Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả", Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt trong công tác triển khai và đạt được nhiều kết quả tích cực.
|
Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 18, Lâm Đồng đã tinh giản được 10% biên chế so với năm 2015. Ảnh: Bộ phận Một cửa UBND huyện Lâm Hà |
•
THỰC HIỆN ĐỒNG BỘ, QUYẾT LIỆT TỪ TỈNH ĐẾN CƠ SỞ
Ngay sau Hội nghị Trung ương 6 khoá XII, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận đã trực tiếp thông báo nhanh kết quả Hội nghị đến cán bộ chủ chốt từ tỉnh đến cơ sở; đồng thời chỉ đạo các cơ quan tham mưu, giúp việc của Tỉnh ủy tham mưu cấp ủy tổ chức quán triệt, học tập, tuyên truyền thực hiện Nghị quyết. Song song đó, lãnh đạo UBND tỉnh giao Sở Nội vụ tổ chức lớp tập huấn để quán triệt Nghị quyết số 18-NQ/TW cho lãnh đạo UBND các huyện, thành phố, các sở, ban, ngành của tỉnh.
Công tác triển khai chính thức bắt đầu từ ngày 8/2/2018. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh về học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) cho cán bộ chủ chốt từ tỉnh đến cơ sở, do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp quán triệt với 2.518 đại biểu tham dự tại 15 điểm cầu.
Trên cơ sở đó, các huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy tổ chức hội nghị quán triệt Nghị quyết đến cán bộ, đảng viên cơ sở. Toàn tỉnh đã tổ chức được 317 lớp cho 47.896 cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang, giáo viên, chức sắc tôn giáo tham dự, trong đó đảng viên tham gia đạt trên 95%.
Theo đánh giá, trong quá trình thực hiện, các cấp ủy, cơ quan, đơn vị đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo, bám sát các quy định mới về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, kịp thời rà soát, hoàn thiện các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan, đơn vị. Công tác chỉ đạo theo yêu cầu đảm bảo theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối cấp trung gian. Quá trình triển khai luôn chú trọng công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện để có những điều chỉnh kịp thời.
Đồng thời, các cấp ủy, cơ quan, đơn vị xác định rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân, nhất là người đứng đầu. Bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, liên thông, kết hợp hài hoà giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển, gắn đổi mới tổ chức bộ máy với đổi mới phương thức lãnh đạo, tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Qua đó, cơ cấu tổ chức bộ máy của các đơn vị sau sắp xếp đã sớm ổn định, từng bước đi vào hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Việc sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ, viên chức và người lao động, đặc biệt số cán bộ dôi dư được giải quyết bảo đảm bảo quyền lợi cho từng đối tượng nên hoạt động của các đơn vị sau sáp nhập, hợp nhất có nhiều chuyển biến tích cực. Cơ sở vật chất, trang thiết bị được quan tâm đầu tư.
• THU GỌN ĐẦU MỐI, GIẢM 10% BIÊN CHẾ
Tỉnh ủy Lâm Đồng nhận định, thời gian qua các cấp ủy, tổ chức Đảng đã sắp xếp, kiện toàn một số phòng, ban, cơ quan chuyên môn, thực hiện thí điểm một số mô hình mới, chức danh kiêm nhiệm, giảm một số đầu mối, giảm lãnh đạo cấp trưởng, phó một số cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp công lập cũng như sắp xếp hợp lý một số đơn vị hành chính cấp xã. Việc sáp nhập thôn, tổ dân phố,... theo đúng tinh thần Nghị quyết, Kế hoạch đề ra.
Những kết quả nổi bật qua 5 năm thực hiện phải kể đến đó là Lâm Đồng đã thực hiện tinh giản được 10% biên chế so với năm 2015. Cụ thể, khối Đảng, đoàn thể năm 2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành các quyết định điều chỉnh Đề án vị trí việc làm, trong đó phê duyệt cho các địa phương, cơ quan, đơn vị là 1.203 biên chế. Giai đoạn 2016-2021 đã tinh giản 179 biên chế, đạt tỷ lệ 12,95% so với biên chế được giao năm 2015. Khối Nhà nước biên chế công chức được cấp có thẩm quyền giao cho địa phương năm 2021 là 2.502 biên chế, giảm 282 biên chế, tương ứng giảm 10% so với năm 2015.
Đối với viêc sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, đã tiến hành giảm Sở Ngoại vụ. Cấp phòng, ban và tương đương thuộc các cơ quan cấp tỉnh giảm 67 tổ chức so với năm 2017. Cấp huyện giảm 11 phòng, ban so với năm 2017. Giảm số lượng lãnh đạo, quản lý các cơ quan, đơn vị, tổ chức hành chính đối với cấp huyện 162 người so với năm 2017 và cấp tỉnh giảm 171 người. Đơn vị sự nghiệp công lập giảm 400 người (cấp trưởng 135 người, cấp phó 265 người).
Hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH, Văn phòng HĐND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh thành Văn phòng Đoàn ĐBQH - HĐND và UBND tỉnh. Thành lập Cơ quan Khối Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội huyện tại 3 địa phương, gồm: Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Lâm Hà.
Thực hiện thí điểm kiêm nhiệm chức danh Trưởng Ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện tại 9/12 huyện, thành ủy. Sắp xếp, thu gọn hợp lý các đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định về quy mô dân số, diện tích tự nhiên và giảm số lượng thôn, tổ dân phố, giảm 5 đơn vị hành chính cấp xã. Cùng đó đã sắp xếp, sáp nhập 318 thôn, tổ dân phố để hình thành mới 153 thôn, tổ dân phố và đổi tên 12 thôn (giảm 165 thôn, tổ dân phố). Hiện còn 1.376 thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh...
Tỉnh ủy Lâm Đồng nhận định, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện cũng gặp một số khuyết điểm, hạn chế nhất định cần triệt để khắc phục trong thời giai tới. Điển hình như các mô hình thí điểm chưa có tiền lệ, thiếu cơ sở pháp lý và các văn bản liên quan đến tài chính. Việc thực hiện kiêm nhiệm các chức danh bước đầu gặp một số khó khăn do các cơ quan độc lập, khối lượng công việc nhiều, do đó việc chỉ đạo thực hiện, cũng như việc kiểm tra, giám sát gặp khó khăn. Và thực tế cho thấy một số cấp ủy chưa mạnh dạn thực hiện kiêm nhiệm chức danh và mô hình mới. Việc hợp nhất có nơi mang tính cơ học, chỉ giảm đầu mối, giảm được biên chế, nhưng chưa thực sự khoa học, một số mục tiêu chưa đạt yêu cầu đề ra...
C.THÀNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin