Xây dựng văn hóa trong Đảng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII

06:07, 12/07/2022
Văn hóa nói chung là phạm trù rất rộng, được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau. Chủ tịch Hồ Chí Minh sau khi nghiên cứu các hiện tượng và giá trị văn hóa ở nhiều dân tộc, đã đi đến nhận xét: "Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa". 
 
Quang cảnh Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng
Quang cảnh Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng
 
Theo Hồ Chí Minh, văn hóa là toàn bộ những gì do con người đã sáng tạo ra. Văn hóa trở thành giới tự nhiên thứ hai do con người tạo ra và văn hóa cũng chính là mục đích, ý nghĩa cuộc sống của con người. Ở đâu có con người, quan hệ giữa con người với con người thì ở đó có văn hóa. Hồ Chí Minh không chỉ đề xuất khái niệm văn hoá theo nghĩa rộng mà còn cho rằng văn hoá là “một kiến trúc thượng tầng”. Văn hoá có mối quan hệ biện chứng với cơ sở hạ tầng, với kinh tế, chính trị, xã hội. Người cho rằng trên nền tảng cơ sở hạ tầng vững chắc thì văn hoá mới có điều kiện phát triển. Đến lượt nó, văn hoá là động lực cho sự phát triển kinh tế, xã hội, “văn hoá phải soi đường cho quốc dân đi”. Đấy là văn hóa nói chung, nội hàm và khái niệm rộng hơn nhiều so với văn hóa chính trị văn hóa trong Đảng.
 
Một số nhà lý luận Mác-xít cho rằng: Văn hóa Đảng là toàn bộ giá trị vật chất và tinh thần của Đảng; văn hóa Đảng gắn liền với Đảng từ ngày Đảng được thành lập. Sự ra đời của Đảng đã đánh dấu một bước phát triển cao về trình độ văn hóa và tinh thần của dân tộc, trước hết là ở bộ phận tiền phong của giai cấp công nhân và Nhân dân lao động. Đảng Cộng sản Việt Nam chính là một sản phẩm của văn hóa, là sự kết hợp giữa đỉnh cao của văn hóa nhân loại là chủ nghĩa Mác - Lênin với đỉnh cao của phong trào đấu tranh giải phóng của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam. Văn hóa dân tộc sản sinh ra văn hóa Đảng và văn hóa Đảng tác động tích cực vào văn hóa dân tộc để văn hóa dân tộc phát triển theo chiều hướng tiến bộ của thời đại.
 
Trong suốt chiều dài lịch sử 92 năm lãnh đạo, Đảng ta luôn chú trọng xây dựng văn hóa trong Đảng. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc đã chỉ rõ: “Để xây dựng và phát triển văn hóa trong xã hội, trước hết cần xây dựng văn hóa trong Đảng, trong bộ máy Nhà nước như Bác Hồ đã dạy Đảng ta là đạo đức, là văn minh… Văn hóa đạo đức và lối sống lành mạnh phải được thể hiện trước hết trong mọi tổ chức Đảng, Nhà nước, đoàn thể, trong cán bộ, viên chức Nhà nước”. Tiếp đó, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước định hướng: “Chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan Nhà nước và các đoàn thể; coi đây là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Trong đó, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, tận tụy, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, gắn bó máu thịt với Nhân dân”. Tại Đại hội XII, xây dựng văn hóa trong Đảng được bổ sung với nhiều điểm mới; nổi bật là đưa công tác xây dựng Đảng về đạo đức ngang tầm với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức: “Tập trung thực hiện mục tiêu xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức”. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII xác định xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hoá thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng phải tăng cường xây dựng Đảng về đạo đức (cũng chính là xây dựng văn hóa trong Đảng). 
 
Mới đây nhất, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt ra yêu cầu: Chú trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị về văn hoá, về đạo đức; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, để Đảng ta và hệ thống chính trị của nước ta thật sự là đạo đức, là văn minh, tiêu biểu cho lương tri và phẩm giá con người Việt Nam.
 
Thực trạng thời gian qua, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống chính là biểu hiện của việc xuống cấp về đạo đức, về văn hóa trong Đảng. Trong thế giới đầy biến động và phức tạp như hiện nay, để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ nặng nề mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đặt ra đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển thu nhập cao thì đòi hỏi Đảng phải nâng tầm lãnh đạo hơn nữa, nâng cao hơn nữa năng lực cầm quyền và sức chiến đấu. 
 
Chính vì vậy việc xây dựng văn hóa trong Đảng và nói rộng ra là xây dựng văn hóa chính trị để Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, thực sự là biểu tượng của “đạo đức, văn minh” (biểu hiện cao của văn hóa) là yêu cầu cấp thiết.
 
Những nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng văn hóa trong Đảng cũng chính là những nhiệm vụ quan trọng để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; do đó cần thực hiện tốt một số vấn đề sau:
 
Trước tiên, xây dựng Đảng về văn hóa cần phải quan tâm xây dựng sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Cần thấy rằng, sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng là đoàn kết, thống nhất có nguyên tắc, dựa trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, quan điểm, đường lối của Đảng. Chính vì vậy cần phải kiên định chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới. Nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng và bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng có hiệu lực, hiệu quả. Xây dựng khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng trên cơ sở tôn trọng và giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ. Đảng có sức mạnh khi và chỉ khi mọi đảng viên và tổ chức Đảng tuân thủ nghiêm túc những nguyên tắc sinh hoạt Đảng, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ. Đoàn kết trong Đảng chính là nhân tố quan trọng để xây dựng sự đoàn kết và đồng thuận xã hội.
 
Tiếp đến, nâng cao văn hóa tự phê bình và phê bình trong Đảng; mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên tự soi, tự sửa. Các cấp ủy, cán bộ, đảng viên cần nâng cao nhận thức, đề cao trách nhiệm trong thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nâng cao chất lượng công tác tự phê bình và phê bình trong Đảng; “tự soi, tự sửa” theo tinh thần Kết luận số 21-KL/TW kết luận Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Duy trì và thực hiện nghiêm túc, thường xuyên, hiệu quả các nguyên tắc xây dựng Đảng, chú trọng thực hiện tự phê bình và phê bình gắn với nhiệm vụ chính trị, với các đợt sinh hoạt Đảng...
 
Một vấn đề quan trọng nữa đó là, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương, để việc nêu gương trở thành hành động tự giác “văn hóa nêu gương”. Đảng ta đã ban hành nhiều quy định về trách nhiệm nêu gương của đảng viên, nổi bật là Quy định số 55-QĐ/TW của Bộ Chính trị “Một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”, nhấn mạnh việc phải kịp thời chấn chỉnh tác phong công tác, lối sống xa hoa, lãng phí gây phản cảm trong xã hội và gương mẫu thực hiện nếp sống văn minh, giản dị, tiết kiệm; Quy định số 08-QĐ/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương với 8 nội dung phải gương mẫu thực hiện, 8 nội dung phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống; yêu cầu cán bộ giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu. Đây chính là những quy định rất quan trọng và cần thiết để mỗi đảng viên tự giác trong tu dưỡng, rèn luyện. Đồng thời phải thực hiện tốt Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, đưa việc học tập và làm theo Bác lan tỏa rộng rãi trong Đảng và xã hội.
 
Vẫn phải nhắc lại yêu cầu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị về văn hóa, về đạo đức để Đảng ta và hệ thống chính trị nước ta thật sự là đạo đức, là văn minh, tiêu biểu cho lương tri và phẩm giá con người Việt Nam. 
 
ĐỨC HẠNH