ án, vụ việc ở 3 cấp độ; trong đó trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 313 vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, đã đưa ra xét xử sơ thẩm 120 vụ án, 1.083 bị cáo, bao gồm 37 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý hình sự…
Điều đó chứng tỏ “chúng ta đã thực hiện rất nghiêm tư tưởng chỉ đạo và quan điểm: “Nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, và không chịu sự tác động, sức ép của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào”” Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định.
Tuy vậy, hiện nay, tham nhũng vẫn là một trong những “kẻ thù hung ác” diễn ra nghiêm trọng, phức tạp, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, xảo trá, gây bức xúc trong xã hội. Bởi vẫn còn không ít bộ, ngành, địa phương chưa có quyết tâm cao, chưa có sự chuyển biến mạnh. Việc phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn còn hạn chế; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát còn thấp; việc tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng trong nội bộ, cơ quan, đơn vị còn là khâu yếu. Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được ngăn chặn có hiệu quả.
“Tôi đã nhiều lần nói rằng: Việc xử lý nghiêm nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao sai phạm, là điều không ai mong muốn, thậm chí rất đau xót, rất đau lòng; nhưng vì sự nghiệp chung, vì sự nghiêm minh về kỷ luật của Đảng, thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng, Nhà nước và ý nguyện của Nhân dân, chúng ta phải làm, và kiên quyết làm”, Tổng Bí thư nói.
PHẢI “NHỐT” QUYỀN LỰC VÀO TRONG “LỒNG” CƠ CHẾ
Cán bộ là yếu tố quyết định của quyết định mọi vấn đề. Không đảm bảo về công tác cán bộ thì mọi nhiệm vụ khác sẽ không thực hiện được. Bởi vậy trong 5 vấn đề cần lưu ý cho công tác phòng, chống tham nhũng thời gian tới, Tổng Bí thư yêu cầu tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ, bảo đảm thật sự liêm chính, trong sạch; nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng và các cơ quan tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo công tác này.
Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Cán bộ, đảng viên, trước hết là người lãnh đạo phải biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân có hành vi tham nhũng, tiêu cực” và cần tránh tình trạng “Chân mình còn lấm bê bê. Lại cầm bó đuốc đi rê chân người”; “Thượng bất chính thì hạ tắc loạn!”…
Tham nhũng thường diễn ra trong nội bộ, do người có chức, có quyền thực hiện. Phòng, chống tham nhũng là cuộc đấu tranh ngay trong chính bản thân mỗi con người, trong mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương mình; liên quan đến lợi ích, chức vụ, danh vọng, uy tín của tổ chức, cá nhân. Vì vậy, phải có thái độ thật kiên quyết, không khoan nhượng và hành động thật quyết liệt, cụ thể, hiệu quả. Theo Tổng Bí thư, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về những yếu kém, sai phạm về tham nhũng trong tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Người được giao chức vụ, quyền hạn phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên tự soi, tự sửa; đồng thời, phải tăng cường giám sát, kiểm soát có hiệu quả việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn. Mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế; quyền lực phải được ràng buộc bằng trách nhiệm; quyền lực đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền lực càng cao trách nhiệm càng lớn; bất kể ai lạm dụng, lợi dụng quyền lực để trục lợi đều phải bị truy cứu trách nhiệm và xử lý vi phạm. Phải “nhốt” quyền lực vào trong “lồng” cơ chế.
Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh, đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải thật sự có bản lĩnh, thật sự liêm chính, trong sạch. Vì “Đã nhúng chàm rồi thì không làm được đâu. Mình không trong sạch thì đi chống ai”.
Tổng Bí thư cũng cho rằng, cần phải tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; kịp thời khắc phục những bất cập, bịt kín những “khoảng trống”, “kẽ hở” để “không thể tham nhũng, tiêu cực”.
Phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội để hạn chế sự tác động tiêu cực của “nhóm lợi ích”, “sân sau”, “tư duy nhiệm kỳ”; ngăn chặn nguy cơ nảy sinh tham nhũng, tiêu cực ngay từ khi xây dựng chính sách, luật pháp.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán; đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; phát hiện sớm, xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án tham nhũng; ngăn chặn có hiệu quả tệ “tham nhũng vặt”; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng. Đấu tranh chống tham nhũng phải gắn liền với chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”. Bởi vì hai mặt này có quan hệ chặt chẽ với nhau. Phải kịp thời phát hiện, giải quyết từ sớm, ngăn chặn từ đầu các hành vi sai phạm, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn.
Tổng Bí thư khẳng định: Việc đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng và xây dựng, làm trong sạch Đảng và bộ máy Nhà nước chỉ làm “chùn bước” những ai có động cơ không trong sáng, đã trót “nhúng chàm” và những người không nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, thiếu bản lĩnh, thiếu kiến thức và kinh nghiệm. Phòng, chống tham nhũng thực sự “đã trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược”, được cán bộ, đảng viên và Nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, được bạn bè quốc tế ghi nhận. Phải xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng”; một cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để “không dám tham nhũng”; và một cơ chế bảo đảm để “không cần tham nhũng”.
Riêng tại Lâm Đồng, công tác phòng, chống tham nhũng cũng đã được triển khai quyết liệt thời gian qua. Và việc Tỉnh uỷ Lâm Đồng vừa thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh càng minh chứng rõ ràng hơn cho sự quyết liệt ấy. Đồng chí Trần Đức Quận - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND, Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh khẳng định: Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Lâm Đồng được triển khai quyết liệt theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”; là sự quyết tâm của toàn Đảng bộ trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
NGỌC NGÀ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin