Thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW, thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn. Tình hình trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, của người kinh doanh vận tải được nâng lên, hiệu lực quản lý nhà nước về giao thông vận tải được tăng cường, tai nạn giao thông được kiềm chế.
|
Hạ tầng giao thông được cải thiện đáng kể. |
•
XÂY DỰNG KẾ HOẠCH VÀ TỔ CHỨC TRIỂN KHAI ĐỒNG LOẠT
Sau khi Chỉ thị số 18-CT/TW được ban hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng đã xây dựng Kế hoạch số 57-KH/TU, ngày 1/11/2012 về thực hiện Chỉ thị số 18, trong đó chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội các cấp tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo đảm TTATGT, khắc phục ùn tắc giao thông trên địa bàn; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng, thường xuyên đến các cán bộ, đảng viên và Nhân dân về TTATGT. Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng ban hành các văn bản chỉ đạo đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị 18. Căn cứ tình hình thực tế, các sở, ngành, địa phương, đơn vị từ đó đã chủ động xây dựng và ban hành nhiều kế hoạch, công văn chỉ đạo thực hiện Chỉ thị này. Các thành ủy, huyện ủy, lãnh đạo, chỉ đạo UBND và ban an toàn giao thông (ATGT) các thành phố, huyện căn cứ hướng dẫn của Ban ATGT tỉnh và tình hình thực tế của địa phương để xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm triển khai đồng loạt và chú trọng đạt được hiệu quả, thiết thực.
Các cấp ủy cũng đã ban hành kế hoạch, tổ chức hội nghị quán triệt, tổ chức thực hiện Chỉ thị 18 đến các tổ chức cơ sở đảng. Theo số liệu thống kê 10 năm qua, Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật của tỉnh đã tổ chức được 45 hội nghị tập huấn pháp luật về TTATGT cho cán bộ công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên. Tổ chức được 8 hội thi lớn tìm hiểu kiến thức về ATGT cho học sinh, sinh viên, cán bộ công chức, viên chức và người lao động. Việc thực hiện Chỉ thị 18 thời gian qua cho thấy đã thật sự gắn trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu đối với nhiệm vụ đảm bảo TTATGT. Các cấp ủy đã chủ động chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp trọng tâm đảm bảo TTATGT theo tinh thần Chỉ thị 18 mà trọng tâm là nâng cao tinh thần trách nhiệm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về TTATGT. Nhận thức của đảng viên, cán bộ công chức, viên chức, cán bộ các lực lượng vũ trang, người lao động cũng từ đó được nâng lên.
•
CHÚ TRỌNG TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT
Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban ATGT tỉnh những năm qua cũng đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT; chủ động xây dựng các quy chế và kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATGT, bảo đảm việc tuyên truyền đến toàn bộ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân trong tỉnh. Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong việc đẩy mạnh các hoạt động bảo đảm TTATGT ở cơ sở, tạo khí thế mới trong hoạt động bảo đảm TTATGT. Chú trọng tuyên truyền theo chuyên đề như về nồng độ cồn, tải trọng phương tiện, tiêu chí về văn hóa giao thông, nghị định xử phạt trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đạo đức nghề nghiệp của người kinh doanh vận tải… Ngoài ra, các ban, ngành đã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp mở nhiều cuộc thi tìm hiểu các quy định của pháp luật về TTATGT như thi trên mạng internet, thi viết, thi băng hình, hội thi sân khấu hóa, tuyên truyền qua hệ thống loa phát thanh, xe loa lưu động, các trang mạng xã hội,…
Số liệu thống kê cho thấy, từ tháng 9/2012 đến tháng 6/2022, Công an tỉnh đã phối hợp các cơ quan truyền thông xây dựng 943 phóng sự, 1.213 tin bài về công tác đảm bảo TTATGT, phối hợp tổ chức 64 hội thi tuyên truyền pháp luật ATGT; thực hiện 2.969 buổi tuyên truyền trực tiếp cho 1.222.453 lượt người dân; tuyên truyền tại 313 trường học với 267.841 lượt học sinh, giáo viên tham gia; phát 503.561 tờ rơi, 17.988 cẩm nang ATGT, treo 1.546 băng rôn, 382 pano; trao tặng 1.250 mũ bảo hiểm đạt chuẩn, 350 áo phao. Tổ chức tuyên truyền cá biệt cho 3.804 thanh, thiếu niên quậy phá. Tổ chức kí cam kết đảm bảo TTATGT cho 3.280 cá nhân là chủ xe, lái xe vận tải đường bộ, 1.686 doanh nghiệp kinh doanh vận tải, 14.500 người dân, 44.383 học sinh, sinh viên, 59 lái tàu thuyền và 43 doanh nghiệp, chủ phương tiện thủy.
Ban ATGT tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo, Công an tỉnh, Tỉnh Đoàn cũng tích cực phối hợp, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác giáo dục ATGT cho các đối tượng là học sinh, sinh viên, đoàn viên, thanh niên; đưa giáo dục pháp luật về ATGT vào chương trình chính khóa trong các cấp học... Thực hiện tốt chủ đề ATGT hàng năm, với tinh thần “Tính mạng con người là trên hết”. Tỉnh Đoàn hàng năm còn chủ trì, phối hợp với Ban ATGT và các đơn vị thành viên tổ chức “Ngày hội Thanh niên với văn hóa giao thông”…
• CHÚ TRỌNG PHÁT TRIỂN KẾT CẤU HẠ TẦNG GIAO THÔNG
Lâm Đồng có 10 huyện và 2 thành phố, trong đó thành phố Đà Lạt là trung tâm chính trị, kinh tế, du lịch của tỉnh, thường xuyên tổ chức các hội nghị, lễ hội mang tầm vóc quốc gia, hàng năm thu hút lượng khách rất lớn trong và ngoài nước đến làm việc, tham quan, nghỉ dưỡng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, hoàn chỉnh quy hoạch giao thông và tổ chức thực hiện các quy hoạch được phê duyệt, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn, nhiều công trình giao thông trọng điểm, tuyến đường trục chính, đường đến các khu du lịch, đường liên huyện và đường giao thông nông thôn được đầu tư nâng cấp. Mạng lưới giao thông của tỉnh có đủ 4 hình thức vận tải đường bộ, đường hàng không, đường sắt, đường thủy nội địa, trong đó đường bộ đóng vai trò quan trọng nhất với tổng chiều dài là 9.517 km; được phân bố tương đối hợp lý, nối liền giữa trung tâm đến huyện, xã và các điểm tập trung dân cư, cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa, hành khách và nhu cầu đi lại của Nhân dân trong và ngoài tỉnh, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của đầu tư, xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn, trong thời gian qua, tỉnh đã chú trọng, ưu tiên các nguồn lực đầu tư phát triển khắc phục tình trạng kết cấu hạ tầng giao thông còn yếu và thiếu đồng bộ. Sở Giao thông Vận tải đã phối hợp với các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh hoàn thành các quy hoạch, chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh. Đồng thời xử lý kịp thời các “điểm đen”, vị trí tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông, nâng cao điều kiện ATGT trên các tuyến đường bộ trọng điểm, có lưu lượng phương tiện hoạt động lớn. Bên cạnh hạ tầng giao thông đối ngoại được đầu tư nâng cấp, giao thông đô thị được đầu tư, Lâm Đồng còn thực hiện tốt đề án phát triển đường giao thông nông thôn phục vụ Chương trình xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn tỉnh và đến năm 2020 toàn tỉnh đã cứng hóa 6.313 km (đạt tỉ lệ 84%), 100% số xã có đường nông thôn đến trung tâm xã.
NGUYỄN NGHĨA
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin