[links()]
Bài 2: Tránh tình trạng “nhạt Đảng”, “khô Đoàn”
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng khó tạo nguồn phát triển Đảng từ thanh niên nông thôn. Bên cạnh việc phần lớn người trẻ xa quê học tập, làm việc, thì các hoạt động, phong trào Đoàn không đủ sức hấp dẫn cũng là lý do khiến nhiều đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) tại địa phương không mặn mà với tổ chức Đoàn và phấn đấu vào Đảng.
|
Các hoạt động tình nguyện là môi trường để ĐVTN huyện Đạ Tẻh cống hiến và trưởng thành |
•
THIẾU NGUỒN ĐOÀN VIÊN ƯU TÚ
Theo báo cáo tại Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh huyện Di Linh lần thứ XII, trong giai đoạn 2017 - 2022, toàn huyện đã giới thiệu 552 đoàn viên ưu tú và có 300 đoàn viên ưu tú được vinh dự kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Con số này chỉ đạt 50% chỉ tiêu mà nhiệm kỳ trước đề ra là phấn đấu có 600 đoàn viên ưu tú (trong số 700 đoàn viên được giới thiệu cho Đảng xem xét kết nạp) được đứng vào hàng ngũ của Đảng.
Tuy nhiên, theo chị Lê Thị Đào Loan, Bí thư Huyện Đoàn Di Linh, đây là điều buộc phải chấp nhận bởi việc phát triển Đảng trong địa bàn dân cư là cực kỳ khó, nhất là với đối tượng ĐVTN nông thôn khi số thanh niên đi làm ăn xa chiếm khá lớn. Hiện, toàn huyện Di Linh có hơn 29.000 người trong độ tuổi thanh niên, nhưng gần 40% trong số đó không có mặt thường xuyên tại địa phương. Điều này đặt ra thách thức lớn đối với công tác tạo nguồn bồi dưỡng, phát triển Đảng.
Tương tự, huyện Cát Tiên đang quản lý hơn 5.803 thanh niên, nhưng cũng chỉ có 3.479 thanh niên có mặt tại địa phương, tương ứng với tỷ lệ gần 60%. Chị Nguyễn Thị Hồng Anh, Bí thư Huyện Ðoàn Cát Tiên tâm sự: “Dù khó khăn, nhưng việc đi xa để học tập và phát triển kinh tế là nhu cầu chính đáng của những người trẻ. Số lượng ĐVTN ít đi, đòi hỏi những người làm công tác Đoàn phải cố gắng nhiều hơn trong việc chọn lọc, phát hiện các nhân tố tích cực để động viên, đồng hành và cổ vũ họ phấn đấu vào Đảng”.
Đây cũng là tình trạng chung mà hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đang gặp phải. Anh Ndu Ha Biên, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Lâm Đồng nhận định: “ĐVTN có trình độ văn hóa thì phần lớn đi học, đi làm ăn xa, khi học xong, ra trường cũng đi kiếm việc làm, không có ở nhà. Một số thanh niên lựa chọn trở về quê lập nghiệp thì lại mải làm kinh tế, không tích cực tham gia vào tổ chức Đoàn nên dẫn đến khó chọn nguồn để bồi dưỡng kết nạp Đảng. Bên cạnh đó, cũng còn có những thanh niên tự ti, ngại va chạm, thiếu ý thức trong việc tham gia các hoạt động ở khu dân cư, không có tinh thần cống hiến. Ðây chính là mầm mống của hiện tượng “khô Ðoàn”, “nhạt Ðảng”, rất đáng quan ngại”.
“Nguồn ÐVTN ưu tú để giới thiệu kết nạp Ðảng đang biến động theo chiều hướng giảm. Thực tế, đối tượng ÐVTN là công chức, viên chức trẻ tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện đã giảm sâu do công tác sắp xếp vị trí việc làm và tinh giản biên chế. Theo đó, nguồn đối tượng ÐVTN có tiềm năng còn lại chủ yếu là nhóm thanh niên tham gia công tác Ðoàn, lao động sản xuất giỏi tại địa phương. Điều này vô tình lại gây ra áp lực lớn cho công tác đào tạo, bồi dưỡng thanh niên nông thôn”, đồng chí Nguyễn Hữu Chi, Phó Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Đơn Dương chia sẻ.
Bí thư Ðảng ủy thị trấn Nam Ban (huyện Lâm Hà) Thái Văn Mai cũng bày tỏ: “Nếu chỉ giới thiệu đoàn viên và kết nạp vào Đảng để lấy số lượng đủ chỉ tiêu thì không khó. Nhưng nếu không lựa chọn được những người thật sự có lý tưởng phấn đấu, bản lĩnh chính trị thì sẽ rất dễ xảy ra tình trạng đảng viên trẻ kết nạp một thời gian lại xin ra khỏi Đảng”. Đó là lý do mà thay vì chỉ tiêu phát triển 11, 12 đảng viên mới như các năm trước, năm 2022, con số đó được Đảng ủy thị trấn Nam Ban rút xuống còn 8 người. Trong đó, ở khu dân cư sẽ có khoảng 3, 4 người.
• THIẾU MÔI TRƯỜNG RÈN LUYỆN, CỐNG HIẾN
Đồng chí Nguyễn Trọng Ánh Đông, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy bày tỏ quan điểm: “Để nói rằng nguồn thanh niên nông thôn cho việc phát triển đảng viên đã cạn chưa thì cần có một đánh giá hết sức thấu đáo. Theo quan điểm của tôi thì nguồn chưa cạn. Vấn đề đặt ra ở đây là chúng ta cần phải có giải pháp gì để mở rộng nguồn, thu hút, tập hợp được họ vào Đoàn. Đó là thách thức, nhưng cũng là yêu cầu đặt ra đối với những người làm công tác Đoàn, thủ lĩnh thanh niên hiện nay. Nếu so sánh, thì cán bộ Đoàn có thể được xem như một người đầu bếp, nghiên cứu món ăn tinh thần cho thanh niên. Điều này đòi hỏi cán bộ Đoàn cần đổi mới, sáng tạo liên tục để với những nguyên liệu cũ, có thể chế biến thành món ăn mới, hợp khẩu vị và nhu cầu biến đổi liên tục của ĐVTN”.
Từ việc đồng hành, lắng nghe những tâm tư, tình cảm của ĐVTN tại cơ sở, Bí thư Huyện Đoàn Di Linh Lê Thị Đào Loan bộc bạch: “Thật sự, Đoàn cần phải có những sân chơi để thanh niên khi tham gia không những được nâng cao về thể chất, tinh thần, mà còn có thể học hỏi và giúp nhau phát triển về kinh tế, kỹ năng,… Đây là điều mà không phải tổ chức Đoàn nào cũng đã làm được. Bên cạnh đó, một số cấp ủy Đảng thẩm định hồ sơ xét kết nạp Đảng cho đoàn viên ưu tú còn kéo dài, làm giảm ý chí rèn luyện, phấn đấu của không ít đoàn viên ưu tú trên địa bàn”.
Là địa phương có tỷ lệ ĐVTN đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 46%, xã Gung Ré (huyện Di Linh) cũng gặp khó khăn trong việc xây dựng phong trào, hoạt động Đoàn khi ĐVTN thường đi làm ở các huyện, thành khác. Tuy nhiên, chỉ tiêu phát triển Đảng từ ĐVTN mỗi năm vẫn được tổ chức Đoàn hoàn thành nhờ việc dựa vào công tác tuyên truyền và làm gương của đội ngũ Bí thư Chi bộ, Bí thư Chi đoàn.
Chia sẻ về điều này, chị Nguyễn Thị Phước An, Bí thư Đoàn xã cho biết: “Sinh hoạt tại các chi bộ nông thôn hiện chủ yếu là đảng viên cao tuổi nên thanh niên cảm thấy e ngại. Thế nên, cùng với việc phê bình, các đảng viên lớn tuổi cần có sự thông cảm, chia sẻ và tạo điều kiện. Điều này giúp các đảng viên trẻ có thêm động lực để vừa hoàn thành việc gia đình, vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ trong chi bộ và tiếp tục quay trở lại dìu dắt, định hướng ĐVTN phấn đấu vào Đảng”.
(CÒN NỮA)
VIỆT QUỲNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin