Tìm lời giải cho bài toán phát triển đảng viên tại khu dân cư (bài cuối)

05:07, 19/07/2022
[links()]
 
Bài cuối: Từng bước gỡ những “nút thắt”
 
Mặc dù còn những khó khăn nhất định, song với quyết tâm cao, cấp ủy các cấp của Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng đã và đang thực hiện các giải pháp phù hợp với tình hình thực tế địa phương về phát triển đảng viên tại khu dân cư, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo… Đây được coi là vấn đề quan trọng để từng bước xây dựng các tổ chức cơ sở đảng ngày càng vững mạnh. 
 
Cán bộ, đảng viên tại huyện Đam Rông luôn bám sát, trực tiếp về các thôn nhằm tiếp xúc, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Cán bộ, đảng viên tại huyện Đam Rông luôn bám sát, trực tiếp về các thôn nhằm tiếp xúc, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
 
•  PHÁT HUY VAI TRÒ NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU
 
Với đặc thù địa bàn rộng, dân cư sống không tập trung và dân trí không đồng đều, việc xây dựng thực lực chính trị vững mạnh, nhất là khâu phát hiện, bồi dưỡng những nhân tố tích cực để tạo nguồn phát triển Đảng tại khu dân cư, đặc biệt là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn được Huyện ủy Đam Rông chú trọng và đặt ở vị trí hàng đầu. 
 
Để từng bước nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên, Ban Thường vụ Huyện ủy Đam Rông đã nghiên cứu, ban hành Nghị quyết 03 về “Tăng cường công tác phát triển Đảng ở khu dân cư và xây dựng chi bộ nông thôn bền vững, có cấp ủy, nhiệm kỳ 2020 - 2025” vào ngày 14/5/2021. Với sự vào cuộc quyết liệt, công tác phát triển đảng viên tại khu dân cư trên địa bàn huyện bước đầu đã có những khởi sắc. Sau khi triển khai Nghị quyết 03, đến nay, địa phương đã kết nạp được 24 đảng viên tại các chi bộ thôn.
 
Đồng chí Nguyễn Văn Lộc - Bí thư Huyện ủy Đam Rông khẳng định: Quan điểm của Ban Thường vụ Huyện ủy trong phát triển đảng viên tại khu dân cư luôn tập trung vào chất lượng, không đặt nặng về chỉ tiêu. Trên cơ sở đó, các chi bộ trực thuộc kết hợp chặt chẽ các khâu kết nạp đảng viên với công tác quản lý, sàng lọc. Lấy chất lượng chính trị, tính tiên phong, gương mẫu của quần chúng để làm thước đo xem xét kết nạp đảng viên. Cùng với đó, Huyện ủy Đam Rông đã đổi mới và nâng cao chất lượng, đồng thời chỉ đạo các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc duy trì chi bộ thôn đã đạt tiêu chí độc lập bền vững, tiến tới xây dựng chi bộ có cấp ủy bằng nguồn tại chỗ với quan điểm “làm đến đâu chắc đến đó”. 
 
Không chỉ làm tốt công tạo nguồn chất lượng, Đam Rông đang từng bước vận hành phù hợp với các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để đảng viên gương mẫu có khả năng được tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ phát triển kinh tế tại chỗ, nhất là đảng viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đảng viên trẻ để nhân rộng các mô hình đảng viên vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng; qua đó, khích lệ vai trò cốt cán, gương mẫu đi đầu của đảng viên trong các khu vực dân cư để quần chúng noi theo, phấn đấu vào Đảng… 
 
Còn lãnh đạo Huyện ủy Lâm Hà cho rằng, trong các giải pháp nhằm tăng cường phát triển đảng viên tại chi bộ thôn, tổ dân phố, đặc biệt là đối với đảng viên trẻ thì bản thân các đảng viên trong chi bộ phải là người “đầu tàu” gương mẫu, thật sự đổi mới thì mới có thể thu hút được nhiều quần chúng tìm đến với Đảng. 
 
Đồng chí Hà Văn Thuận, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Lâm Hà cho rằng: “Giải pháp để “giữ chân” người lao động tại địa phương trước mắt là chính quyền các cấp cần ưu tiên tập trung đa dạng hóa ngành nghề, tạo việc làm, ưu tiên nguồn vốn vay cho lao động trẻ phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo để thu hút thanh niên nông thôn lập nghiệp, làm giàu tại địa phương, từ đó, các chi bộ có thêm nhiều “hạt giống tốt” để đào tạo, bồi dưỡng kết nạp Đảng”. 
 
Để làm tốt công tác bồi dưỡng, tạo nguồn phát triển Đảng, trong những năm qua, Ban Thường vụ Huyện ủy Lâm Hà yêu cầu các tổ chức cơ sở đảng thường xuyên đổi mới phương thức, nội dung sinh hoạt, tổ chức các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương sao cho thiết thực, phù hợp. Đồng thời, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các chi bộ, đảng bộ cơ sở kết nạp đảng viên phải đảm bảo chất lượng về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống; công tác phát triển Đảng phải gắn với xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh, khắc phục tình trạng chạy theo số lượng.
 
