(LĐ online) - Chiều 15/8, Đoàn giám sát, kiểm tra của Hội đồng Quản lý BHXH làm việc với UBND Lâm Đồng. Chủ trì buổi làm việc có ông Nguyễn Duy Thăng -Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Ủy viên Hội đồng Quản lý BHXH, Trưởng đoàn giám sát; ông Lê Hùng Sơn - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam và ông Đặng Trí Dũng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng.
|
Đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành tham dự buổi làm việc của đoàn giám sát, kiểm tra của Hội Đồng Quản lý BHXH với UBND tỉnh Lâm Đồng |
Tham dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh, các sở, ngành: Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính, Nội vụ, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Thanh tra tỉnh, Cục Thuế tỉnh, Công an tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Bưu điện tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Liên minh Hợp tác xã tỉnh.
Nội dung đánh giá tình hình quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh; tình hình phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội; công tác cải cách thủ tục hành chính, thực thi công vụ của Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng.
|
Ông Đậu Tú Lan - Giám đốc BHXH Lâm Đồng báo cáo tình hình thực hiện công tác BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 -2022 |
Cùng ngày, đoàn giám sát, kiểm tra tại 7 đơn vị; trong đó, có 2 đơn vị khám chữa bệnh, 2 doanh nghiệp tổ chức tham gia BHXH, BHYT, BHTN có số lao động từ 2.000 -3.000 người và làm việc với BHXH Lâm Đồng. Nội dung kiểm tra về công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN; công tác quản lý sử dụng quỹ khám chữa bệnh BHYT; công tác thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021; Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 về giải quyết hỗ trợ doanh nghiệp, người dân ảnh hưởng do đại dịch Covid-19; công tác cải cách thủ tục hành chính và thực thi công vụ tại BHXH tỉnh.
Đoàn giám sát của Hội đồng Quản lý BHXH do ông Nguyễn Duy Thăng - Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Ủy viên Hội đồng Quản lý BHXH làm Trưởng đoàn giám sát, kiểm tra. Tham gia đoàn giám sát, kiểm tra gồm có đại diện lãnh đạo BHXH Việt Nam và đại diện lãnh đạo một số Vụ, Ban chuyên môn của BHXH Việt Nam có liên quan như: Ban thực hiện chính sách BHYT; Ban thực hiện chính sách BHXH; Ban Quản lý Thu - Sổ, thẻ; Trung tâm Truyền thông BHXH Việt Nam; Văn phòng Hội đồng Quản lý BHXH; đại diện một số đơn vị của Bộ Nội vụ như: Vụ Tiền lương, Vụ Chính quyền địa phương, Vụ Công chức - Viên chức, Vụ Tổ chức - Biên chế giúp việc cho Ủy viên Hội đồng Quản lý BHXH.
|
Ông Đặng Trí Dũng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng phát biểu tại buổi làm việc |
Tại buổi làm việc, ông Đậu Tú Lan - Giám đốc BHXH Lâm Đồng báo cáo tình hình thực hiện công tác BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 -2022. Về công tác phát triển người tham gia, thu BHXH, BHYT, BHTN trong tỉnh năm 2020 số người tham gia BHXH là 98.590 người, chiếm tỷ lệ 14,2% lực lượng lao động trong độ tuổi đang làm việc; trong đó, số người tham gia BHXH bắt buộc là 85.072 người, đạt 100% kế hoạch BHXH Việt Nam giao; số người tham gia BHXH tự nguyện 13.518 người, đạt 100,01% kế hoạch giao, tăng 96,6% so với năm 2019. Số người tham gia BHTN 76.308 người, đạt 100,13% so với kế hoạch giao, chiếm tỷ lệ 9,8% lực lượng lao động trong độ tuổi đang làm việc. Số người tham gia BHYT 1.164.298 người, đạt 100,14% so với kế hoạch được giao năm 2020, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 90,69% dân số (bao gồm cả lực lượng vũ trang), vượt 0,69% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định 1167/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ 90%.
