(LĐ online) - Chiều 11/8, tỉnh Lâm Đồng tổ chức hội nghị trực tuyến về công tác phòng chống dịch bệnh và tiêm vắc xin phòng Covid-19.
|
Các đại biểu tham dự hội nghị tại đầu cầu UBND tỉnh |
Chủ trì hội nghị tại đầu cầu UBND tỉnh có đồng chí Trần Đình Văn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Lâm Đồng và đồng chí Đặng Trí Dũng – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 tỉnh Lâm Đồng. Tham dự hội nghị có các thành viên Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh Covid-19 cấp tỉnh và huyện, thành phố; lãnh đạo Huyện ủy, Thành ủy, UBND các huyện, thành phố.
Tại hội nghị, Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng Nguyễn Đức Thuận đã đánh giá về công tác phòng chống dịch bệnh và tiêm vắc xin phòng Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Trong thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh đã tập trung chỉ đạo sát sao công tác phòng chống dịch và tiêm vắc xin phòng Covid-19.
Đến nay, tỉnh Lâm Đồng đã cơ bản kiểm soát tốt tình hình dịch Covid-19 cũng như các loại dịch bệnh khác; công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19 được triển khai tích cực, tỷ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 đạt tỷ lệ cao; các hoạt động đã trở lại trạng thái “bình thường mới”, tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả khởi sắc trong 7 tháng đầu năm 2022. Toàn tỉnh đã tiêm gần 4 triệu liều vắc xin phòng Covid-19, không để tình trạng vắc xin phải tiêu hủy.
|
Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng Nguyễn Đức Thuận đánh giá về công tác phòng chống dịch bệnh và tiêm vắc xin phòng Covid-19 |
Những kết quả đạt được là do sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, sự đồng lòng, ủng hộ của người dân. Tuy nhiên, công tác phòng chống dịch bệnh và tiêm vắc xin phòng Covid-19 trên địa bàn tỉnh vẫn tồn tại nhiều thách thức: Nước ta đã ghi nhận sự xuất hiện của biến chủng BA.5 trong cộng đồng (Lâm Đồng chưa ghi nhận biến chủng BA.5). Việc tiêm vắc xin chưa đảm bảo tiến độ đề ra theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhất là tiêm vắc xin mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên. Lâm Đồng tính đến hết ngày 3/8 tỷ lệ tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên xếp thứ 46 toàn quốc; tỷ lệ tiêm mũi 3 cho người từ 12 đến dưới 18 tuổi xếp thứ 9 toàn quốc; tỷ lệ tiêm liều cơ bản cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi xếp thứ 26 toàn quốc.
Do nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan; trong đó, nguyên nhân chủ quan trước hết là do công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn và tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành chưa thực sự quyết liệt; một bộ phận người dân còn lơ là, chủ quan mặc dù Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc thực hiện.
Ca bệnh sốt xuất huyết tăng cao so với cùng kỳ năm 2021 (tính đến ngày 9/8 đã ghi nhận 1.796 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 1.425 ca so với cùng kỳ năm 2021.
Hội nghị nghe ý kiến của lãnh đạo các địa phương trong tỉnh về những thuận lợi cũng như khó khăn vướng mắc trong công tác tổ chức triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19. Tình hình biến động dân số do di dân đến nơi khác lao động, làm việc, học tập, học sinh nghỉ hè về thăm quê ngoài tỉnh và sự chủ quan của người dân không tiếp tục tiêm vắc xin khi tình hình dịch Covid-19 đã tạm lắng…
Các biện pháp hiệu quả trong triển khai chiến dịch tiêm vắc xin từ cơ sở như: Tăng cường tuyên truyền vận động về lợi ích của việc tiêm vắc xin phòng Covid-19, phát trên loa đài kêu gọi người dân đi tiêm vắc xin; thống kê, rà soát lại dân số thực tế, các đối tượng chưa tiêm các mũi để có kế hoạch đề xuất phân bổ vắc xin phù hợp; không để vắc xin hết hạn phải hủy bỏ.
Trong đó, TP Đà Lạt là đơn vị có tỉ lệ tiêm vắc xin phòng Covid-19 đạt tỉ lệ cao ở các nhóm đối tượng theo quy định. Chủ tịch UBND TP Đà Lạt Tôn Thiện San cho biết kinh nghiệm của TP Đà Lạt đặt nhiệm vụ tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho Nhân dân là nhiệm vụ trọng tâm; giao chỉ tiêu về từng cơ sở xã, phường và đang tiếp tục tuyền truyền vận động Nhân dân tiêm đầy đủ các mũi theo quy định.
|
Đồng chí Trần Đình Văn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Lâm Đồng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị |
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Trần Đình Văn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng khẳng định: Thời gian qua các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân đã nỗ lực, cố gắng, khắc phục khó khăn, chủ động triển khai kịp thời nhiều chủ trương, giải pháp làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh.
Với sự nỗ lực chung, việc triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19, đến ngày 9/8, toàn tỉnh đã triển khai tiêm được trên 3,9 triệu liều vắc xin, đạt tỷ lệ 95,33%. Kết quả tiêm vắc xin đã góp phần quan trọng trong việc kiểm soát dịch bệnh, nhất là giảm thiểu tình trạng bệnh chuyển nặng, nhập viện và tử vong, tạo điều kiện để phục hồi phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.
Thường trực Tỉnh ủy ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực của các cấp, các ngành, nhất là các lực lượng trực tiếp tham gia chống dịch thời gian qua.
Để tiếp tục làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh và triển khai thực hiện tốt công tác tiêm vắc xin Covid-19 cho Nhân dân, đảm bảo mọi người dân được tiêm đủ liều vắc xin theo quy định của Bộ Y tế, Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội quán triệt đầy đủ, kịp thời, thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Trung ương, Ban Chỉ đạo Trung ương về công tác phòng chống dịch và tiêm vắc xin phòng Covid-19. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện song song cả hai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, xây dựng đảng, hệ thống chính trị và thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch Covid-19, các loại dịch bệnh nguy hiểm đang có nguy cơ cao hiện nay; tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, không để dịch bùng phát trở lại; thực hiện tốt phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh; tiếp tục quán triệt mục tiêu đặt tính mạng của người dân lên trên hết trước hết.
Kiểm soát dịch bệnh tốt sẽ tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội nhanh, ổn định và ngược lại. Do vậy, cần chỉ đạo triển khai quyết liệt các giải pháp đẩy mạnh công tác tiêm chủng đảm bảo không bỏ sót đối tượng cần tiêm, tăng tỷ lệ bao phủ vắc xin cho người dân; tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc triển khai tiêm chủng, không để tình trạng vắc xin không được sử dụng kịp thời, gây lãng phí.
Đây là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị. Đề nghị đồng chí Bí thư các Thành ủy, Huyện ủy cần đặc biệt quan tâm đến công tác này và chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kết quả công tác phòng chống dịch, kết quả tiêm vắc xin trên địa bàn quản lý.
Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 của tỉnh cần hoạt động tích cực hơn nữa, xác định rõ vấn đề cần ưu tiên tập trung hiện nay là chỉ đạo tăng tốc độ tiêm chủng cho các đối tượng (đối với trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi hoàn thành trong tháng 8 năm 2022 và đẩy nhanh tiêm mũi 3 cho trẻ từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế để đảm bảo điều kiện an toàn cho học sinh đến trường trong năm học mới). Hoàn thành sớm nhất việc tiêm mũi 3, mũi 4 cho người dân từ 18 tuổi trở lên. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19, nắm chắc tình hình nhất là sự xuất hiện biến thể mới của Covid-19, thường xuyên đánh giá, phân tích tình hình và các yếu tố nguy cơ; chủ động xây dựng kịch bản, phương án ứng phó và triển khai đáp ứng với mọi tình huống có thể xảy ra; đảm bảo đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, nhân lực cho công tác phòng chống dịch Covid-19 và phục vụ khám, chữa bệnh cho người dân.
Tăng cường công tác thông tin truyền thông, làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, nhận thức của người dân và các cấp, các ngành trong phòng, chống dịch; tập trung truyền thông về tiêm chủng cho các đối tượng nguy cơ cao, bệnh lý nền, người sống ở khu vực có tỷ lệ bao phủ vắc xin thấp, để người dân hiểu, đồng thuận và đi tiêm chủng kịp thời, đầy đủ nhằm đạt được hiệu quả phòng bệnh tốt nhất. Làm cho người dân hiểu tiêm vắc xin là quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân, với bản thân, gia đình và cộng đồng.
Phát huy vai trò của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, của lực lượng y tế, giáo dục trong vận động đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên tích cực tiêm vắc xin; tổ chức các đội tình nguyện tham gia hỗ trợ các lực lượng chức năng trong việc tiêm vắc xin cho người dân. Cùng với các giải pháp phòng chống dịch Covid-19 cũng cần tập trung phòng chống dịch sốt xuất huyết và các dịch bệnh truyền nhiễm lưu hành khác không để xảy ra tình trạng dịch chồng dịch.
|
Đồng chí Đặng Trí Dũng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 tỉnh Lâm Đồng kết luận hội nghị |
Đồng chí Đặng Trí Dũng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 tỉnh Lâm Đồng kết luận hội nghị đã chỉ đạo về nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới để duy trì thành quả phòng chống dịch Covid-19 đã đạt được, tăng cường công tác phòng chống các loại dịch bệnh và nhằm đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19, đảm bảo mọi người dân được tiêm đủ liều vắc xin theo quy định của Bộ Y tế.
Trong thời gian tới, các cấp, các ngành cần tiếp tục triển khai Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17/3/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình phòng chống dịch Covid-19; tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trước dịch bệnh; tiếp tục thực hiện mục tiêu kiểm soát dịch bệnh, không để dịch bùng phát trở lại; tập trung triển khai tiêm vắc xin bảo đảm tiến độ nhanh nhất có thể để bao phủ vắc xin phòng Covid-19.
Các sở, ngành có liên quan thực hiện ngay việc quán triệt và chỉ đạo đẩy nhanh hơn nữa việc tiêm vắc xin mũi 3, mũi 4 cho cán bộ, chiến sỹ, quân nhân, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên trong toàn ngành.
Các sở, ngành, địa phương, các cơ quan báo chí, truyền thông và hệ thống thông tin cơ sở đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để Nhân dân hiểu, chia sẻ và tích cực tham gia, ủng hộ công tác phòng chống dịch bệnh, nhất là thông tin về tác dụng, hiệu quả của vắc xin và tiêm các mũi 3, mũi 4 trong việc ngăn ngừa bệnh chuyển nặng, tử vong, vai trò của ý thức người dân, cảnh báo về mức độ nguy hiểm của các biến chủng mới...; các địa phương tổ chức các đội tuyên truyền, vận động tiêm vắc xin đến từng địa bàn dân cư “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng trường hợp”, tránh bỏ sót đối tượng để vận động Nhân dân đồng thuận đi tiêm và đưa con em mình đi tiêm vắc xin phòng Covid-19 kịp thời, đầy đủ theo lịch tiêm của ngành y tế.
Ngành y tế tăng cường công tác giám sát dịch bệnh, nhất là sự xuất hiện của các biến chủng mới; chủ động có giải pháp ứng phó với các dịch bệnh mới phát sinh; rà soát, bảo đảm năng lực thu dung, điều trị; chủ động, sẵn sàng các kịch bản, phương án đáp ứng các tình huống dịch bệnh, không để bất ngờ, bị động; phát hiện sớm, điều trị sớm, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển biến nặng, tử vong; tiếp tục tăng cường năng lực của hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở; tập trung phòng chống dịch sốt xuất huyết và các dịch bệnh truyền nhiễm lưu hành khác.
Tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương rà soát, thông báo số lượng các đối tượng thuộc diện phải tiêm để thực hiện tiêm theo quy định và tổng hợp, đề xuất với Bộ Y tế nhu cầu vắc xin phòng Covid-19 để bao phủ vắc xin trên địa bàn tỉnh, đồng thời có kế hoạch sử dụng vắc xin an toàn, khoa học, hiệu quả, đúng quy định. Tổ chức mua sắm, đấu thầu bảo đảm đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, nhân lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh và phục vụ khám, chữa bệnh cho Nhân dân.
UBND các huyện, thành phố quyết liệt chỉ đạo trực tiếp và chịu trách nhiệm trước lãnh đạo tỉnh nếu để xảy ra dịch và về kết quả tiêm vắc xin cho các đối tượng trên địa bàn. Giao chỉ tiêu và tiến độ thực hiện tiêm vắc xin đến từng xã, phường, thị trấn để đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin đảm bảo chỉ tiêu chung của toàn tỉnh theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, đặc biệt là hoàn thành tiêm vắc xin cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi trong tháng 8/2022.
AN NHIÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin