Theo Đại sứ Đặng Hoàng Giang, vị thế quốc tế của Việt Nam đã gắn liền với những đóng góp tích cực, trách nhiệm, thực chất của chúng ta vào công việc chung của cộng đồng quốc tế, nhất là LHQ.
|
Đại sứ Đặng Hoàng Giang (bên trái) và Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres. (Ảnh: TTXVN phát) |
Nhận lời mời của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres sắp có chuyến thăm chính thức đầu tiên đến Việt Nam từ ngày 21-22/10.
Phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc đã phỏng vấn Đại sứ Đặng Hoàng Giang, trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc về quan hệ Việt Nam-Liên hợp quốc trong 45 năm qua nhân sự kiện này.
- Thưa Đại sứ, chuyến thăm chính thức Việt Nam sắp tới của Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh Việt Nam kỷ niệm 45 năm gia nhập Liên hợp quốc (1977-2022)?
Đại sứ Đặng Hoàng Giang: Chuyến thăm Việt Nam của Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres diễn ra trong bối cảnh công việc của Liên hợp quốc đang rất bộn bề.
Chuyến thăm có ý nghĩa hết sức quan trọng, thể hiện thông điệp mạnh mẽ về sự coi trọng của Liên hợp quốc đối với vai trò, vị thế quốc tế và đóng góp của Việt Nam cũng như quan hệ đối tác Việt Nam-Liên hợp quốc.
Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động như hiện nay, Liên hợp quốc ngày càng có vai trò lớn hơn trong việc duy trì hòa bình ổn định toàn cầu, thúc đẩy luật pháp quốc tế, ứng phó với các thách thức an ninh bức thiết.
Tổng Thư ký Guterres cũng đang thúc đẩy nhiều chương trình nghị sự, đề xuất quan trọng, có thể tạo thêm định hướng lâu dài cho sự phát triển của Liên hợp quốc và công việc của các nước thành viên trong những năm tới, như quá trình chuẩn bị Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai dự kiến vào năm 2024.
Với các trao đổi của các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước ta với Tổng Thư ký, các hoạt động phong phú, đa dạng trong chuyến thăm, quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai bên sẽ được tăng cường, đi sâu và thực chất hơn nữa, qua đó thúc đẩy các vấn đề cùng quan tâm như triển khai các Mục tiêu Phát triển bền vững, đặc biệt là trong bảo vệ môi trường, các chương trình giảm thiểu hệ quả và thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời tạo thêm cơ sở để Việt Nam có thể có những đóng góp tích cực hơn nữa trong các nỗ lực của quốc tế nhằm xử lý các thách thức toàn cầu, vì hoà bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới.
- Xin Đại sứ đánh giá hiệu quả hợp tác giữa Việt Nam và Liên hợp quốc trong 45 năm Việt Nam là thành viên của Liên hợp quốc?
Đại sứ Đặng Hoàng Giang: Việt Nam chính thức trở thành thành viên Liên hợp quốc vào ngày 20/9/1977, sau khi giành được độc lập, thống nhất.
Trong những năm đầu tham gia tổ chức quốc tế lớn nhất toàn cầu này, chúng ta đã góp phần tích cực cùng các nước bạn bè, các nước đang phát triển cùng đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc và phát triển, vì xây dựng một trật tự quốc tế công bằng, bình đẳng hơn.
|
Đoàn Việt Nam tham dự phiên họp bỏ phiếu và công bố kết quả thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025.. Ảnh: TTXVN phát |
Tuy nhiên, do nhiều khó khăn của giai đoạn đầu tái thiết đất nước sau chiến tranh, chúng ta còn chưa có nhiều điều kiện tham gia sâu hơn vào các chương trình, kế hoạch lớn của Liên hợp quốc. Khi đó, Liên hợp quốc là đối tác hỗ trợ quốc tế lớn nhất cho ta, với nhiều dự án hỗ trợ nhiều mặt về xóa đói giảm nghèo, bảo đảm cuộc sống của người dân.
Dần dần, với những thành tựu lớn trong tiến trình đổi mới, phát triển kinh tế-xã hội cũng như hội nhập quốc tế, Việt Nam khẳng định được hơn vị thế của mình trên trường quốc tế.
Đến nay, chúng ta đã có quan hệ ngoại giao với gần 190 nước thành viên Liên hợp quốc, có quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với tất cả các đối tác quan trọng hàng đầu.
Và hơn nữa, vị thế quốc tế của Việt Nam đã gắn liền với những đóng góp tích cực, trách nhiệm, thực chất của chúng ta vào công việc chung của cộng đồng quốc tế, nhất là Liên hợp quốc.
Trong những năm qua, chúng ta đã ứng cử thành công và qua đó có cơ hội tham gia thảo luận, thúc đẩy các giải pháp chung của quốc tế trong các lĩnh vực, cơ chế quan trọng tại các cơ quan Liên hợp quốc như Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (UNSC) hai nhiệm kỳ 2008-2009 và 2020-2021, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (HRC) nhiệm kỳ 2014-2016, Hội đồng Kinh tế - Xã hội (ECOSOC) nhiệm kỳ 2016-2018, các cơ quan liên quan của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), Ủy ban Luật pháp quốc tế (ILC) nhiệm kỳ 2017-2021 và 2023-2027.
Từ năm 2014, Việt Nam bắt đầu cử lực lượng tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Mới đây, Việt Nam được các nước tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch Đại Hội đồng Khóa 77 (2022-2023) và thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025.
Với những sự tham gia có chất lượng đó, chúng ta đã khẳng định được rằng Việt Nam ngày nay không chỉ thực sự nghiêm túc, sẵn sàng là đối tác tin cậy, xây dựng, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, mà còn có đủ năng lực chuyên môn, có nguồn lực, có đội ngũ cán bộ xứng tầm, để có thể gánh vác những trọng trách, cùng đóng góp chung vào các nỗ lực của quốc tế trong ứng phó với các vấn đề chung.
Chúng ta cũng góp phần đề cao chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy cách tiếp cận tập thể. Đây là những vấn đề rất có ý nghĩa, được các nước coi trọng trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều phức tạp, cạnh tranh, khác biệt như thời gian gần đây và cả trong thời gian tới.
Những kết quả quan trọng đó vừa giúp khẳng định hơn những thành tựu phát triển của đất nước trong những năm qua, vừa tạo thêm cơ sở để chúng ta có sự tham gia sâu rộng hơn vào các công việc chung của khu vực và quốc tế trong thời gian tới.
Điều này cũng đóng góp vào thành tựu chung của đối ngoại trong việc thực hiện mục tiêu bao trùm là bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc, tranh thủ các nguồn lực cho sự phát triển hơn nữa của đất nước.
- Theo Đại sứ, chúng ta cần định hướng những gì trong thời gian tới để có thể tiếp tục duy trì xu hướng hợp tác hiệu quả, tích cực với Liên hợp quốc?
Đại sứ Đặng Hoàng Giang: Đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng XIII và Chỉ thị 25 của Ban Bí thư năm 2018 về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đã xác định rõ việc nỗ lực vươn lên đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt hoặc hoà giải tại các diễn đàn, tổ chức đa phương có tầm quan trọng chiến lược đối với đất nước.
Tiến trình này sẽ không thể thiếu những nỗ lực tại Liên hợp quốc. Mặt khác, tình hình thế giới và khu vực đang diễn biễn phức tạp, nhiều vấn đề toàn cầu ngày càng bức thiết, như biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, xung đột.
Bối cảnh và chủ trương đó, cùng với việc tiềm lực và vị thế của đất nước tiếp tục được nâng cao, vừa đòi hỏi vừa tạo điều kiện cho chúng ta tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa, tạo thêm những bước chuyển về chất cho quan hệ Việt Nam - Liên hợp quốc và tham gia của ta tại diễn đàn đa phương lớn nhất thế giới này.
Bên cạnh việc cùng các nước tiếp tục đề cao chủ nghĩa đa phương, vai trò của Liên hợp quốc, ta sẽ tích cực đóng góp vào các nỗ lực của Liên hợp quốc, các nước thành viên trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, nhất là trong các vấn đề trực tiếp liên quan khu vực.
Việc ta tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc cũng sẽ tiếp tục được mở rộng tại các địa bàn khác nhau có triển khai các Phái bộ của Liên hợp quốc.
Các hội nghị, diễn đàn quốc tế quan trọng tại Liên hợp quốc cũng sẽ là một trọng tâm lớn nhất là các hội nghị với chương trình nghị sự rộng rãi, có nhiều tác động tới các nước thành viên, ví dụ như Hội nghị Thượng đỉnh tương lai (dự kiến cuối năm 2024), Hội nghị thượng đỉnh giữa kỳ kiểm điểm việc thực hiện Chương trình nghị sự về phát triển bền vững (9/2023) hay Hội nghị Thượng đỉnh về nước (3/2023). Việt Nam cũng đang cùng nhóm các nước nòng cốt chuẩn bị một Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc về nâng cao khả năng ứng phó với các đại dịch của thế giới. Chúng ta cũng sẽ nỗ lực để phát huy các cơ hội qua việc tham gia Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025.
Việt Nam sẽ phát huy vai trò tích cực hơn nữa trong thúc đẩy việc thực hiện các chương trình nghị sự quan trọng như thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững, thúc đẩy các cam kết mạnh mẽ hơn và thực hiện các cam kết đã có về ứng phó với biến đổi khí hậu.
Việc tham gia các lĩnh vực quan trọng nêu trên cũng nhằm mục tiêu tranh thủ thêm các nguồn lực, ủng hộ, hỗ trợ quý báu của quốc tế đối với việc thực hiện phát triển bền vững của đất nước./.
(Theo Vietnam+)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin