Nghị quyết 18-NQ/TW khai thông các điểm nghẽn, tạo sức bật từ đất đai

06:07, 25/07/2022
(LĐ online) - Ngày 16/6/2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết 18-NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”. Nghị quyết 18 có bước đột phá, cách tiếp cận mới phù hợp với thực tiễn, hy vọng sẽ hạn chế được những bất cập, khai thông các điểm nghẽn trong chính sách, tạo sức bật từ nguồn lực đất đai.
 
Ngày 31/10/2012, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 6 (khóa XI) đã ban hành Nghị quyết 19-NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. Sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết số 19, chính sách, pháp luật về đất đai đã có nhiều đổi mới, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn, từng bước tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý và sử dụng đất hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả hơn. 
 
Bên cạnh đó, công tác quản lý và sử dụng đất đai vẫn còn nhiều yếu kém, bất cập, hiệu quả tổng hợp chưa cao. Tình trạng tham nhũng, tiêu cực về đất đai vẫn còn rất lớn, nghiêm trọng, kéo dài ở nhiều nơi; khiếu kiện về đất đai tuy có giảm nhưng vẫn còn rất phổ biến, dai dẳng, kéo dài (chiếm tới khoảng 80% các khiếu kiện). 
 
Việc phân cấp mạnh về thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu đất đai cho các địa phương, nhưng thiếu các công cụ hiệu quả để quản lý thống nhất trên cả nước, dẫn tới nhiều sai phạm xảy ra chậm được phát hiện và xử lý... 
 
Điều đó cho thấy chính sách, pháp luật về đất đai và việc tổ chức thực hiện còn lỗ hổng lớn. Các cơ chế, chính sách, giải pháp liên quan đến quyền và lợi ích của người sử dụng đất còn nhiều bất cập, chưa phù hợp. Các cơ chế, giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý sai phạm chưa kịp thời và kém hiệu quả. Vì vậy, một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức thoái hóa, biến chất đã lợi dụng các lỗ hổng, cấu kết với các doanh nghiệp, nhà đầu tư hình thành những nhóm lợi ích, biến đất công thành đất tư với giá rẻ mạt. Từ đó, “nhiều người giàu lên nhờ đất, nhưng cũng có không ít người nghèo đi vì đất, thậm chí bị đi tù cũng vì đất; mất cả tình nghĩa cha con, anh em, đồng chí cũng vì đất” (Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng).
 
Trên cơ sở tổng kết gần 10 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW năm 2012, Nghị quyết số 18-NQ/TW năm 2022 tiếp tục kế thừa các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết 19 đã đề ra; đồng thời, đặt ra nhiều vấn đề mới, chặt chẽ và quyết liệt hơn, làm cơ sở để luật hóa trong lần sửa Luật Đất đai 2023.
 
Về quan điểm, Nghị quyết 18-NQ/TW tiếp tục khẳng định quan điểm đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý theo lãnh thổ quốc gia, cả về diện tích, chất lượng, giá trị kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường…; hoàn thiện đồng bộ thể chế, chính sách về đất đai phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; kiên quyết khắc phục tình trạng tham nhũng, tiêu cực, khiếu kiện về đất đai, đầu cơ và sử dụng đất đai lãng phí; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai trên cơ sở hiện đại hoá công tác quản lý, dịch vụ công về đất đai; đề cao vai trò và năng lực các cơ quan tư pháp trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai; giải quyết tốt những bất cập, vướng mắc trong quản lý và sử dụng đất do lịch sử để lại và từ yêu cầu mới của thực tiễn...
 
Về nhiệm vụ, giải pháp, so với Nghị quyết 19 năm 2012, Nghị quyết 18-NQ/TW đề ra 6 nhiệm vụ, giải pháp (Nghị quyết 19 đề ra 11 nhiệm vụ giải pháp), nhưng các nhiệm vụ, giải pháp lần này có nhiều điểm mới, mang tính bao quát, toàn diện, phù hợp thực tiễn, tập trung tháo gỡ các điểm nghẹn, khắc phục những hạn chế, tiêu cực về lĩnh vực đất đai; trong đó, nhấn mạnh việc “thống nhất nhận thức” và “hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý và sử dụng đất…”.
 
Nghị quyết 18 đặt ra nhiệm vụ đầu tiên là phải đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục để cán bộ, đảng viên và Nhân dân hiểu đúng, đầy đủ: Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, hộ gia đình và cá nhân được Nhà nước giao quyền sử dụng đất. Đất đai là nguồn lực to lớn cần được quản lý, sử dụng có hiệu quả, bảo đảm công bằng xã hội; không để lãng phí, tham nhũng, tiêu cực...
 
Đặc biệt, Nghị quyết lần này nhấn mạnh nhiệm vụ tiếp tục nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện đồng bộ các thể chế, chính sách quản lý và sử dụng đất, nhất là các công cụ quản lý, điều tiết có hiệu quả các loại thị trường đất đai, như quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, định giá đất, thu hồi, đền bù, giải phóng mặt bằng, giao đất, cho thuê đất, đấu thầu quyền sử dụng đất, quản lý, sử dụng đất nông nghiệp…; các công cụ tài chính, nhất là các loại thuế, phí về đất đai, quyền sử dụng đất đai, gắn với thuế bất động sản phù hợp, công khai, minh bạch… Việc nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện đồng bộ các thể chế, chính sách đất đai trong Nghị quyết 18 có nhiều điểm mới, có tính đột phá.
 
Thứ nhất, hạn chế và quy định chặt chẽ các trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Điều này sẽ hạn chế, ngăn chặn tình trạng lợi dụng quyền lực để giao đất không đúng đối tượng nhằm trục lợi cá nhân, gây thiệt hại cho Nhà nước và lãng phí trong sử dụng đất.
 
Thứ hai, quy định cụ thể về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nhằm đảm bảo trường hợp thu hồi đất mà phải bố trí tái định cư thì phải hoàn thành bố trí tái định cư trước khi thu hồi đất; người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Quy định cụ thể hơn về thẩm quyền, mục đích, phạm vi thu hồi đất, điều kiện, tiêu chí cụ thể việc Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
 
Thứ ba, bỏ khung giá đất nhưng có cơ chế và phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường; công khai giá đất, bắt buộc giao dịch qua các sàn giao dịch, thanh toán qua ngân hàng, không dùng tiền mặt... 
 
Theo đó, Trung ương sẽ quản lý việc thành lập, thiết lập bảng giá đất tại địa phương thông qua quá trình thanh tra, kiểm tra, giám sát của Quốc hội, bộ máy hành chính Trung ương, các cơ quan ngoài Chính phủ, các tổ chức chính trị - xã hội và người dân đối với việc xây dựng bảng giá đất của các địa phương. 
 
Đây được xem là bước đột phá, cách tiếp cận mới phù hợp với thực tiễn, tạo cơ sở để các địa phương xác định giá đất sát với thị trường, xóa bỏ tình trạng chênh lệch giá ảo - giá thật; góp phần ngăn chặn tình trạng trục lợi, vi phạm pháp luật, lách luật trong lĩnh vực đất đai… 
 
Thứ tư, chính sách tài chính về đất đai phải bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư; có chính sách điều tiết chênh lệch địa tô, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch; xây dựng chính sách, pháp luật về thuế sử dụng đất theo thông lệ quốc tế, phù hợp với trình độ phát triển, điều kiện cụ thể và lộ trình thích hợp; có chính sách ưu đãi thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phù hợp với lĩnh vực, địa bàn ưu đãi đầu tư, các đối tượng chính sách... Quy định người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang sẽ bị đánh thuế cao. 
 
Thứ năm, tạo điều kiện thuận lợi để người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích sản xuất, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp theo quy hoạch; đồng thời tăng cường quản lý chất lượng đất, khắc phục tình trạng thoái hóa, suy giảm chất lượng đất; ưu tiên giao đất cho đồng bào dân tộc thiếu đất sản xuất, cùng với các cơ chế ngăn chặn người dân chuyển nhượng sau khi được giao đất; xây dựng quy định về ngân hàng cho thuê đất nông nghiệp... 
 
Ngoài ra, Nghị quyết 18 còn đề ra nhiệm vụ tập trung giải quyết cơ bản những hạn chế, khuyết điểm, vướng mắc kéo dài liên quan đến quản lý và sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh; đất của các cơ sở sản xuất, đơn vị sự nghiệp đã di dời khỏi trung tâm đô thị lớn; thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất khi sắp xếp lại trụ sở, cơ sở làm việc thuộc sở hữu nhà nước; đất thu hồi từ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước; các loại đất được sử dụng đa mục đích; giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số; những tồn tại, vướng mắc về quản lý và sử dụng đất do lịch sử để lại. Đây là một trong những vấn đề phức tạp, nhạy cảm, dễ nảy sinh tiêu cực, dẫn đến nảy sinh mâu thuẩn, xung đột, khiếu kiện…
 
Như vậy, Nghị quyết 18 đã bám rất sát vào thực tế để đề ra các nhiệm vụ, giải pháp nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc mà Nghị quyết 19 chưa giải quyết hiệu quả, cũng như những vấn đề mới nảy sinh trong thực tế; là cơ sở để sửa đổi Luật Đất đai vào năm 2023.
 
Hy vọng Nghị quyết 18 khi được Luật hóa và đi vào cuộc sống sẽ hạn chế được những bất cập trong chính sách, quản lý đất đai vốn tồn tại nhiều năm. Từ đó, đất đai sẽ được sử dụng có hiệu quả tổng hợp cao, thực sự trở thành một nguồn lực to lớn, quan trọng, đáp ứng với yêu cầu phát triển nhanh, bền vững đất nước trong thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
 
NHÂN LINH