Hồ Chí Minh với quyền con người

09:08, 15/08/2022
(LĐ online) - Quyền con người là một giá trị to lớn của nhân loại. Cống hiến lớn lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sự phát triển lý luận về quyền con người là ở chỗ: Người đã gắn kết hai chủ thể của quyền (quyền con người với tính cách là cá nhân và quyền con người với tính cách là dân tộc, quốc gia - dân tộc) vào trong khái niệm quyền con người. Tư tưởng của Hồ Chí Minh về con người và giải phóng con người là sợi chỉ đỏ xuyên suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Người.
 
Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chủ nghĩa Mác-Lênin và chủ nghĩa yêu nước chân chính; do đó, Người đã có cách tiếp cận về quyền con người hoàn toàn khác, mới mẻ và sâu sắc. Người xuất phát từ truyền thống dân tộc, từ đặc điểm của thời đại và con người hiện thực Việt Nam khi đang bị địa chủ phong kiến và đế quốc thực dân áp bức, bóc lột để xem xét và giải quyết vấn đề về quyền con người. Cuộc đấu tranh giành quyền con người ở Việt Nam cũng như trên thế giới trong bối cảnh lịch sử gắn liền với cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới, giải phóng dân tộc, giành độc lập dân tộc. Do đặc điểm thời đại, vấn đề quyền con người trong tư tưởng Hồ Chí Minh được đặt ra ở tầm rộng lớn hơn nhiều.
 
Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người được thể hiện trong nhiều tác phẩm. Năm 1919, trong bức thư 8 điểm gửi Hội nghị Véc-Xây, Người đã đề cập những quyền rất cơ bản của con người như: Ân xá toàn bộ chính trị phạm Việt Nam, bỏ hẳn tòa án đặc biệt, thay chế độ sắc lệnh bằng đạo luật, đòi quyền tự do báo chí, tự do tư tưởng, hội họp, lập hội, tự do cư trú, xuất dương, học tập và mở trường kỹ thuật chuyên nghiệp cho người bản xứ ở khắp các địa phương. Tư tưởng này được tiếp tục phát triển trong nhiều tác phẩm khác nhau như: Bài phát biểu tại Đại hội Tua năm 1920; Bản án chế độ thực dân Pháp 1925… Nổi bật là Tuyên ngôn độc lập 2/9/1945, đỉnh cao của văn chương chính luận Việt Nam, là một văn kiện lịch sử thể hiện rất rõ về quyền con người và quyền dân tộc.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm tiếp cận với vấn đề quyền con người - quyền dân tộc. Cách tiếp cận của Người về quyền con người có những đặc điểm sau:
 
Thứ nhất, truyền thống chính trị “dân là gốc” là nét độc đáo trong tư tưởng của Người về nhân quyền. Người đã kế thừa tư tưởng triết học phương Đông “đề cao Nhân dân”, rằng “dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” (Dân mới quý, rồi đến đất nước, còn vua thì bình thường). Trong quan niệm của Hồ Chí Minh, Nhân dân là “những người lao khổ”, là Nhân dân lao động. Người Viết: “Trong bầu trời không có gì quý bằng Nhân dân”.
 
Thứ hai, cách tiếp cận tổng thể, toàn diện vấn đề quyền con người. Đây là đặc điểm quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Vấn đề quyền con người ở đây không chỉ đòi quyền tự do cho cá nhân như phổ biến ở phương Tây mà là đòi quyền cho cả dân tộc. Điều này được lý giải trong Tuyên ngôn độc lập 1945 khi Hồ Chí Minh trích Tuyên ngôn độc lập của Mỹ 1776 rằng: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” và Người khẳng định: “Suy rộng ra, câu ấy có nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.
 
Để xác lập quyền dân tộc và đấu tranh cho quyền dân tộc, Hồ Chí Minh đã xuất phát từ quyền con người và thông qua quyền con người để đi đến quyền dân tộc. Như thế, quyền con người là điểm xuất phát, là cơ sở nền tảng để thiết lập quyền dân tộc. Từ quyền con người, Hồ Chí Minh khẳng định rằng, quyền sống, quyền sung sướng, quyền tự do của mỗi dân tộc trên thế giới này là quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm, là “những lẽ phải không ai chối cãi được”, đó là “nhân đạo và chính nghĩa”. Đây là cách tiếp cận rất mới mẻ về quyền con người và quyền dân tộc. Và, đây cũng là cách nhìn nhận về mối quan hệ biện chứng giữa quyền con người và quyền dân tộc. Theo đó, quyền dân tộc được phản ánh trên cơ sở truyền thống văn hóa, đạo pháp tự nhiên làm cho con người được thụ hưởng những giá trị vật chất và tinh thần. Hồ Chí Minh cho rằng việc giải phóng dân tộc không bao giờ tách khỏi việc giải phóng con người và giải phóng con người nhất quyết phải nằm trong giải phóng dân tộc. Người từng nói: “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no mặc đủ”.
 
Từ giá trị lý luận về quyền con người trong bản Tuyên ngôn của Mỹ, Pháp, Hồ Chí Minh nâng lên thành quyền con người của cộng đồng - dân tộc. Chính Người đã nâng vấn đề quyền tự nhiên của con người lên một tầm cao mới về chất dưới ánh sáng của thế giới quan khoa học, phản ánh đúng thực trạng đặc thù của dân tộc Việt Nam. Người khẳng định rằng, muốn giải phóng toàn bộ những năng lực xã hội, muốn cho xã hội phát triển, thì trước hết phải giải phóng toàn bộ cá nhân - con người, tạo ra những tiền đề cho sự phát huy cao độ những khả năng tiềm tàng trong mỗi cá nhân. Và chỉ khi đó, quyền con người mới được hiện thực hóa.
 
Thứ ba, quyền con người mà Hồ Chí Minh tiếp cận không chỉ kế thừa được những giá trị nhân quyền phổ biến trong lịch sử nhân loại mà còn mang tính sáng tạo, độc đáo. Người vẫn sử dụng khái niệm nhân quyền: “Công nông mình cứu lấy mình/Sửa sang thế đạo kinh dinh nhân quyền”.
 
Như vậy, nội dung quyền con người trong tư tưởng Hồ Chí Minh được phát triển phong phú cả về bề rộng lẫn chiều sâu, tạo ra hệ thống quyền con người theo quan điểm cách mạng và khoa học. Đó là, quyền dân sự, chính trị, các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa cũng như quyền của các nhóm đặc biệt như: Quyền của các dân tộc thiểu số, quyền phụ nữ, quyền trẻ em… Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến quyền và lợi ích của Nhân dân lao động. Nói về mục đích của chủ nghĩa xã hội, Người giải thích: “Nói một cách giản đơn và dễ hiểu là không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, trước hết là Nhân dân lao động”.
 
Trong lĩnh vực phân phối, Người nhấn mạnh rằng, phải đảm bảo công bằng mới tạo ra động lực phát triển kinh tế, xã hội nhưng công bằng không phải là cào bằng, bình quân chia đều mà phải được đặt trên quan điểm là “làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không làm thì không được hưởng. Những người già yếu hoặc tàn tật sẽ được Nhà nước giúp đỡ chăm nom”. Ngoài ra, còn có quyền học tập, vui chơi, quyền tham gia nghiên cứu khoa học, văn hóa nghệ thuật, thừa kế và phát huy truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc đi đôi với việc học tập và tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại.
Cùng với việc quan tâm đến quyền và lợi ích của mọi tầng lớp Nhân dân, Hồ Chí Minh chú ý đến các nhóm người khó khăn trong việc thực hiện quyền, đòi hỏi các cơ quan nhà nước và các tổ chức xã hội tạo mọi điều kiện thuận lợi để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho họ. Đó là quyền trẻ em, quyền phụ nữ, quyền của những người già cả, tàn tật, quyền của các dân tộc thiểu số…
 
Việc đề cập đến nhân quyền với nội dung rộng lớn theo quan điểm khoa học, cách mạng được Hồ Chí Minh quán triệt trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội đã khẳng định: Hồ Chí Minh là người đặt nền móng cho sự phát triển dân chủ và nhân quyền Việt Nam.
 
Trong bối cảnh quốc tế hóa, toàn cầu hóa hiện nay, yêu cầu về việc bảo đảm, thực hiện quyền con người cho mọi người dân ngày càng được nâng cao hơn. Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người soi sáng và chỉ lối cho nhận thức và hành động thực tiễn của Đảng, Nhà nước ta trong công tác đấu tranh, phê phán những luận điệu sai trái về quyền con người cũng như trong sự nghiệp chăm lo, bảo vệ, thúc đẩy và bảo đảm quyền con người trên thực tế là rất quan trọng và cần thiết. Vì vậy, quan điểm chỉ đạo công tác bảo đảm quyền con người ở Việt Nam và tầm nhìn đến năm 2030 được xác định theo hướng: Nhân dân là chủ thể của quyền và bảo đảm quyền con người là mục tiêu, động lực của sự nghiệp đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Quyền con người vừa có tính phổ biến vừa có tính đặc thù, đồng thời thể hiện ở tính nhân loại gắn với tính giai cấp và tính dân tộc. Quyền con người trong tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ là quyền bình đẳng, quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc mà còn bao gồm cả quyền làm chủ, quyền bình đẳng trước pháp luật, quyền được pháp luật bảo vệ, quyền đi lại, quyền cư trú, quyền công dân, quyền hôn nhân và xây dựng gia đình, quyền sở hữu tài sản.
 
Ở Việt Nam hiện nay, quyền con người được bảo đảm bằng chế độ dân chủ và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Điều kiện pháp lý cho công tác bảo đảm quyền con người tùy thuộc vào việc tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa với 5 đặc điểm: Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; thượng tôn Hiến pháp và pháp luật; sự bình đẳng của mọi người trong thụ hưởng và phát triển quyền, trước tiên và chủ yếu trong việc tham gia vào công tác quản lý Nhà nước và xã hội; sự cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật; bảo vệ công lý, quyền con người và công dân.
 
Để bảo đảm quyền con người ở Việt Nam, tầm nhìn đến năm 2030, thiết nghĩ cần chú ý sử dụng ngày càng phổ biến và sâu rộng cách tiếp cận dựa trên quyền con người trong hoạch định và triển khai đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Bảo đảm một cách thực tế các quyền con người, nhất là quyền sống, quyền phát triển và quyền của các nhóm yếu thế, trên cơ sở từng bước bảo đảm quyền con người một cách bình đẳng thực sự.
 
 HÀ PHÚC LÂM