Tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh tỏa sáng hoạt động đền ơn đáp nghĩa

09:07, 27/07/2022
(LĐ online) - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác “đền ơn đáp nghĩa” đối với thương binh, bệnh binh và thân nhân liệt sĩ. Quan điểm, tư tưởng, tình cảm và sự quan tâm sâu sắc của Người dành cho các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ đã được thể hiện một cách đầy đủ, sinh động qua những việc làm cụ thể, những bài nói, bài viết, những bức thư tràn đầy cảm xúc. 
 
Bác Hồ thăm các thương binh nặng ở Trung tâm điều dưỡng Thuận Thành (Bắc Ninh). Ảnh: Tư liệu
Bác Hồ thăm các thương binh nặng ở Trung tâm điều dưỡng Thuận Thành (Bắc Ninh). Ảnh: Tư liệu
 
•  HỒ CHÍ MINH CỘI NGUỒN CỦA SỰ TRI ÂN, TƯỞNG NHỚ THƯƠNG BINH, LIỆT SĨ 
 
Trong bộn bề công việc của những ngày đầu mới giành được chính quyền cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không quên công ơn những người đã hy sinh tính mạng, xương máu cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Ngày 7/11/1946, trên báo Cứu Quốc, Người đã thay mặt Tổ quốc, toàn thể đồng bào và Chính phủ “Cảm ơn những chiến sĩ đã hy sinh tính mệnh cho nền Tự do, Độc lập và Thống nhất của nước nhà” và Người đã “nhận con các liệt sĩ làm con nuôi” của mình.
 
Trong tác phẩm Tinh thần yêu nước của nhân dân ta, Người đã viết: “Máu đào của các liệt sĩ ấy đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do”.
 
Tháng 6/1947, trong khi cuộc kháng chiến chống Pháp đang bước vào giai đoạn quyết liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị chọn một ngày trong năm làm “Ngày Thương binh” để bày tỏ tình cảm thắm thiết, lòng biết ơn sâu sắc với những người đã không tiếc máu xương, cống hiến hết mình cho Tổ quốc. Ý nghĩa của ngày này được Người nêu rõ trong Thư gửi Ban thường trực tổ chức ngày thương binh toàn quốc đầu tiên: “Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào, mà các đồng chí chịu ốm yếu, què quặt. Vì vậy, Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”. 
 
Thực hiện sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một hội nghị trù bị gồm đại biểu của các cơ quan, các ngành ở Trung ương, khu và tỉnh đã họp ở Phú Minh, Đại Từ, Thái Nguyên nhất trí lấy ngày 27/7 làm “Ngày Thương binh toàn quốc”; đến năm 1955, ngày 27/7 được đổi thành “Ngày Thương binh, liệt sĩ” và được tổ chức hàng năm trên cả nước, trở thành ngày tưởng nhớ, tri ân những người có công với nước.
 
Trên cương vị là Chủ tịch nước, Hồ Chí Minh đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách, ký ban hành nhiều văn bản (Sắc lệnh) và khởi xướng nhiều phong trào, hoạt động đền ơn đáp nghĩa như: phong trào “Đón thương binh về làng”, phong trào thành lập “Hội mẹ chiến sĩ”, “Hội ủng hộ thương binh”,... Đặt nền móng cho phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” và trở thành hoạt động xã hội rộng khắp trong nhân dân.
 
Thực hiện tư tưởng của Người, 75 năm qua, Ngày 27/7 hàng năm đã trở thành ngày cả nước làm lễ kỷ niệm, tri ân, tưởng nhớ những người đã có công với nước - một nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt Nam, đúng như điều Bác Hồ hằng mong muốn: “Ngày 27-7 là một ngày kỷ niệm. Mỗi năm đến ngày ấy, thì những người ái quốc Việt Nam càng tưởng nhớ đến anh em thương binh, tưởng nhớ đến các gia đình tử sĩ, tưởng nhớ đến những người vô danh anh hùng, hoặc đã hy sinh tính mệnh, hoặc đã góp phần một phần xương máu trong cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta…”.
 
Ngày 2/9/1955, Bác Hồ cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới đặt vòng hoa viếng các liệt sĩ tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội. Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh
Ngày 2/9/1955, Bác Hồ cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới đặt vòng hoa viếng các liệt sĩ tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội. Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh
 
•  TẤM LÒNG ĐỒNG CẢM, CHIA SẺ NỖI ĐAU THƯƠNG, MẤT MÁT VỚI THÂN NHÂN CÁC LIỆT SĨ 
 
Ngay sau ngày Nam Bộ kháng chiến, ngày 4/12/1945, Người viết Thư gửi các chiến sĩ Nam Bộ và nam phần Trung Bộ. Trong thư, Người bày tỏ sự cảm động trước những gương hy sinh vô cùng dũng cảm của những người con Nam bộ.
 
Ngày 10-3-1946, báo Cứu quốc đăng thư của Bác gửi đồng bào Nam Bộ, trong thư Người viết: “Tôi kính cẩn cúi chào các anh chị em đã bỏ thân vì nước và các đồng bào đã hy sinh trong cuộc đấu tranh cho nước nhà. Sự hy sinh đó không phải là uổng”. Trong Lời kêu gọi và khuyên nhủ các chiến sĩ đăng trên báo Cứu quốc, ngày 26/10/1950, Người xúc động, thành kính: “Nghiêng mình trước linh hồn các liệt sĩ đã hy sinh vì nước” và an ủi anh em thương binh.
 
Tháng 1/1947, nghe tin con trai bác sĩ Vũ Đình Tụng hy sinh, Bác đã viết thư riêng cho ông với những lời hết sức cảm động vừa chia sẻ sự mất mát, đau thương, vừa ca tụng công lao của liệt sĩ: “…Mất một thanh niên, thì hình như tôi đứt một đoạn ruột. Nhưng cháu và anh em thanh niên khác dũng cảm hy sinh để giữ gìn đất nước. Thế là họ đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Họ chết cho Tổ quốc sống mãi; vật chất họ mất nhưng tinh thần họ vẫn luôn luôn sống với non sông Việt Nam…”. Những lời an ủi, động viên của Người dành cho gia đình bác sĩ Vũ Đình Tụng cũng là lời động viên tinh thần cho tất cả các gia đình liệt sĩ trong cả nước, giúp họ vơi đi nỗi đau thương, mất mát và cảm thấy tự hào với những gì mà người thân của họ đã đóng góp cho Tổ quốc, giúp họ có thêm ý chí vượt qua những khó khăn trong cuộc sống đời thường.
 
Tháng 5/1948, khi biết tin cụ Nguyễn Văn Tố bị giặc Pháp bắt, tra tấn và hy sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vô cùng thương tiếc viết Lời điếu, trong đó hết lời ca ngợi tài-đức của cụ: “Nhớ cụ xưa, Văn chương thuần túy, học vấn cao sâu. Thái độ hiền từ, tính tình thanh khiết. Mở mang văn hóa, cụ dốc một lòng… Phú quý, công danh cụ nào có thiết… Cụ dù hy sinh, tinh thần cụ ngàn thu sẽ vẻ vang bất diệt. Với cụ, dân tộc mất một người chí sĩ, thế giới mất một người danh nho. Cho nên Chính phủ khôn xiết nỗi buồn rầu, đồng bào khôn xiết lòng thương tiếc”.
 
Ngày 31/12/1954, sau 9 năm trường kỳ kháng chiến gian khổ trở về Thủ đô, Bác cùng các đồng chí Trường Chinh, Tôn Đức Thắng, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp đã đến đặt vòng hoa lên Đài liệt sĩ. Đứng trước Đài liệt sĩ hương trầm nghi ngút, Bác đã bùi ngùi xúc động: “Hỡi các liệt sĩ. Ngày mai là năm mới, là ngày đồng bào và bộ đội mừng Chính phủ về Thủ đô. Trong lúc cả nước vui mừng thì mọi người đều thương tiếc các liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, vì dân tộc. Tôi thay mặt nhân dân, Chính phủ và bộ đội kính cẩn nghiêng mình trước linh hồn bất diệt của các liệt sĩ (…). Một nén hương thành, vài lời an ủi. Anh linh của các liệt sĩ bất diệt!”.
 
Sau này cho đến cuối đời, cứ vào dịp tháng 7, Người lại viết thư, đến thăm các thương, bệnh binh, động viên họ nỗ lực vươn lên hòa nhập với đời sống cộng đồng, đem tinh thần, sức lực cải thiện đời sống cho bản thân, góp phần cống hiến cho công cuộc xây dựng đất nước. Người cũng đến các nghĩa trang liệt sĩ để thắp một nén hương thơm tưởng nhớ những người đã hy sinh vì đất nước.
 
  LÒNG YÊU THƯƠNG GẮN VỚI TRÁCH NHIỆM VÀ BỔN PHẬN ĐỐI VỚI THƯƠNG, BỆNH BINH, THÂN NHÂN LIỆT SĨ 
 
Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và tình cảm chân thành, lòng biết ơn đối với thương binh, liệt sĩ,  ngay từ năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra thông báo về việc nhận con các liệt sĩ làm con nuôi, coi đây một chính sách của Nhà nước, đồng thời thể hiện sự quan tâm, lòng nhân ái của Người: “…Vì muốn thay mặt Tổ quốc, toàn thể đồng bào và Chính phủ cảm ơn những chiến sĩ đã hy sinh tính mệnh cho nền Tự do, Độc lập và Thống nhất của nước nhà, hoặc trong thời kỳ cách mệnh, hoặc trong thời kỳ kháng chiến. Tôi gửi lời chào thân ái cho gia đình các liệt sĩ đó, và tôi nhận con các liệt sĩ làm con nuôi của tôi…”. Bác kêu gọi đồng bào cả nước hãy thể hiện tình cảm thương yêu, trách nhiệm và bổn phận của mình bằng những việc làm thiết thực nhất: “Trong lúc chống nạn đói kém, đồng bào ta đã từng mỗi tuần nhịn ăn một bữa để giúp các đồng bào bị đói. Bây giờ chống nạn ngoại xâm, tôi chắc đồng bào ta sẽ vui lòng vài ba tháng nhịn ăn một bữa để giúp đỡ chiến sỹ bị thương”.
 
Trong các bức thư gửi cụ Vũ Đình Tụng, Bộ trưởng Bộ Thương binh, Cựu binh đầu tiên của nước ta, Bác đều nhắc nhở phải hết lòng chăm sóc thương binh : “Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào, mà các đồng chí chịu ốm yếu, què quặt. Vì vậy, Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”. Sau này, trên cương vị Chủ tịch Đảng, Chủ tịch Nước, Người luôn nhắc nhở toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cần quan tâm và làm tốt hơn nữa công tác “đền ơn đáp nghĩa” với thương, bệnh binh và gia đình liệt sĩ; đồng thời coi đó là bổn phận, trách nhiệm và là vinh dự lớn: “... bổn phận chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ”. Đặc biệt, những cán bộ, nhân viên trực tiếp chăm sóc thương binh thì: “phải hết lòng quý mến, thương yêu, săn sóc anh em thương binh, bệnh binh. Ra sức làm cho họ vui vẻ, lành mạnh, tiến bộ…”.
 
Về phần mình, mặc dù bận nhiều công việc của Đảng và Nhà nước, nhưng cứ đến dịp tháng 7 hàng năm, Bác Hồ thường gửi thư, trực tiếp đi thăm các thương binh, gia đình liệt sỹ và viếng các anh hùng liệt sỹ ở nghĩa trang, Người còn dành cả những tặng phẩm của đồng bào trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài biếu cho mình và trích 1 tháng lương để tặng các thương, bệnh binh. Người cũng thường xuyên nhắc nhở trách nhiệm và động viên, biểu dương các địa phương, đơn vị, cá nhân đã hết lòng giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ; rất vui mừng, cảm động trước những nỗ lực vươn lên và thành quả mà thương binh đã làm được. 
 
Trước lúc đi xa, trong bản Di chúc năm 1968, Bác căn dặn công việc đầu tiên đối với con người, trong đó nêu rõ những chính sách cụ thể đối với từng đối tượng: “Đối với thương binh, bệnh binh, Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần tự lực cánh sinh”. Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng những vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước của nhân dân ta. Đối với cha mẹ, vợ con của thương binh và liệt sĩ mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền cùng hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để cho họ bị đói rét…”.
 
Có thể nói, tư tưởng, tình cảm, đạo đức Hồ Chí Minh về thương binh, liệt sĩ bắt nguồn từ lòng thương người vô bờ bến, lòng biết ơn đối với người có công “ăn quả nhớ người trồng cây”. Tư tưởng đó mang tính nhân văn cao cả và tràn đầy tinh thần lạc quan “tàn nhưng không phế”. Tư tưởng đó không chỉ là sự tiếc thương, ngậm ngùi, đau xót mà còn toát lên niềm tự hào, gợi lên tinh thần bất khuất, làm hồi sinh sức sống mãnh liệt và làm cho sự hy sinh, mất mát của liệt sĩ, thương binh, gia đình có công, vốn đã cao đẹp lại càng cao đẹp hơn, vốn đã vinh quang, rất đáng tự hào lại càng vinh quang, tự hào hơn. Hơn nữa, tư tưởng ấy còn gắn với việc nâng cao ý thức, trách nhiệm cho những người còn sống; không chỉ có ý nghĩa giáo dục nâng cao nhận thức cho các thế hệ tiếp sau mà còn được phát huy mạnh mẽ trong cuộc sống hàng ngày bằng những công việc thiết thực, cụ thể.
 
Chiến tranh đã lùi xa, đất nước ta đã “nở hoa độc lập, kết quả tự do”, Nhân dân đã có cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc, chúng ta càng trân trọng hơn sự hy sinh, mất mát to lớn của các anh hùng, liệt sĩ, các thương binh, bệnh binh và thân nhân của họ; thấy rõ hơn bổn phận, trách nhiệm của mình đối với người có công với nước. Tư tưởng, tình cảm, đạo đức Hồ Chí Minh đối với thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng ngày càng tỏa sáng, soi đường các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa” của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta.
 
KHÁNH LINH