(LĐ online) - Ngày 29/9, Đoàn công tác Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực – Bộ Tư pháp do ông Nhâm Ngọc Hiển – Phó Cục trưởng làm trưởng đoàn đã đến khảo sát, đánh giá tình hình đăng ký hộ tịch cho nhóm dân cư yếu thế tại Đam Rông.
|
Toàn cảnh buổi làm việc của đoàn công tác Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực – Bộ Tư pháp làm việc tại huyện Đam Rông |
Làm việc với đoàn có đại diện Sở Tư pháp, Công an tỉnh, lãnh đạo huyện Đam Rông, các cơ quan, đơn vị liên quan và đại diện lãnh đạo xã Liêng S’rônh.
Theo báo cáo của UBND huyện Đam Rông, đến nay, dân số toàn huyện khoảng 11.964 hộ với 56.501 nhân khẩu; trong đó, có 5.667 hộ với 23.655 khẩu là người dân đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc di cư tự do vào địa bàn huyện Đam Rông sinh sống. Được sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo kịp thời của UBND tỉnh Lâm Đồng, đến nay, huyện Đam Rông đã quy hoạch, sắp xếp ổn định dân di cư tự do tại một số địa phương.
Cụ thể, tại thôn Đơng G’lê, xã Phi Liêng đã sắp xếp cho 150 hộ/755 nhân khẩu đăng ký thường trú, tạm trú sinh sống và sản xuất ổn định; tại Thôn 5, xã Rô Men có 183 hộ/1.072 nhân khẩu; tại Thôn 4, xã Rô Men có 70 hộ/446 nhân khẩu.
Đối với Dự án di dân tự do mới, UBND huyện đã trình HĐND huyện thông qua quy hoạch các đề án quy hoạch bố trí dân di cư tự do tại tiểu khu 179, khu vực Tây Sơn, xã Liêng S’rônh, dự án đang tiến hành triển khai; Dự án sắp xếp ổn định dân di cư tự do tại thôn Đạ M’bô, xã Liêng S’rônh được UBND tỉnh phê duyệt với diện tích 330,18 ha tổng mức đầu tư 84,34 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành dự án sẽ sắp xếp ổn định cuộc sống cho 200 hộ với 946 nhân khẩu dân di cư tự do.
Qua khảo sát thực tế, đến nay, huyện Đam Rông có 472 trường hợp là người đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi phía Bắc di cư tự do vào địa bàn huyện hiện không có giấy tờ tùy thân, chủ yếu là người dân tộc H’Mông đang cư trí tại các xã Phi Liêng, Liêng S’rônh và Rô Men.
Để giải quyết việc cấp giấy tờ tùy thân cho các trường hợp này, các đại biểu tham gia buổi làm việc đã tập trung thảo luận nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong việc cấp giấy tờ tùy thân cho đối tượng yếu thế. UBND huyện Đam Rông đã kiến nghị Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực - Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng có hướng dẫn cụ thể về nhưng trường hợp không có sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và các giấy tờ tùy thân khác đi đăng ký hộ tịch hoặc có cơ chế đặc thù để được đăng ký hộ tịch cho những trường hợp nêu trên.
Những vấn đề các đại biểu nêu lên đã được ông Nhâm Ngọc Hiển – Phó Cục trưởng, Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực – Bộ Tư pháp ghi nhận, tiếp thu, giải trình và tiếp tục xin ý kiến của các cơ quan có thẩm quyền trước khi có văn bản hướng dẫn, giải đáp các vấn đề liên quan đến đăng ký hộ tịch cho người yếu thế.
VĂN TÂM
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin