Lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người trẻ ở cơ sở

02:10, 14/10/2022
Tại 3 xã Đầm Ròn của huyện Đam Rông nói chung và xã Đạ Tông nói riêng, có một thực tế đang tồn tại: Sau khi hoàn thành chương trình học phổ thông, thay vì lựa chọn tiếp con đường thi vào các trường đại học, cao đẳng hay tìm đến các tỉnh, thành phố lớn để làm việc thì nhiều thanh niên, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) lại lựa chọn con đường lấy vợ, lấy chồng, sinh con với suy nghĩ gắn bó với mảnh vườn, thửa ruộng ít ỏi nơi quê nhà...
 
Thường trực Đảng ủy xã Đạ Tông xuống các thôn, buôn để tổ chức gặp gỡ, tiếp xúc với thanh niên, quần chúng ưu tú
Thường trực Đảng ủy xã Đạ Tông xuống các thôn, buôn để tổ chức gặp gỡ, tiếp xúc với thanh niên, quần chúng ưu tú
 
•  NGƯỜI TRẺ CẦN ĐƯỢC KHƠI GỢI TIỀM NĂNG
 
Mỗi lần về huyện Đam Rông, có dịp vào vùng 3 xã Đầm Ròn (Đạ Long, Đạ Tông, Đạ M’rông) công tác, chúng tôi lại dễ dàng bắt gặp cảnh từng tốp thanh niên đi trên đường, hay tụ tập ở một gia đình trò chuyện. Khác với khung cảnh vắng vẻ, thiếu vắng thanh niên ở các huyện phía Nam như Đạ Tẻh, Cát Tiên, người trẻ ở nơi đây lựa chọn ở lại nông thôn khá nhiều. 
 
Bí thư Đảng ủy xã Đạ Tông - ông Hoàng Mạnh Huỳnh chia sẻ rằng, ngay chính bản thân ông cũng không thể lý giải hết được vì sao nhiều người trẻ ở Đạ Tông lại chọn ở lại quê hương đến vậy? Bởi, nếu nói họ ở lại để gắn bó, xây dựng quê hương thì không đúng. Vì nhiều năm qua, địa phương chỉ ghi nhận vài trường hợp thanh niên điển hình tiên tiến để chọn lọc bồi dưỡng, đào tạo nguồn cán bộ. Còn nếu họ lựa chọn ở lại để phát triển kinh tế thì lại càng không. 
 
Theo ông Hoàng Mạnh Huỳnh, xã Đạ Tông sau hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới đã phần nào phản ánh bức tranh đời sống đồng bào DTTS trong xã hiện nay. Chương trình Nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững đã từng bước cải thiện, nâng cao đời sống đồng bào, làm thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông thôn theo hướng văn minh. Nhưng suy cho cùng, Đạ Tông nói riêng và ba xã Đầm Ròn nói chung đều là khu vực thuần nông, quỹ đất nông nghiệp tuy còn nhiều, nhưng trừ các diện tích cà phê đang canh tác ổn định thì còn lại đa phần khó canh tác, một số ít diện tích được người dân trồng lúa và trồng dâu nuôi tằm, chỉ làm vài ba buổi là hết việc. Bên cạnh đó, xã Đạ Tông gần như không có nghề gì đặc thù. Định hướng là có thể phát triển kinh tế nông nghiệp trang trại nhưng lại khó khăn về vốn. Trong khi đó, xã lại có nguồn nhân lực đang trong thời kỳ sung sức của tuổi lao động lại tương đối dồi dào. 
 
Sinh ra và lớn lên ngay tại mảnh đất quê hương của mình, anh Liêng Hót Ngát - Bí thư Đoàn Thanh niên xã Đạ Tông cho biết, đa số các thanh niên, nhất là người đồng bào DTTS như anh ngay từ lúc còn bé cho đến khi trưởng thành còn mang trong mình sự rụt rè và cả phần nào đó là sự tự ti về trình độ khi ra ngoài xã hội. Chính vì vậy, sau khi học hết các chương trình phổ thông, thay vì lựa chọn học tiếp lên cao, hay tìm đến các tỉnh, thành phố lớn để xin việc và học hỏi kinh nghiệm thì họ chọn ở lại quê hương, chấp nhận thu mình trong cái “vỏ kén” để được bao bọc, che chở sau những “lũy tre làng”. Do đó, những người trẻ nói chung và thanh niên đồng bào DTTS tại xã Đạ Tông nói riêng rất cần được khơi dậy tinh thần thi đua học tập, rèn luyện; xây dựng ước mơ, hoài bão, ý chí, khát vọng vươn lên lập thân, lập nghiệp; đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển quê hương. 
 
•  XUỐNG CƠ SỞ, LẮNG NGHE NGƯỜI TRẺ
 
Trong suốt 6 tháng qua, đều đặn mỗi tháng hai lần, ôngHoàng Mạnh Huỳnh - Bí thư Đảng ủy và ông Nguyễn Văn Huy - Phó Bí thư Đảng ủy cùng đại diện lãnh đạo UBND xã Đạ Tông lại xuống các thôn, buôn để tổ chức chương trình gặp gỡ, tiếp xúc giữa Bí thư Đảng ủy với thanh niên, quần chúng ưu tú tại địa phương. Đây là một mô hình làm dân vận khéo mới, được Đảng ủy xã Đạ Tông triển khai nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 03-NQ/HU, ngày 14/5/2021 của Ban Thường vụ Huyện ủy Đam Rông về tăng cường công tác phát triển đảng viên ở khu dân cư và xây dựng chi bộ nông thôn bền vững, có cấp ủy, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Qua đó, giúp Đảng ủy xã Đạ Tông từng bước nắm bắt được tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng, sự biểu biết về Đảng và tổ chức Đảng tại địa phương của thanh niên, quần chúng ưu tú; khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên. Đồng thời, tạo chuyển biến tích cực, toàn diện trong hoạt động giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, quần chúng ưu tú tại thôn, buôn; góp phần xây dựng thế hệ thanh niên có đạo đức trong sáng, lối sống văn hóa, tuân thủ pháp luật, bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định lý tưởng cách mạng; có trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và xã hội, có kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp, tay nghề cao.
 
Ông Nguyễn Văn Huy cho biết, qua các cuộc đối thoại được tổ chức tại 8 thôn, buôn trên địa bàn xã, đã có 560 lượt đoàn viên, thanh niên và quần chúng ưu tú tham dự, đóng góp với gần 60 lượt ý kiến, liên quan đến các vấn đề của địa phương như giải quyết việc làm, các hủ tục trong thách cưới, tảo hôn, nguồn vốn khởi nghiệp… Từ đó, Đảng ủy xã Đạ Tông đã có những định hướng, chỉ đạo và đưa ra các giải pháp phù hợp nhằm động viên, cổ vũ đoàn viên, thanh niên, cán bộ trẻ và quần chúng ưu tú tích cực phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của mình trong thực hiện nhiệm vụ công tác hội, đoàn thể. 
 
Mặt khác, để cổ vũ cho thanh niên địa phương thêm phần tự tin, vươn xa lập nghiệp, Đảng ủy xã Đạ Tông cũng đã chỉ đạo cho Đoàn Thanh niên xã đã lập nhóm Zalo “Thanh niên Đạ Tông” kết nối với hơn 100 thành viên là con em người địa phương đang sinh sống và làm việc tại các tỉnh, thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… Đây là diễn đàn để các thành viên trong nhóm chia sẻ cơ hội việc làm, hướng dẫn kinh nghiệm làm việc, qua đó thúc đẩy thanh niên, nhất là người đồng bào DTTS thêm tự tin hội nhập với các môi trường xã hội khác nhau. 
 
Trong thời gian đến, Đảng ủy xã Đạ Tông sẽ tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng hoạt động trong công tác dân vận. Qua đó, tạo sự chuyển biến thực sự trong nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng và cả hệ thống chính trị đối với công tác dân vận của Đảng theo hướng thiết thực, gắn bó mật thiết với cuộc sống Nhân dân; lấy chất lượng cuộc sống, sự hài lòng và tín nhiệm của Nhân dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng của các chính sách, năng lực, uy tín của mỗi cấp ủy, tổ chức Đảng tại địa phương. 
 
HOÀNG SA