Hội nghị trực tuyến về kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia

08:10, 18/10/2022
(LĐ online) - Ngày 18/10, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) chủ trì Hội nghị trực tuyến về kết quả thực hiện các chương trình MTQG và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm từ nay đến cuối năm 2022. 
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S chủ trì Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lâm Đồng
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S chủ trì Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lâm Đồng
 
Tham dự tại điểm cầu tỉnh có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S – Phó Trưởng Ban chỉ đạo các chương trình MTQG tỉnh Lâm Đồng cùng lãnh đạo các sở ngành liên quan đến công tác thực hiện các chương trình MTQG.
 
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, cho biết: Đây là phiên thứ 2 Chính phủ họp với 63 tỉnh thành và Ban Chỉ đạo. 3 chương trình MTQG gồm: Xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi;  xóa đói giảm nghèo bền vững đã triển khai rất quyết liệt để thực hiện các nghị quyết của Quốc hội. Đến nay, đã hoàn thành hầu như toàn bộ cơ sở pháp lý để triển khai 3 chương trình MTQG (68/73 văn bản), phần nguồn vốn cũng đã được phân bổ đến các tỉnh thành… Các tỉnh thành cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo các chương trình MTQG. Tuy nhiên, việc giải ngân và triển khai còn chậm với nhiều lý do. 
 
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về kết quả thực hiện các chương trình MQTG, cho biết: Cơ sở thực hiện các chương trình MTQG gồm 68/73 văn bản, cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao (93% nhiệm vụ được giao). 52/52 địa phương được phân bổ ngân sách Trung ương đã có quyết định giao kế hoạch vốn thực hiện 3 chương trình MTQG cho các cơ quan, đơn vị, cấp trực thuộc; 63/63 địa phương đã kiện toàn Ban Chỉ đạo cấp tỉnh. Kế hoạch phân bổ nguồn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 còn lại của 3 chương trình MTQG là gần 100.000 tỷ đồng.
 
Tuy nhiên, tính đến ngày 30/9/2022, tổng vốn đầu tư phát triển thực hiện các chương trình MTQG mới giải ngân được khoảng 926,831 tỷ đồng, đạt khoảng 3,86% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao và chỉ có tỉnh Tây Ninh giải ngân nguồn vốn ngân sách Trung ương đạt trên 50%; một số tỉnh đạt trên 20% là: Lạng Sơn (26,1%), Hậu Giang (21,5%), Hà Nam (39,1%), Vĩnh Long (47,57%)…
 
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ ra những khó khăn, vướng mắc làm chậm triển khai các chương trình MTQG là: Tiến độ xây dựng, trình ban hành và ban hành các văn bản quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình MTQG theo thẩm quyền của các bộ, cơ quan Trung ương còn chậm; việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng tại các cấp ở các địa phương chưa hoàn thành; việc điều chỉnh phân bổ kinh phí sự nghiệp năm 2022 của 2 chương trình (Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình Giảm nghèo bền vững) theo chỉ tiêu giao chi tiết kinh phí sự nghiệp của Bộ Tài chính làm chậm tiến độ phân bổ, giao dự toán kinh phí sự nghiệp và triển khai các chương trình MTQG tại các địa phương…
 
Lãnh đạo các sở, ngành liên quan công tác thực hiện các chương trình MTQG tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lâm Đồng
Lãnh đạo các sở, ngành liên quan công tác thực hiện các chương trình MTQG tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lâm Đồng
 
Tại Hội nghị, các địa phương có tiến độ giải ngân vốn tốt chia sẻ kinh nghiệm và các giải pháp thực hiện; đồng thời, các địa phương thực hiện chưa tốt nêu những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện giải ngân… Hội nghị cũng đề ra các giải pháp và kiến nghị lên Ban Chỉ đạo Trung ương các nội dung để công tác triển khai thực hiện các chương trình MTQG trong 3 tháng cuối năm 2022.
 
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh cảnh báo: Cùng với giải ngân đầu tư công thì giải ngân các chương trình MTQG vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra. Đây là sức ép rất lớn đối với các bộ, ngành và địa phương. Vì vậy đề nghị các bộ, ngành trong tháng 10 này phải xây dựng hoàn thành và ban hành 5 văn bản hướng dẫn để các địa phương triển khai các chương trình MTQG.
 
* Tại Lâm Đồng, tổng số vốn phân bổ cho 3 Chương trình MTQG năm 2022 là 408.417 triệu đồng; trong đó, ngân sách Trung ương là 241.821 triệu đồng, đối ứng ngân sách địa phương là 166.596 triệu đồng. Giải ngân đến ngày 15/10/2022 đạt 100,7 triệu đồng (24,7% kế hoạch) từ nguồn ngân sách tỉnh - đạt 60,4% kế hoạch. Ngân sách Trung ương chưa giải ngân do công tác phân bổ, giao kế hoạch vốn ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình MTQG Trung ương giao chậm; việc phân bổ vốn phải thực hiện theo đúng Luật Ngân sách, Luật Đầu tư và các quy định khác có liên quan, nên phần nào đã ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân.
 
UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã tổ chức 2 hội nghị triển khai kế hoạch thực hiên 3 chương trình MTQG và đẩy nhanh công tác giải ngân vốn; chủ động đi làm việc với 12 huyện, thành phố để nắm bắt tình hình, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, nhằm phấn đấu đến ngày 31/01/2023  giải ngân 100% vốn được giao.
 
LÊ HOA