Sau 20 năm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh trên địa bàn huyện Đức Trọng đã đạt được những kết quả nổi bật trong lĩnh vực dân tộc.
|
Trao quyết định khởi công xây dựng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo người DTTS xã Phú Hội |
Huyện Đức Trọng có 14 xã và thị trấn Liên Nghĩa, với 139 thôn, tổ dân phố. Dân số huyện có 192.180 khẩu; trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) có 63.439 người, chiếm tỉ lệ 33,4%, với 20 DTTS cùng sinh sống xen kẽ, tạo nên bản sắc văn hóa phong phú và đa dạng.
Theo UBND huyện Đức Trọng, những năm qua, Thường trực Huyện ủy, HĐND, UBND luôn coi trọng việc xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, khơi dậy, phát huy tiềm năng của đồng bào các dân tộc đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển bền vững của địa phương. Huyện đã triển khai tốt các chính sách của Đảng và Nhà nước; đồng thời, có nhiều chủ trương, biện pháp phát triển kinh tế, chăm lo đời sống Nhân dân, đặc biệt là các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách; tăng cường công tác dân tộc, tôn giáo. Hệ thống chính trị của huyện không ngừng được củng cố, tăng cường; công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được tiến hành thường xuyên; bộ máy chính quyền các cấp ngày càng phát huy dân chủ, tăng cường trách nhiệm, tinh thần phục vụ Nhân dân. MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đã tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động thiết thực hơn, đã động viên, thu hút được đông đảo các tầng lớp Nhân dân tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước. Điển hình như các phong trào: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”... Kết quả của các phong trào, cuộc vận động lớn đã góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc; góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, tăng cường tiềm lực quốc phòng trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc.
Cùng đó, việc tập hợp các tầng lớp Nhân dân của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội được mở rộng; nội dung, phương thức hoạt động không ngừng đổi mới, hướng mạnh về cơ sở, đáp ứng ngày càng tốt hơn nguyện vọng, quyền lợi chính đáng của đoàn viên, hội viên; vai trò giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân được phát huy. Quyền làm chủ của Nhân dân được tăng cường, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, góp phần động viên các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh Nhân dân vững chắc.
Có thể thấy, qua 20 năm triển khai, thực hiện Nghị quyết 23, nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, các ban, ngành, đoàn thể, đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, chức sắc các tôn giáo cũng như toàn thể Nhân dân huyện Đức Trọng đã có nhiều chuyển biến tích cực, từ đó phát huy được sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc, đạt được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Hệ thống chính trị được củng cố và kiện toàn, an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; kinh tế phát triển ổn định; kết cấu cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư, xây dựng, bộ mặt nông thôn ngày càng được khởi sắc; các lĩnh vực y tế, giáo dục, các hoạt động văn hóa, thể thao không ngừng phát triển, người dân được tiếp cận và hưởng thụ các chính sách an sinh xã hội, qua đó đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo giảm.
Huyện đã thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách bình đẳng, đoàn kết, tương trợ nhau cùng phát triển trong cộng đồng các dân tộc. Đồng bào DTTS được hưởng đầy đủ các quyền lợi của công dân Việt Nam, các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, giáo dục, y tế, văn hóa xã hội được quan tâm thực hiện. Tổ chức lồng ghép các chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững, Chương trình Nông thôn mới vào Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS; chú trọng phát huy vị thế, vai trò của người có uy tín trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Nhờ vậy, tình hình kinh tế xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào DTTS được đảm bảo, đời sống người dân ngày một cải thiện. Thu nhập bình quân vùng đồng bào DTTS đã tăng 52,7%, từ 28,21 triệu đồng/năm vào năm 2016 lên 43,1 triệu đồng/năm vào năm 2021; tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm 54% từ 674 hộ vào năm 2016 xuống còn 437 hộ vào năm 2021.
Đến nay, toàn huyện có 14/14 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 7 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao theo Bộ tiêu chí nông thôn mới của tỉnh, gồm các xã: Tân Hội, Tân Thành, Ninh Loan, Đà Loan, Hiệp Thạnh, Ninh Gia, Bình Thạnh. Huyện chỉ đạo các xã tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới đã đạt, xây dựng kế hoạch thực hiện Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025.
NHẬT MINH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin