"Kỷ cương - trách nhiệm - đoàn kết - phát triển", xây dựng quê hương Lâm Đồng giàu mạnh

01:08, 29/08/2022
Hòa chung trong khí thế cả nước chào mừng Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9, Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tỉnh Lâm Đồng đang tập trung tổ chức Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh lần thứ X (nhiệm kỳ 2022-2027). Đây là sự kiện trọng đại, là ngày hội của đông đảo tăng, ni, Phật tử và Nhân dân trong tỉnh. Nhân dịp này, phóng viên Báo Lâm Đồng có cuộc phỏng vấn Hòa thượng Thích Thanh Tân - Ủy viên Hội đồng Trị sự, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Lâm Đồng về những thành quả quan trọng của GHPGVN tỉnh Lâm Đồng gặt hái được trong 5 năm qua.
 
  PV: Xin Hòa thượng cho biết những thành quả nổi bật trong nhiệm kỳ 2017-2022 mà Giáo hội Phật giáo tỉnh Lâm Đồng đã đạt được? 
 
Hòa thượng Thích Thanh Tân - Ủy viên Hội đồng Trị sự, Trưởng Ban Trị sự GHPG tỉnh Lâm Đồng
Hòa thượng Thích Thanh Tân - Ủy viên Hội đồng Trị sự, Trưởng Ban Trị sự GHPG tỉnh Lâm Đồng
  Hòa thượng Thích Thanh Tân: Trong không khí trang nghiêm, hoan hỷ ấm áp của mùa thu Cách mạng Tháng Tám thành công, chào mừng Ngày Quốc khánh 2/9 - Ngày Tết Độc lập của dân tộc Việt Nam; đông đảo chức sắc, giới tăng, ni, phật tử trong tỉnh đang hướng về Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh Lâm Đồng lần thứ X (nhiệm kỳ 2022-2027). Đây là sự kiện lịch sử có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đánh dấu bước trưởng thành và phát triển của Phật giáo Lâm Đồng trong nhiệm kỳ qua. 
 
Trước hết, trong nhiệm kỳ qua, Thường trực Ban Trị Sự có sự mất mát to lớn, đó là sự viên tịch của Hòa thượng đạo hiệu Thích Toàn Đức - Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh, phần nào làm cho Phật sự tỉnh nhà gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của Hội đồng Trị sự Trung ương GHPGVN, sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành, địa phương, các tổ chức, đơn vị, cùng sự đoàn kết nhất trí chung tay chung sức, chung lòng của chư tăng, ni phật tử, cư sĩ tỉnh nhà, nên Ban Trị sự GHPG tỉnh đã hoàn thành nhiều phật sự quan trọng trong nhiệm kỳ qua với nhiều thành tựu tốt đẹp, đã khẳng định được vị thế của Giáo hội đối với tăng, ni và Phật tử tỉnh nhà.
 
Hiện nay, số lượng tăng, ni trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng 2.908 vị, số lượng tín đồ ước chừng 520.000 Phật tử. Trong đó, Phật tử người dân tộc thiểu số khoảng 7.500 người. Toàn tỉnh có 181 chùa, 23 tịnh xá, 7 tịnh thất, 4 thiền viện, 1 tịnh viện, 1 niệm phật đường, 1 đạo tràng, một trường trung cấp phật học...
 
Giáo hội tập trung hướng dẫn Phật tử sinh hoạt nghi lễ theo con đường chánh pháp, bài trừ các hoạt động mê tín dị đoan, nhất là trong các việc ma chay, cầu an, cầu siêu, đáp ứng nguyện vọng của quần chúng Phật tử. Nổi bật là năm 2018 tổ chức thành công Đại giới đàn Đạo quang, đã truyền trao giới pháp cho 700 giới tử tăng, ni. Năm 2019 đạt nhiều Phật sự thành tựu để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp như: Đại lễ Phật đản Vesak PL 2563. Trong mùa Vu lan báo hiếu, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh và Ban Trị sự GHPG 12 huyện, thành phố trong tỉnh đã tổ chức cầu siêu tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho nền độc lập của Tổ quốc hôm nay. Tổ chức lễ tưởng niệm, cầu siêu cho các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông. Giáo hội đã tiếp tục được tiến cử, tham gia vào Ủy viên Ủy ban MTTQ tỉnh trong kỳ Đại hội đại biểu MTTQ tỉnh lần thứ VIII nhiệm kỳ 2019-2024. Năm 2020, trong bối cảnh khó khăn chung của đại dịch COVID-19, Giáo hội Phật giáo tỉnh đã tích cực chung sức, đồng lòng tham gia phòng, chống dịch đạt nhiều kết quả nổi bật, ủng hộ lương thực, nhu yếu phẩm, trang thiết bị y tế phục vụ công cuộc phòng, chống dịch đạt hiệu quả. Năm 2021, vận động tăng, ni, Phật tử tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 thành công tốt đẹp. Tổ chức thành công đại lễ kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (7/11/1981-7/11/2021).
 
Giáo hội đã vận động tăng, ni, Phật tử tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động theo đặc điểm riêng của từng đơn vị, gắn với thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” bằng những việc làm thiết thực. Giữ gìn khu dân cư xanh, sạch, đẹp, vệ sinh môi trường, cảnh quan xung quanh chùa, đường làng, ngõ xóm. Với phương châm “sống và thực hiện theo đúng hiến chương và pháp luật”, Thường trực Ban Trị sự Phật giáo tỉnh và các Ban Trị sự 12 huyện, thành phố đã tham gia ký kết, với các cơ quan, ban, ngành tuyên truyền phổ biến các cuộc vận động về trật tự, an toàn giao thông, an sinh giáo dục, phổ biến pháp luật, các hoạt động giám sát và phản biện xã hội. 
 
Tích cực tham gia xây dựng chương trình phối hợp hoạt động giữa Bộ CHQS tỉnh với Ban Trị sự GHPGVN tỉnh như: Phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho chức sắc, nhà tu hành, chức việc, tín đồ; thông tin chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tình hình quốc phòng, an ninh cho các chức sắc, nhà tu hành, chức việc, tín đồ hiểu, đồng thuận, chấp hành; trong đó có các chính sách về tôn giáo và về tinh thần “Đạo pháp, dân tộc và chủ nghĩa xã hội”, “Tôn giáo đồng hành cùng dân tộc”. Phối hợp tuyên truyền, vận động thanh niên là con em tín đồ chấp hành nghiêm Luật Nghĩa vụ quân sự, hăng hái lên đường nhập ngũ, thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Tập trung phối hợp thực hiện có hiệu quả các hoạt động như: Hỗ trợ kinh phí xây tặng “nhà Tình nghĩa quân - dân”, “nhà Tình nghĩa” cho các tín đồ có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở; xây tặng công trình sinh hoạt văn hóa, thể dục thể thao ở các cơ sở tôn giáo của Phật giáo. Thực hiện tốt phương châm “Phật giáo đồng hành cùng dân tộc” giữ vững tinh thần đoàn kết trong khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng xã hội dân chủ, công bằng và văn minh.
 
Lãnh đạo  tỉnh và lãnh đạo Ban Trị sự GHPG thả bong bóng, chim bồ câu trong Đại lễ Phật đản cầu mong quốc thái - dân an, hòa bình - hạnh phúc cho chúng sinh
Lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo Ban Trị sự GHPG thả bong bóng, chim bồ câu trong Đại lễ Phật đản cầu mong quốc thái - dân an, hòa bình - hạnh phúc cho chúng sinh
 
•  PV: Để xây dựng vững mạnh khối đại đoàn kết, xây dựng quê hương Lâm Đồng giàu mạnh, những nhiệm vụ, phương hướng trọng tâm được Ban Trị sự GHPG tỉnh đề ra trong nhiệm kỳ 2022-2027 là gì, thưa quý Hòa thượng?
 
•  Hòa thượng Thích Thanh Tân: Với phương châm của Đại hội là “Kỷ cương - Trách nhiệm - Đoàn kết - Phát triển”, Ban Trị sự sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, hòa hợp, thống nhất ý chí, hành động trong lãnh chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chung của Giáo hội. Phát huy mạnh mẽ “Đoàn kết Tôn giáo - Đoàn kết Dân tộc”, tinh thần “phụng đạo yêu nước”, theo phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”; Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Lâm Đồng cùng các ban trị sự 12 huyện, thành phố và toàn thể tăng, ni, cư sĩ Phật tử trong tỉnh nhà đều một lòng thực hiện mục tiêu xây dựng và phát triển Phật giáo Lâm Đồng ngày càng vững mạnh. Đồng thời, hướng dẫn hoạt động Phật sự của các Hệ phái Phật giáo, tự viện, tăng, ni và Phật tử theo quy định của Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, pháp luật Nhà nước. Hoằng dương chánh pháp vào các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, truyền bá đạo đức Phật giáo, xây dựng xã hội an vui, hạnh phúc. Phát huy công tác đào tạo nguồn nhân lực kế thừa, giáo dục đội ngũ tăng, ni trẻ có đạo hạnh, năng lực, trình độ, đáp ứng nhu cầu phát triển của Phật giáo trong giai đoạn mới. 
 
Ban Trị sự sẽ tập trung đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, phân công, phân nhiệm cụ thể, trách nhiệm cho từng thành viên trong Ban Thường trực Ban Trị sự. Triển khai chương trình hoạt động nhiệm kỳ 2022-2027 và các văn kiện của Trung ương GHPGVN và Ban Trị sự tỉnh đã ban hành. Tiếp tục tổ chức triển khai, thực hiện nghị quyết của Ban Tăng sự, thông tư của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN về việc Hướng dẫn nghiệp vụ hành chánh, bồi dưỡng nghiệp vụ hành chính và bồi dưỡng nghiệp vụ trụ trì cho các tăng, ni trong tỉnh.
 
Bên cạnh nhiệm vụ chung của Giáo hội, Ban Trị sự nhiệm kỳ tới sẽ tích cực chỉ đạo phát huy thế mạnh trong triển khai chương trình hoạt động từ thiện của Ban Từ thiện Trung ương GHPGVN hướng dẫn. Xây dựng thành lập trung tâm từ thiện xã hội, trung tâm dạy nghề, hoạt động giáo dục mầm non, lớp học tình thương trong tỉnh. Củng cố và phát triển Tuệ Tĩnh Đường, Phòng khám bệnh Đông, Tây y để khám và chữa bệnh phát thuốc cho bệnh nhân nghèo trong tỉnh. Tích cực hưởng ứng công tác cứu trợ nhân đạo, thiên tai lũ lụt, chăm sóc người già cả, neo đơn có hoàn cảnh khó khăn, xây dựng nhà tình thương, tình nghĩa, xây cầu, đường, giao thông nông thôn,... Giáo hội sẽ tích cực động viên tăng, ni, Phật tử đoàn kết phát huy tinh thần phụng đạo yêu nước, hưởng ứng phong trào ích nước lợi dân, các Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, an toàn giao thông, phóng sanh bảo vệ môi trường, bảo vệ an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ góp phần xây dựng tỉnh Lâm Đồng “ Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh”.
 
Với đặc thù Lâm Đồng là tỉnh Tây Nguyên có đông đồng bào DTTS sinh sống, Ban Trị sự mong muốn trong thời gian tới Tỉnh ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các ban, ngành, tạo thuận duyên cho phép xây dựng thêm các chùa ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cùng hợp thức hóa các điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung để có nơi thờ phụng, lễ bái, tu học, hành theo Chánh pháp của Đức phật Như Lai, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tôn giáo của Nhân dân. Quan tâm tạo điều kiện về cơ sở hạ tầng để đầu tư trụ sở Văn phòng Ban Trị sự GHPG tỉnh khang trang, sạch đẹp hơn, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo, thực hiện nhiệm vụ chung của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh nhà.
 
•  PV: Xin trân trọng cảm ơn Hòa thượng Thích Thanh Tân đã dành thời gian trả lời phỏng vấn!
 
NGUYỆT THU (thực hiện)