Năm 2021, số người tham gia BHXH là 100.123 người, chiếm 14,3% so với lực lượng lao động trong độ tuổi đang làm việc. Trong đó, số người tham gia BHXH bắt buộc 83.647 người, đạt 100,08% so với kế hoạch giao; số người tham gia BHXH tự nguyện 16.476 người, đạt 100% kế hoạch giao. Số người tham gia BH thất nghiệp 75.009 người, đạt 100,1% so với kế hoạch giao. Số người tham gia BHYT 1.206.479 người, đạt 102,15% so với kế hoạch giao, tỷ lệ bao phủ BHYT là 92,33% dân số, vượt 1,33% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao. Số tiền thu BHXH, BHYT là 2.616,6 tỷ đồng, đạt 100,28% so với kế hoạch thu BHXH Việt Nam giao. Số tiền nợ BHXH, BHYT là 57,9 tỷ đồng, chiếm 2,1% số tiền phải thu trong năm theo kế hoạch.
|
Ông Nguyễn Duy Thăng - Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Ủy viên Hội đồng Quản lý BHXH, Trưởng đoàn giám sát phát biểu tại buổi làm việc |
Kết quả 7 tháng đầu năm 2022, số người tham gia BHXH 104.384 người, chiếm 14,5% so với lực lượng lao động trong độ tuổi đang làm việc. Trong đó, số người tham gia BHXH bắt buộc 88.987 người, đạt 97,29% so với kế hoạch giao; số người tham gia BHXH tự nguyện 15.397 người, đạt 54,67% kế hoạch giao năm 2022. Số người tham gia BH thất nghiệp 80.443 người, đạt 97,09% so với kế hoạch giao năm 2022. Số người tham gia BHYT 1.124.492 người, đạt 92,4% so với kế hoạch giao năm 2022, tỷ lệ bao phủ BHYT là 85,46% dân số, so với chỉ tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao còn thiếu 6,29%. Số tiền thu BHXH, BHYT là 1.479 tỷ đồng, đạt 52,89% so với kế hoạch thu được giao năm 2022, tăng 1,32% so với cùng kỳ năm trước. Số tiền nợ BHXH, BHYT là 95,9 tỷ đồng, chiếm 3,43% số tiền phải thu trong năm theo kế hoạch.
Việc giải quyết, chi trả chế độ, chính sách BHXH, BH thất nghiệp trên địa bàn tỉnh được cơ quan BHXH phối hợp với các ngành liên quan giải quyết đảm bảo đầy đủ, kịp thời tới từng người tham gia, thụ hưởng, qua đó đã góp phần hỗ trợ, ổn định cuộc sống của người lao động, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tác động, ảnh hưởng trực tiếp tới công ăn, việc làm, thu nhập của người dân. Công tác chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, BH thất nghiệp hàng tháng được an toàn, kịp thời cho các đối tượng hưởng, không để xảy ra tiêu cực, khiếu kiện trong chi trả hưởng các chế độ. BHXH tỉnh đã phối hợp tốt với các ngành, địa phương, đơn vị sử dụng lao động thực hiện kịp thời, đúng đối tượng các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 theo quy định tại các Nghị quyết, Quyết định của Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ.
|
Ông Đào Thành Trung - Phó Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng phát biểu ý kiến tại buổi làm việc |
Công tác thu, chi, quản lý quỹ BHXH, quỹ BHYT, quỹ BH thất nghiệp được thực hiện tốt theo quy định của pháp luật, không có hiện tượng tiêu cực trong quản lý thu, chi các quỹ bảo hiểm. Trên địa bàn tỉnh cũng chưa để xảy ra tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, quỹ BH thất nghiệp, quỹ BHYT với quy mô lớn, số tiền nhiều; một số trường hợp lạm dụng, trục lợi nhỏ đã được phát hiện xử lý kịp thời. Thực hiện nhiệm vụ thu, chi, giải quyết chính sách, quản lý quỹ được gắn liền với phát triển người tham gia BHXH, BHTN, BHYT; phục vụ chi trả kịp thời cho người tham gia và thụ hưởng chính sách.
Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả Quỹ BHYT. Ngành Y tế và ngành BHXH đã thường xuyên phối hợp triển khai thực hiện tốt công tác khám chữa bệnh BHYT theo quy định của Luật BHYT, đảm bảo chi đúng, chi đủ, phục vụ kịp thời các hoạt động khám chữa bệnh, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân và đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT. Công tác đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế phục vụ khám chữa bệnh được thực hiện nghiêm túc theo quy định của pháp luật.
|
Ông Lê Hùng Sơn - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc |
Quản lý, kiểm soát tốt chi phí KCB BHYT, năm 2020 chi 100,85% dự toán được giao; năm 2021 chi 87,6% dự toán được giao; trong 7 tháng đầu năm 2022 theo dự toán chi của Thủ tướng Chính phủ giao, với số tiền đã chi trong 7 tháng là 325,6 tỷ đồng với 763.593 lượt bệnh nhân; tỷ lệ sử dụng quỹ BHYT bằng 42,61%.
Công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) với các TTHC thường xuyên được rà soát, đơn giản hóa, cắt giảm về quy trình, thủ tục, giấy tờ, biểu mẫu, thời gian thực hiện, tạo thuận lợi tối đa phục vụ người dân, doanh nghiệp khi giao dịch với cơ quan BHXH. Tiếp tục đa dạng, linh hoạt các phương thức tiếp nhận, trả kết quả TTHC, duy trì hiệu quả việc triển khai qua dịch vụ bưu chính công ích; đẩy mạnh giao dịch điện tử, thực hiện dịch vụ công trực tuyến, cơ bản đạt mức độ 4; riêng trong 7 tháng đầu năm 2022, số đơn vị thực hiện giao dịch điện tử về BHXH, BHYT là 4.537/5.138 đơn vị, tương ứng tỷ lệ 88,3%.
Từ năm 2020 đến nay, các TTHC giải quyết tại BHXH tỉnh, BHXH các huyện, thành phố liên thông từ huyện lên tỉnh và ngược lại đều đảm bảo giải quyết nhanh chóng, thuận tiện và đúng thời gian quy định. Một số thủ tục giải quyết chế độ chính sách đã giảm được 30% thời gian so với trước đây như hồ sơ giải quyết chế độ hưu trí; đối với thủ tục cấp lại thẻ BHYT do mất, hỏng thì thực hiện giải quyết lấy ngay trong ngày. Tỷ lệ TTHC được giải quyết trả kết quả đúng hạn hàng năm đạt 99,9%.
Tiếp tục tập trung đẩy mạnh triển khai các hoạt động chuyển đổi số trong từng lĩnh vực công tác của ngành. Kết nối cơ sở dữ liệu Quốc gia về bảo hiểm, với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Hoàn thành trên 396.821 hồ sơ căn cước công dân được đồng bộ liên thông với thẻ BHYT đang có hiệu lực để đi khám chữa bệnh bằng căn cước công dân. Đến ngày 31/7, đã có 2.364 lượt thực hiện tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng căn cước công dân gắn chíp, trong đó, tra cứu thành công đểkhám chữa bệnh BHYT là 1.153 lượt.
Triển khai ứng dụng VssID-BHXH số, đến hết tháng 7/2022, số người tham gia BHXH, BHYT đã cài đặt ứng dụng VssID-BHXH số là 222.535 người, chiếm tỷ lệ 19,52% trên tổng số người tham gia.
Về thủ tục liên thông đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi, từ tháng 10/2020 đến nay, BHXH tỉnh và BHXH các huyện thành phố đã kết nối liên thông ổn định dữ liệu với cơ quan tư pháp từ cấp xã, phường và qua đó, thực hiện việc cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuối, đảm bảo quyền lợi thụ hưởng BHYT cho các cháu khi có phát sinh khám chữa bệnh theo quy định.
Một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp tại địa phương tuy Tuy đạt được những kết quả tích cực, nhưng chưa đáp ứng yêu cầu, tỷ lệ lao động tham gia BHXH và BH thất nghiệp vẫn còn thấp so với tiềm năng và còn đạt thấp so với chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết số 28-NQ/TW. Tỷ lệ bao phủ BHYT trong 7 tháng đầu năm 2022 giảm so với cuối năm 2021. Việc vận động người dân tham gia BHYT tại các địa bàn mới thoát ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, nay không còn được ngân sách Nhà nước đóng BHYT gặp nhiều khó khăn. Vẫn còn nhiều hộ gia đình rất khó khăn về kinh tế, thu nhập thấp, nhất là những hộ gia đình đông người, không có điều kiện để mua thẻ BHYT. Theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, có hiệu lực từ ngày 04/6/2021, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng còn 1 xã khu vực II và 4 xã khu vực III được tiếp tục thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội, trong đó có chính sách BHYT; có 65 xã không còn nằm trong danh sách xã thuộc khu vực II, khu vực III với 120.000 người dân chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số không được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng BHYT.
Công tác tuyên truyền, vận động về BHXH tự nguyện và BHYT được chú trọng thực hiện nhưng thay đổi nhận thức của các đối tượng vẫn còn hạn chế, nhất là vùng nông thôn; chưa xây dựng được mạng lưới tuyên truyền viên sâu rộng ở các cộng đồng dân cư.
Việc tăng mức đóng BHXH tự nguyện theo mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn từ ngày 01/01/2022; việc tăng tuổi để hưởng chế độ hưu trí; tham gia BHXH tự nguyện chưa được hưởng các chế độ như BHXH bắt buộc (trợ cấp ốm đau, thai sản, nghỉ dưỡng sức...) đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác phát triển người tham gia BHXH tự nguyện; bên cạnh đó là do ảnh hưởng của dịch bệnh, mức giá sinh hoạt tăng cao đã làm ảnh hưởng đến cuộc sống, thu nhập của người dân.
Một số người sử dụng lao động, người lao động trong các doanh nghiệp thực thi pháp luật về BHXH, BHYT chưa nghiêm; tình trạng trốn đóng BHXH, BHYT cho người lao động ở một số doanh nghiệp vẫn còn nhiều.
Tỉnh Lâm Đồng nêu một số kiến nghị, đề xuất với đoàn giám sát kiểm tra, cụ thể: Đối với Quốc hội cần sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Luật BHXH năm 2014 để mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với nhóm người là chủ các doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã... ; mở rộng quyền lợi hưởng của người tham gia BHXH tự nguyện, giảm về thời gian đóng BHXH tự nguyện từ 20 năm xuống 15 năm và tiến tới 10 năm… để tiến tới thực hiện mục tiêu BHXH toàn dân và thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu theo lộ trình đã xác định tại Nghị quyết số 28-NQ/TW.
Đối với Chính phủ cần điều chỉnh mức đóng BHYT cho phù hợp với điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh để đảm bảo cân đối thu - chi quỹ BHYT. Nâng mức hỗ trợ mức đóng BHYT từ ngân sách Trung ương cho đối tượng là học sinh, sinh viên; người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình từ 30% mức đóng lên 50% mức đóng. Nâng mức hỗ trợ tiền đóng BHXH từ ngân sách Trung ương cho người tham gia BHXH tự nguyện, cụ thể: tăng mức hỗ trợ từ 30% lên 50% đối với người thuộc hộ nghèo; từ 25% lên 40% đối với người thuộc hộ cận nghèo và từ 10% lên 20% đối với các đối tượng còn lại. Tiếp tục có chính sách hỗ trợ đóng BHYT cho người đồng bào dân tộc thiểu số đã thoát khỏi vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn.
Đối với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trình Chính phủ ban hành quy định về quản lý nợ và các giải pháp xử lý tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN tồn đọng kéo dài của các doanh nghiệp không còn hoạt động, giải thể, phá sản hoặc chủ sử dụng lao động bỏ trốn, mất tích; hướng dẫn và có chế tài đối với hành vi không đóng lãi chậm đóng BHXH; đồng thời, rà soát, sửa đổi, hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan đến việc khởi kiện đơn vị nợ đọng BHXH, BHYT để công tác khởi kiện triển khai có hiệu quả.
Đối với Bộ Y tế trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ để giải quyết các vướng mắc trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế và cho phép thanh toán chi phí vượt tổng mức thanh toán, đến nay chưa được thanh toán của các cơ sở khám chữa bệnh các năm 2019, 2020, 2021 theo báo cáo quyết toán hằng năm đã được cơ quan BHXH giám định, thẩm định theo đúng quy định, quy trình. Sớm ban hành giá dịch vụ khám chữa bệnh theo hướng tính đúng tính đủ các yếu tố cấu thành để các bệnh viện thống nhất thực hiện, đảm bảo việc tự chủ theo lộ trình hiện nay.
Đoàn giám sát, kiểm tra của Hội đồng quản lý BHXH đã đánh giá Lâm Đồng là một trong số các tỉnh Tây Nguyên tổ chức thực hiện tốt chính sách về BHXH, BHYT, BHTN. Đồng thời, đoàn ghi nhận các đề xuất, kiến nghị, tiếp thu ý kiến của đại diện các sở, ban, ngành và đại diện của BHXH Việt Nam cũng trao đổi một số nội dung trong việc thực thi chính sách pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN để Lâm Đồng tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác này trong thời gian tới.
AN NHIÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin