Tìm lời giải cho bài toán phát triển đảng viên tại khu dân cư (bài 2)

06:07, 18/07/2022
[links()]
 
Bài 2: Nghịch lý tạo nguồn ở khu dân cư tập trung 
 
Phát triển, tạo nguồn kết nạp đảng viên mới không còn là câu chuyện khó của riêng các huyện có thôn, buôn với điều kiện phát triển kinh tế hạn chế, địa bàn chia cắt… Những khu vực tập trung đông dân cư, kinh tế phát triển như TP Đà Lạt, huyện Di Linh, hay Lâm Hà... cũng đang đứng trước những khó khăn, thách thức nhất định. 
 
Chi bộ Tổ dân phố 1, Phường 1 (TP Đà Lạt) tổ chức kết nạp đảng viên.
Chi bộ Tổ dân phố 1, Phường 1 (TP Đà Lạt) tổ chức kết nạp đảng viên.
 
  “ĐỎ MẮT” TÌM “NGỌC QUÝ”
 
Là phường trung tâm của TP Đà Lạt với nhiều lĩnh vực đứng đầu trong phát triển kinh tế - xã hội như du lịch, kinh doanh, nhưng bên cạnh các thành tích nổi bật, Phường 1 có một chỉ tiêu đang bị “thụt lùi” đó là phát triển đảng viên tại tổ dân phố. “Kinh tế người dân càng ổn định, thì việc tìm được quần chúng ưu tú để giới thiệu vào Đảng lại càng khó”, đây là câu nói chất chứa nhiều tâm tư của ông Nguyễn Văn Thức - Bí thư Chi bộ Tổ dân phố 5 (Phường 1). 
 
Trong câu chuyện phát triển Đảng tại chỗ, ông Thức nói với chúng tôi rằng, đã gần 3 năm nay, chi bộ không có nguồn để bồi dưỡng, ngay cả khi phường đã thực hiện sáp nhập các tổ dân phố. Đến nay, Chi bộ Tổ dân phố 5 có tổng số 51 đảng viên; trong đó, đảng viên ở độ tuổi trên 70 là 40 đồng chí (chủ yếu là cán bộ nghỉ hưu và đảng viên chuyển sinh hoạt về nơi cư trú).
 
Ông Thức giãi bày: “Để tìm và phát hiện nguồn, từng đảng viên trong chi bộ đã bám sát gia đình các hộ dân, thậm chí “đến từng nhà, rà từng người” nhưng vẫn không có nguồn, nên nhiều năm liên tiếp không kết nạp được đảng viên mới. Nguyên nhân chính ở đây chủ yếu là không có con người để cấp ủy xem xét đào tạo, bồi dưỡng. Quần chúng trẻ không có, chúng tôi bắt đầu lấy nguồn từ các chi hội tại tổ dân phố. Khi phát hiện được quần chúng có phẩm chất tốt, tích cực trong các phong trào… thì lại lớn tuổi, hoặc vướng phải lý lịch”. 
 
Theo báo cáo của Đảng ủy Phường 1 (TP Đà Lạt), từ năm 2017 đến nay chỉ kết nạp được 2 đảng viên tại khu dân cư. Đây là thực trạng đáng lo ngại khi những nơi địa bàn dân cư đông đúc, nhưng phát triển Đảng lại khó.
 
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Hoàng Nhật Lệ - Bí thư Đảng ủy Phường 1 cho rằng, khó khăn đầu tiên chắc chắn là thiếu nguồn để bồi dưỡng, hay nói đúng hơn là khó phát triển Đảng ở thế hệ trẻ. Bởi hầu hết con em ở đây đều học tập ngoài tỉnh hoặc làm việc tại cơ quan, đơn vị và được kết nạp tại đó. Một lý do nữa đó là Phường 1 đang đối mặt với một thực tế do địa bàn nằm ở trung tâm, nên phần lớn người dân tập trung làm kinh tế như kinh doanh nhà nghỉ, khách sạn và các dịch vụ du lịch, vì vậy để tổ chức cho những quần chúng này tham gia lớp học nhận thức về Đảng thì rất khó. 
 
“Thông qua các hoạt động, phong trào tại địa phương, chúng tôi cũng đã tìm ra được nhiều quần chúng đủ điều kiện để tham gia các lớp nhận thức về Đảng. Tuy nhiên, phần lớn ở đó là những người đã nằm ở độ tuổi trung niên nên không tích cực phấn đấu, tham gia lớp học nhận thức về Đảng. Còn một số người dân ở tại địa phương, bản thân và gia đình làm tốt quyền và nghĩa vụ công dân như đóng thuế, tích cực tham gia phong trào do tổ dân phố, phường phát động; nhưng khi có ý định giới thiệu quần chúng ưu tú để vào Đảng thì họ có sự e ngại nhất định” - Bí thư Đảng ủy Phường 1 phân tích.
 
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Đà Lạt Đặng Quang Tú cho biết: “Mặc dù phát triển đảng viên của toàn Đảng bộ thành phố luôn đạt chỉ tiêu đề ra, song nếu nhìn về khía cạnh công tác phát triển đảng viên ở chi bộ thôn, tổ dân phố thì ngày càng thiếu hụt trầm trọng, thậm chí một số chi bộ tổ dân phố, thôn nhiều năm không phát triển được đảng viên. Nguyên nhân được cho rằng, hiện nay một số phường trung tâm, trình độ dân trí cao, nhiều gia đình có điều kiện kinh tế cho con em đi học tập và làm việc ở các thành phố lớn, bộ phận thanh niên ở lại thì không tham gia phong trào, hoạt động ở địa phương. Số khác, các em có trình độ đang ở độ tuổi lo làm ăn kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình nên không mặn mà với việc được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Còn đối với các phường, xã vùng ven thành phố thì phần lớn người dân tập trung đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp nên cũng ít có động lực vào Đảng”.
 
Các đảng viên tại Chi bộ thôn Hòa Trung (xã Tân Văn, huyện Lâm Hà) tham dự Đại hội nhiệm kỳ 2022 -2025.
Các đảng viên tại Chi bộ thôn Hà Trung (xã Tân Văn, huyện Lâm Hà) tham dự Đại hội nhiệm kỳ 2022 -2025.
 
  PHÁT TRIỂN ĐẢNG VIÊN CÒN KHIÊM TỐN
 
Tại huyện Di Linh, những năm gần đây, nguồn phát triển đảng viên trên địa bàn các xã, thị trấn chủ yếu dựa vào lực lượng đoàn viên, thanh niên, dân quân tự vệ và giáo viên các trường học trên địa bàn. Tuy nhiên, quần chúng trong lực lượng này đang ngày càng “cạn” dần khiến công tác phát triển đảng viên của nhiều chi bộ gặp nhiều khó khăn, thách thức.
 
Chia sẻ với chúng tôi về những trăn trở của các đảng viên đang sinh hoạt tại tổ, ông Dong Dor Sinh - Bí thư Chi bộ tổ dân phố Ka Minh (thị trấn Di Linh) bộc bạch: “Mỗi lần trong các cuộc họp chi bộ, chúng tôi đều thẳng thắn nhìn nhận và tích cực vận động người dân tham gia các phong trào, qua đó phát hiện những quần chúng ưu tú để phát triển Đảng. Tuy nhiên, từ năm 2017 đến nay, chi bộ chỉ phát triển được một đảng viên tại chỗ”. 
 
Con số quá khiêm tốn đã nói lên việc phát triển đảng viên tại khu dân cư chẳng phải dễ dàng. 
 
Theo ông Dong Dor Sinh, nguyên nhân chính khiến phần lớn các trường hợp không thể kết nạp được như không đủ bằng cấp, lý lịch, hoặc lớn tuổi… Nhưng cũng có nhiều trường hợp, thậm chí chi bộ đã xem xét, giới thiệu tham gia lớp nhận thức về Đảng đến lần thứ 3 nhưng không tham gia.
 
Hiện Đảng bộ thị trấn Di Linh có 37 chi bộ trực thuộc với 894 đảng viên. Trong năm 2017 - 2021, có 97 quần chúng ưu tú đủ điều kiện tham gia học lớp nhận thức về Đảng; trong đó, kết nạp mới 69 đảng viên (kết nạp 23 đảng viên tại tổ dân phố). Đồng chí Phan Hồng Vinh - Bí thư Đảng ủy thị trấn Di Linh cho biết: “Khó khăn nhất trong công tác phát triển đảng viên hiện nay là nguồn để đào tạo, bồi dưỡng. Số nguồn quần chúng ưu tú ở các chi bộ trường học dần “thưa vắng”, do đó, Đảng ủy thị trấn định hướng các chi bộ khu dân cư phải chủ động tìm, phát hiện nhân tố để bồi dưỡng, kết nạp, tạo sự ổn định và bền vững trong phát triển đảng viên. Giai đoạn 2017 - 2021, có 9/23 tổ dân phố không kết nạp được đảng viên”.
 
Theo Ban Tổ chức Huyện ủy Di Linh, hiện toàn huyện có 66 tổ chức cơ sở đảng, trong đó có 43 chi bộ cơ sở và 23 đảng bộ cơ sở (19 đảng bộ xã, thị trấn); có 326 chi bộ trực thuộc (183 chi bộ tổ dân phố) với tổng số đảng viên toàn huyện là 4.358 đảng viên. Giai đoạn 2017 - 2021, Đảng bộ huyện Di Linh kết nạp được 793 đảng viên; trong đó có 246 đảng viên được kết nạp tại các tổ dân phố. Đồng chí Nguyễn Văn Bính - Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Di Linh thẳng thắn chỉ rõ vấn đề: “Cũng như các huyện, thành khác trên địa bàn tỉnh, phát triển đảng viên tại khu dân cư đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt quần chúng ưu tú để bồi dưỡng, kết nạp. Không chỉ ở khu vực vùng sâu, vùng xa mà ở các huyện đông dân cư như Di Linh cũng đang là bài toán khó”. 
 
Gặp Bí thư Chi bộ tổ dân phố Yên Bình (thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà) Phan Văn Khánh trong buổi chiều muộn một ngày cuối tháng 6/2022, đồng chí chia sẻ với chúng tôi rằng, Chi bộ tổ dân phố Yên Bình hiện có 29 đảng viên, trong đó đảng viên trẻ nhất là 39 tuổi và lớn nhất đã ngoài 90 tuổi. Tại các buổi sinh hoạt chi bộ, vấn đề về tạo nguồn để bồi dưỡng phát triển Đảng luôn được nhắc tới và dần hình thành trong suy nghĩ của mỗi đảng viên, song nguồn phát triển đảng viên vẫn “giậm chân tại chỗ”. 
 
“Chưa có thời điểm nào tìm nguồn kết nạp đảng viên lại khó khăn đến vậy. Những năm về trước, tổ dân phố luôn hoàn thành chỉ tiêu đề ra với nhiều quần chúng tha thiết được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Nhưng 5 năm trở lại đây, nguồn kết nạp vào Đảng quá khan hiếm, và các đảng viên cao tuổi thì ngày càng nhiều”, ông Khánh nói.
 
Lý giải về nguyên nhân khan hiếm nguồn kết nạp đảng viên mới, Bí thư Chi bộ tổ dân phố Yên Bình thẳng thắn: “Nguồn phát triển đảng viên trong tổ chủ yếu dựa vào lực lượng thanh niên, nhưng hiện nay lực lượng này số thì đi học, một số đi làm ăn xa. Số thanh niên ở nhà thì trình độ, năng lực hạn chế, lại thiếu ý chí phấn đấu, ngại tham gia sinh hoạt các đoàn thể nên khó có thể bồi dưỡng trở thành quần chúng ưu tú giới thiệu cho Đảng”. 
 
Đồng chí Nguyễn Thái Duy - Phó Bí thư Thường trực thị trấn Đinh Văn cho hay: “Đảng bộ thị trấn có lợi thế đông dân cư với 21 tổ dân phố, 32 chi bộ với 578 đảng viên. Giai đoạn 2017 - 2021, Đảng bộ thị trấn kết nạp được 69 đảng viên mới; trong đó đảng viên tại tổ dân phố là 28 đồng chí; có khoảng 7/21 chi bộ tổ dân phố không phát triển được đảng viên”.
 
(CÒN NỮA) 
 
THÂN THU HIỀN