UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành Kế hoạch “Triển khai Chương trình Truyền thông về biển và đại dương đến năm 2030 trên địa bàn Lâm Đồng”.
Mục tiêu của Kế hoạch này là việc tăng cường công tác tuyên truyền về biển, đảo, thực hiện có hiệu quả Chương trình Truyền thông về biển và đại dương đến năm 2030 trên địa bàn Lâm Đồng để người dân hiểu đúng, đầy đủ và toàn diện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về biển, đảo, hướng đến phát triển bền vững kinh tế biển; hiểu vị trí, vai trò, tầm quan trọng của biển và đại dương đối với công cuộc phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Thông qua truyền thông nhằm củng cố niềm tin, tạo sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước trong sự nghiệp bảo vệ biển, đảo Tổ quốc và phát triển kinh tế biển; truyền cảm hứng, niềm tự hào cho các tầng lớp Nhân dân về biển, đảo quê hương, vận động người dân tích cực, chủ động tham gia các hoạt động bảo vệ biển và đại dương.
UBND tỉnh yêu cầu công tác truyền thông khi triển khai cần có trọng tâm, hiệu quả thống nhất từ tỉnh đến cơ sở, có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan và sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội cùng các tầng lớp Nhân dân. Trong truyền thông cần chú ý đổi mới nội dung, hình thức theo hướng thực chất, đồng bộ, hiện đại, đa phương tiện, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo, phù hợp với từng nhóm đối tượng và đặc điểm của từng ngành, từng địa phương.
Cụ thể, các cơ quan truyền thông trên địa bàn tỉnh cần triển khai các chương trình truyền thông về biển, đại dương và phát triển kinh tế biển thông qua nhiều hình thức. Với các cơ quan đơn vị, các địa phương trong tỉnh nên sử dụng cổng thông tin điện tử, các bản tin chuyên ngành, bản tin nội bộ của địa phương, đơn vị mình để tuyên truyền. Với cấp cơ sở có thể sử dụng hệ thống loa truyền thanh, áp phích, tranh cổ động, vận động dân trong các cuộc họp dân hay các hình thức hữu hiệu khác.
Trong truyền thông cần tập trung tuyên truyền chính sách và pháp luật liên quan đến biển, đảo (bao gồm cả hệ thống luật pháp quốc tế); vị trí, vai trò, tầm quan trọng của biển, đảo và đại dương đối với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước; quyền và lợi ích của Việt Nam trên biển Đông; tiềm năng, lợi thế và tình hình phát triển kinh tế biển Việt Nam hiện nay; gắn với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo vệ tài nguyên môi trường biển, đảo, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển các hệ sinh thái biển; đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển cùng các mục tiêu, giải pháp phát triển bền vững kinh tế biển theo tinh thần Nghị quyết số 36 của Trung ương về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045”.
Các ngành chức năng tỉnh hằng năm cần tổ chức các hoạt động, các sự kiện để hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảoViệt Nam, Ngày Đại dương thế giới, Ngày Môi trường thế giới; tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch hướng về biển, đảo quê hương, tăng cường kết nối hiệu quả giữa các địa phương nhằm thúc đẩy người dân tham gia các hoạt động về biển và đại dương, gắn với phát triển bền vững kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
UBND tỉnh yêu cầu các cơ sở giáo dục, trường học trong tỉnh lồng ghép nội dung tuyên truyền về biển và đại dương vào một số môn học chính khóa như lịch sử, địa lý, giáo dục công dân, quốc phòng và các hoạt động ngoại khóa phù hợp với các cấp học và trình độ đào tạo.
Ngành chức năng cũng cần tổ chức các chương trình, sự kiện, triển lãm, tổ chức các cuộc thi, hội thi thông tin đối ngoại về biển, đảo Việt Nam; kết hợp với tuyên truyền quảng bá hình ảnh tỉnh Lâm Đồng nói riêng, văn hóa con người Việt Nam nói chung cho du khách trong và ngoài nước. Tổ chức các các cuộc thi, hội thi tìm hiểu về biển và đại dương trong đoàn viên, thanh niên, sinh viên, học sinh; xây dựng chuyên đề tuyên truyền về biển và đại dương tại Bảo tàng Lâm Đồng; tổ chức tập huấn, phổ biến kiến thức, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ truyền thông về tình hình biển, đảo hoặc lồng ghép nội dung tuyên truyền về biển và đại dương, đặc biệt là kiến thức về các vấn đề pháp lý trong nước và quốc tế trong các hội nghị tập huấn có liên quan nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, chính trị cho đội ngũ làm báo, đội ngũ chuyên trách công tác truyền thông về biển, đảo, cán bộ thông tin ở cơ sở và cán bộ thông tin đối ngoại của tỉnh.
Cần theo dõi, xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc về vấn đề biển, đảo; đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam; thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động in phát hành trên địa bàn, đặc biệt là các ấn phẩm có nội dung xuyên tạc chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.
UBND tỉnh yêu cầu cần đẩy mạnh xã hội hóa công tác truyền thông, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội; phát huy vai trò các cơ quan truyền thông đại chúng, các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể và cộng đồng dân cư; phát huy trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp; kịp thời tuyên dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trong quá trình thực hiện chương trình này; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan trong hoạt động truyền thông, đặc biệt là vai trò của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên.
UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên - Môi trường chịu trách nhiệm làm đầu mối tiếp nhận, triển khai, phổ biến các tài liệu truyền thông với các cơ sở dữ liệu về biển và đại dương do Bộ Tài nguyên - Môi trường và các cơ quan liên quan xây dựng.
Các cơ quan truyền thông của tỉnh phối hợp với Sở Tài nguyên - Môi trường và các cơ quan liên quan nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm truyền thông chất lượng, đa nền tảng, đa phương thức thể hiện để người đọc, người nghe, người xem có thể tiếp cận và tương tác mọi lúc, mọi nơi…
GIA KHÁNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin