Đây là quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lâm Đồng hiện nay. Quyết tâm này đang được nhân lên mạnh mẽ bởi kết quả phục hồi, tăng trưởng kinh tế - xã hội vượt bậc trong 6 tháng vừa qua và kết luận hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW và Kết luận số 12-KL/TWcủa Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2020; các quan điểm, định hướng, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nhằm xây dựng và phát triển vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tổ chức tại Đắk Lắk ngày 1/7 vừa qua.
6 tháng đầu năm nay, với sự chỉ đạo, tổ chức quyết liệt, kịp thời, sáng tạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự quyết tâm, đồng lòng của các tầng lớp Nhân dân, các cấp, ngành, đơn vị, doanh nghiệp... trên địa bàn thực hiện Nghị quyết NQ 128/CP về thích ứng an toàn, linh hoạt phòng, chống đại dịch COVID-19, Lâm Đồng đã thực hiện thắng lợi mục tiêu kép. Hoạt động kinh tế - xã hội của tỉnh không chỉ nhanh chóng phục hồi mà còn có những bước phát triển ngoạn mục.
Chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh đạt 9,29%, cao nhất trong 10 năm qua, cao hơn mức bình quân chung cả nước (7,15%), đứng thứ13/ 63 tỉnh, thành phố. Hầu hết các chỉ tiêu kinh tế- xã hội quan trọng đều đạt và vượt dự kiến. Trong đó, thu ngân sách đạt 7.862 tỷ đồng, bằng 71,5% dự toán địa phương, tăng 22,3%. Nhiều lĩnh vực kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ, nhất là hoạt động du lịch, dịch vụ, thương mại... Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện, hấp dẫn với các chỉ tiêu cải cách hành chính công cấp tỉnh PAPI, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI được nâng về thứ hạng... An sinh xã hội, an ninh, quốc phòng được bảo đảm, giữ vững... Và thành quả quan trọng, lớn nhất không đo đếm được bằng những chỉ tiêu là tinh thần đoàn kết nhất trí, chung sức, đồng lòng, kiên cường, sáng tạo vượt qua khó khăn, thách thức của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc anh em trong toàn tỉnh được phát huy cao độ; là sự tin tưởng, tin yêu của các tầng lớp Nhân dân, của cán bộ, đảng viên vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự nỗ lực, hy sinh, vì Nhân dân của chính quyền các cấp, vào chế độ và thể chế chính trị ưu việt...
Tất cả đang tạo nên những động lực, khí thế mạnh mẽ trên vùng đất cao nguyên hùng vĩ, giàu tiềm năng... như Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quan điểm phát triển xác định Tây Nguyên là địa bàn chiến lược; phát triển Tây Nguyên nhanh, bền vững là trách nhiệm của tất cả các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị, trong đó phải chú trọng phát huy tinh thần tự lực, tự cường và đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn... tại kết luận Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW và Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2020; các quan điểm, định hướng, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nhằm xây dựng và phát triển vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Việc tổng kết Nghị quyết số 10-NQ/TW và Kết luận số 12-KL/TW có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc nhìn lại chặng đường 20 năm vừa qua và xác định quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển cho toàn vùng Tây Nguyên trong giai đoạn sắp tới.
Lâm Đồng và các tỉnh trong toàn vùng Tây Nguyên đang đứng trước những thời cơ, vận hội mới. Và để có bước phát triển vượt bậc, bền vững, dài hạn, thì ngay lúc này, Lâm Đồng cần phát huy cao độ những lợi thế, động lực đang có để giành thắng lợi những mục tiêu kinh tế - xã hội của cả năm, ngay trong những tháng cuối năm 2022 này.
HÀ XUÂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin