Hội thảo Đánh giá, phân tích và đề xuất giải pháp nâng cao các chỉ số PAR Index, SIPAS và PCI của tỉnh Lâm Đồng

07:10, 20/10/2022
(LĐ online) - Ngày 20/10, tại TP Đà Lạt, UBND tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức Hội thảo Đánh giá, phân tích và đề xuất giải pháp nâng cao các chỉ số PAR Index, SIPAS và PCI của tỉnh Lâm Đồng.
 
Ông Phạm Minh Hùng - Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo CCHC Chính phủ, Vụ trưởng Vụ CCHC Bộ Nội vụ phát biểu tại Hội thảo
Ông Phạm Minh Hùng - Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo CCHC Chính phủ, Vụ trưởng Vụ CCHC Bộ Nội vụ phát biểu tại Hội thảo
 
Tham dự Hội thảo có ông Phạm Minh Hùng - Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Cải cách Hành chính (CCHC) Chính phủ, Vụ trưởng Vụ CCHC Bộ Nội vụ; ông Trương Đức Trọng - Chuyên gia Dự án PCI, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
 
Về phía Lâm Đồng có ông Trần Văn Hiệp - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, lãnh đạo các sở ban ngành của tỉnh, lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lâm Đồng, lãnh đạo các huyện, thành trong tỉnh cùng đông đảo đại biểu là cán bộ, công chức, viên chức đang công tác trong lĩnh vực CCHC của tỉnh. 
 
PAR Index (là cụm từ viết tắt của Public Administration Reform Index) - Chỉ số CCHC - được dùng để xác định theo dõi, đánh giá hoạt động CCHC trong nước từ trung ương đến địa phương hiện nay; SIPAS (Satisfaction Index of Public Administrative Services) - Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước; còn PCI (Provincial Competitiveness Index) - Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, là chỉ số do các doanh nghiệp đánh giá về chất lượng điều hành kinh tế và mức độ tạo thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh tại địa phương.
 
Lãnh đạo tỉnh tặng hoa cho các đại biểu nữ tham dự Hội thảo nhân ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam
Lãnh đạo tỉnh tặng hoa cho các đại biểu nữ tham dự Hội thảo nhân ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam
 
Hội thảo đã nghe ông Phạm Minh Hùng - Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo CCHC Chính phủ, Vụ trưởng Vụ CCHC Bộ Nội vụ đánh giá, phân tích cũng như đề xuất các giải pháp nâng cao chỉ số PAR Index và SIPAS của tỉnh Lâm Đồng hiện nay. Ông Hùng đã đưa ra nhiều kiến nghị như Lâm Đồng cần tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo điều hành CCHC, triển khai các giải pháp cụ thể để khắc phục những hạn chế yếu kém đã chỉ ra trong các báo cáo về PAR Index và SIPAS của năm 2021; tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp; chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức một cửa các cấp, nhất là ở cấp xã, phường; tăng cường công tác thông tin, truyền thông; tăng cường công tác giao lưu, học tập kinh nghiệm của các địa phương khác trong nước. 
 
Hội thảo cũng nghe phát biểu đánh giá Chỉ số PCI của ông Trương Đức Trọng - Chuyên gia Dự án PCI, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong đó ông kiến nghị tỉnh cần tiếp tục rà soát lại môi trường kinh doanh theo từng lĩnh vực; tăng cường công khai minh bạch thông tin của tỉnh trên các trang thông tin điện tử; tạo quỹ đất sạch cho doanh nghiệp; tăng cường đối thoại doanh nghiệp; xây dựng chính quyền thân thiện, năng động; thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số; đồng thời, tham khảo các mô hình tốt trong nước để áp dụng phù hợp với điều kiện địa phương.
 
Hội thảo cũng nghe ý kiến, tham luận của nhiều sở, ngành, địa phương về các giải pháp khắc phục, nâng cao chỉ số CCHC của đơn vị mình trong thời gian đến.
 
Phát biểu kết luận Hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp đã yêu cầu tất cả các cấp, các ngành trong tỉnh trong những tháng cuối năm nay cần đẩy mạnh việc thực hiện các giải pháp khắc phục các hạn chế, tồn tại đã chỉ ra trong chỉ số CCHC năm 2021 của cơ quan, đơn vị mình; tăng cường thúc đẩy giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính, hồ sơ đúng và trước hạn theo qui định nhằm tăng chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp. 
 
Tặng Bằng khen của tỉnh cho 6 đơn vị dẫn đầu chỉ số CCHC của tỉnh năm 2021
Tặng Bằng khen của tỉnh cho 6 đơn vị dẫn đầu chỉ số CCHC của tỉnh năm 2021
 
Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương cần chủ động nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong CCHC, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu; tăng cường công khai minh bạch thông tin đến người dân, doanh nghiệp; tăng cường đối thoại để hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cơ quan nhà nước; tăng cường kiểm soát các đơn vị sử dụng ngân sách; chú ý đến công tác xúc tiến, kết nối thương mại trong những tháng cuối năm nay.
 
Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh đã tặng bằng khen cho 6 đơn vị dẫn đầu về chỉ số CCHC của tỉnh năm 2021; trong đó, có 3 đơn vị dẫn đầu khối sở ngành của tỉnh là Sở Công thương, Sở Tài chính, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch; 3 địa phương dẫn đầu cấp huyện, thành là huyện Đạ Tẻh, TP Đà Lạt và huyện Đức Trọng. 
 
VIẾT TRỌNG