Đoàn viên, thanh niên Đam Rông trao đổi kinh nghiệm để cùng nhau phát triển Mô hình Trồng dâu nuôi tằm tại địa phương
Đoàn viên, thanh niên Đam Rông trao đổi kinh nghiệm để cùng nhau phát triển Mô hình Trồng dâu nuôi tằm tại địa phương
 
• “Ở ĐÂU CÓ DÂN THÌ Ở ĐÓ CÓ ĐẢNG VIÊN”
 
Đó là lời khẳng định của đồng chí Nguyễn Trọng Ánh Đông - Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Lâm Đồng. Theo đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh uỷ, thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về “Đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn”, Nghị quyết Trung ương 6 (khóa X) về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành 4 kế hoạch trọng tâm để triển khai thực hiện, bám sát các nội dung của Nghị quyết Trung ương 6. Vì vậy, công tác đổi mới, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở nói chung, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo nói riêng trong thời gian qua được các cấp ủy quan tâm, thường xuyên kiểm tra và đã có những giải pháp kịp thời để giải quyết những khó khăn, vướng mắc ở cơ sở. 
 
Qua tổ chức thực hiện đã xây dựng 13 chi bộ cơ sở xã thành đảng bộ cơ sở, xóa được 10 thôn chưa có đảng viên. Một số tổ chức cơ sở đảng làm tốt công tác tạo nguồn, kết nạp đảng viên là người dân tộc thiểu số. Bên cạnh các kết quả đạt được, lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy thẳng thắn chỉ ra những mặt hạn chế của các cấp ủy, tổ chức Đảng trong thời gian qua, như: một số cấp ủy, tổ chức Đảng còn chưa cụ thể hóa về lộ trình, giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn và phát triển của xã hội; công tác phát hiện, tạo nguồn quần chúng vào Đảng chậm đổi mới, chưa có nhiều tính sáng tạo và chưa thường xuyên kiểm điểm, đánh giá, rút kinh nghiệm để chỉ đạo một cách có hiệu quả. Do đó, công tác phát triển đảng viên ở một số chi bộ thôn, tổ dân phố đạt tỷ lệ thấp, lúng túng, hiệu quả chưa cao, một số chỉ tiêu đạt thấp hoặc chưa đạt được so với nghị quyết, kế hoạch, chương trình hành động đề ra.
 
“Để công tác phát triển đảng viên tại khu dân cư được thực hiện đồng bộ, có hiệu quả, các địa phương cần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại lao động, tạo việc làm ổn định để lao động trẻ “ly nông” mà không “ly hương”, qua đó tạo tâm lý cho thanh niên trẻ yên tâm làm ăn tại chỗ”. 
Đồng chí Nguyễn Trọng Ánh Đông - Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy
 
Cũng theo Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, thời gian tới các cấp ủy, tổ chức Đảng cần có giải pháp quyết liệt hơn nữa trong việc tạo nguồn phát triển đảng viên, tập trung vào lực lượng đoàn viên, thanh niên, quần chúng lao động giỏi, có nhận thức chính trị, tư tưởng, đạo đức tốt theo tinh thần “Ở đâu có dân thì ở đó có đảng viên”. 
 
Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ, rèn luyện đảng viên, nhất là đảng viên đi làm ăn xa, đảng viên là cán bộ, công chức, viên chức, chiến sỹ lực lượng vũ trang nghỉ hưu về tham gia sinh hoạt ở chi bộ thôn, tổ dân phố. Thực hiện nghiêm việc đảng viên là cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn tham gia sinh hoạt định kỳ ở thôn, tổ dân phố. Các cấp ủy phải tập trung củng cố, xây dựng và nâng cao chất lượng hoạt động các tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh ở xã, phường, thị trấn để tập hợp quần chúng, tạo nguồn, giới thiệu đoàn viên, hội viên ưu tú cho Đảng.
 
Cùng với đó, Tỉnh ủy Lâm Đồng tiếp tục thực hiện việc kiện toàn hệ thống chính trị ở cơ sở gắn với các tiêu chí xây dựng chính quyền, các đoàn thể, đảm bảo sự đồng bộ trong xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở. Tập trung xây dựng, tạo sự chuyển biến trong đội ngũ cấp uỷ cơ sở và cấp uỷ chi bộ thôn; thực hiện việc trẻ hóa, tiêu chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, tạo bước chuyển có tính đột phá về xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. 
 
Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng hiện có 47.521 đảng viên, trong đó đảng viên ở xã, phường, thị trấn là 32.120 đảng viên. Từ năm 2015 đến nay, toàn Đảng bộ kết nạp được 5.742 đảng viên, trong đó đảng viên kết nạp tại chi bộ thôn, tổ dân phố là 1.757 đảng viên. Toàn tỉnh có 142 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 111 xã, 18 phường, 13 thị trấn, tương ứng với 142 đảng bộ cơ sở, số chi bộ trực thuộc đảng ủy xã, phường, thị trấn hiện nay là 2.296 chi bộ, gồm 1.558 chi bộ xã; 396 chi bộ phường; 342 chi bộ thị trấn.
 
THÂN THU HIỀN