(LĐ online) - Sáng 20/9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S đã có buổi làm việc với huyện Đam Rông về kiểm tra công tác quản lý bảo vệ rừng, giải ngân nguồn vốn đầu tư công, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Đam Rông.
|
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S cùng đoàn công tác và lãnh đạo huyện Đam Rông kiểm tra thực tế rừng tại Tiểu khu 215 |
Tham dự buổi làm việc còn có các sở, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Công an tỉnh, Chi cục Kiểm lâm và đại diện lãnh đạo huyện Đam Rông.
Sau khi đi kiểm tra thực tế vụ chặt hạ rừng thông tại Tiểu khu 215, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S đã có buổi làm việc với lãnh đạo huyện Đam Rông. Theo báo cáo của UBND huyện Đam Rông, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng luôn được Huyện ủy, UBND huyện xác định là nhiệm vụ trọng tâm và quan tâm chỉ đạo sâu sát, quyết liệt.
Trong 9 tháng đầu năm 2022, các cơ quan chức năng huyện Đam Rông đã phát hiện và lập biên bản 30 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp (giảm 30 vụ tương ứng với giảm 50% về số vụ so với cùng kỳ năm 2021); tổng diện tích rừng bị thiệt hại trên 88.000 m2 (giảm 8.867 m2 tương ứng với giảm 9,15% so với cùng kỳ năm 2021), khối lượng lâm sản thiệt hại gần 184 m3 (giảm 49% so với cùng kỳ năm 2021).
Đến nay, huyện đã xử lý 27 vụ vi phạm; trong đó, đã xử lý hành chính 21 vụ và xử lý hình sự 6 vụ; thu nộp ngân sách 724,091 triệu đồng. Bên cạnh đó, trong 9 tháng đầu năm 2022, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp tổ chức ra quân đồng loạt trên toàn huyện triển khai thực hiện việc giải tỏa, thu hồi diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trồng cây công nghiệp, nông nghiệp dưới 3 năm với tổng diện tích đã giải tỏa 94,8 ha.
Về công tác trồng rừng, trong 9 tháng đầu năm các đơn vị chủ rừng đã trồng được trên 100 ha; trong đó, chủ rừng nhà nước trồng được 42,6 ha/129,5 ha rừng với số lượng 94.572 cây xanh, đạt 32,9% kế hoạch (trồng rừng thay thế 24,3 ha/53.946 cây, trồng rừng trên đất trống 6 ha/13.320 cây, trồng rừng sau giải tỏa 12,3 ha/27.306 cây; các đơn vị chủ rừng ngoài nhà nước trồng được 57,82 ha/71.360 cây). Cùng với công tác trồng rừng, đến nay trên địa bàn huyện cũng đã trồng được 406.702 cây xanh/515.000 cây, đạt 78,9% kế hoạch.
Nhìn chung, mặc dù công tác quản lý, bảo vệ rừng đã được UBND huyện tập trung chỉ đạo quyết liệt, tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp tuy giảm so với cùng kỳ nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp; số vụ vi phạm nổi cộm, có mức thiệt hại lớn vẫn ở mức cao; tình trạng mua bán, sang nhượng đất lâm nghiệp còn diễn ra khá phổ biến; việc xử lý hành chính đối với các đối tượng vi phạm là đồng bào dân tộc thiểu số rất khó khăn do đa số là hộ nghèo, cận nghèo không có tiền để nộp phạt, không có tài sản để cưỡng chế nộp phạt nên dẫn đến tác dụng răn đe, giáo dục chưa cao.
Về công tác giải ngân vốn đầu tư công, trong năm 2022, tổng mức vốn được phân bổ là hơn 233,1 tỷ đồng, đầu tư xây dựng 85 công trình, dự án. Tính đến ngày 19/9/2022, giá trị giải ngân các nguồn vốn được hơn 150,8 tỷ đồng đạt 64,70% so với kế hoạch vốn được giao. Bên cạnh đó, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 được kéo dài sang năm 2022 là gần 33,9 tỷ đồng, đầu tư xây dựng 4 công trình, dự án. Giá trị giải ngân các nguồn vốn được hơn 8 tỷ triệu đồng đạt 23,64% so với kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 được kéo dài sang năm 2022.
Trong quá trình thực hiện các công trình, dự án, địa phương gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Dự án Đường giao thông vào khu dân cư Liêng Trang 1, 2 và đường Tỉnh lộ 722 vào khu sản xuất Pớ Păng, xã Đạ Tông, được UBND tỉnh phê duyệt với tổng mức đầu tư là 38,25 tỷ đồng, được khởi công xây dựng năm 2021, với quy mô gồm 2 nhánh. Trong quá trình khảo sát thực hiện dự án, một số vị trí của tuyến đường giao thông vào khu dân cư Liêng Trang 1, 2 không có vật kiến trúc xây dựng (như nhà, sân, hàng rào...). Tuy nhiên, khi triển khai thi công thực hiện dự án, hiện trạng mặt bằng có sự thay đổi, một số hộ dân đã xây dựng nhà kiên cố trong phạm vi thực hiện dự án; phần nền đường do người dân tự mở trên đất ruộng, nền đất yếu nên phải xử lý móng nền đường…
|
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S chủ trì buổi làm việc |
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S đã ghi nhận những kết quả đạt được trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện Đam Rông thời gian qua. Tuy nhiên, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp còn diễn biến khá phức tạp, việc phát hiện ngay từ đầu còn nhiều hạn chế, công tác xử lý còn quá chậm và để vụ việc xảy ra kéo dài…
Trong thời gian tới, huyện Đam Rông và các đơn vị chủ rừng cần quán triệt Nghị quyết số 10 của Tỉnh ủy; chỉ đạo xử lý dứt điểm vụ phá rừng tại Tiểu khu 215. Đồng thời, tiếp tục rà soát diện tích đất lâm nghiệp để trồng rừng sau giải tỏa, rà soát diện tích đất trống để trồng rừng theo kế hoạch; tiếp tục tập trung triển hai việc điều chỉnh 3 loại rừng và xem đây là nhiệm vụ trọng tâm…
Bên cạnh đó, huyện Đam Rông cần tập trung kiểm tra các tiến độ thi công các công trình, đẩy nhanh tiến độ thực hiện công trình. Trong sản xuất nông nghiệp, cần tập trung chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất. Tiếp tục tập trung thu hút các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, thu hút các doanh nghiệp liên kết phát triển sản xuất, tạo ra các sản phẩm OCOP nhất là sầu riêng và cá tầm. Đồng thời, cần tiếp tục đẩy nhanh việc thực hiện các tiêu chí trong chương trình xây dựng nông thôn mới...
NDONG BRỪM
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin