Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân

06:10, 06/10/2022
Trong các giai đoạn lịch sử, ngành Y tế luôn nỗ lực để hoàn thành tốt sứ mệnh cao cả của mình, đó là chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân. Thời gian vừa qua, đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ và người lao động ngành Y tế đã có nỗ lực lớn, làm nòng cốt trong phòng, chống dịch COVID-19, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nước ta đã cơ bản khống chế dịch, làm tiền đề để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Tại hội nghị trực tuyến "Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững" diễn ra cuối tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Đảng, Nhà nước và Nhân dân không bao giờ quên những vất vả, hi sinh và sự cống hiến thầm lặng, hết mình, không mệt mỏi của đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế trong suốt thời gian chống dịch. Trong những thành tựu quan trọng của đất nước thời gian qua có sự đóng góp không nhỏ của ngành Y tế”.
 
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hệ thống thể chế, chính sách đối với ngành Y tế còn bất cập; y tế cơ sở, y tế dự phòng chưa đáp ứng yêu cầu; chế độ đãi ngộ đối với cán bộ y tế còn chưa phù hợp, đời sống một bộ phận cán bộ y tế còn khó khăn; tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế ở một số bệnh viện, địa phương chưa được xử lý dứt điểm; giải ngân đầu tư công trong lĩnh vực y tế còn chậm. Cùng với đó, dịch COVID-19 tiếp tục có diễn biến phức tạp; dịch sốt xuất huyết bùng phát tại nhiều tỉnh, thành phố; nguy cơ xâm nhập của các bệnh dịch nguy hiểm mới nổi như bệnh đậu mùa khỉ, viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân... dẫn đến nguy cơ “dịch chồng dịch”... Đó là những thách thức không chỉ đối với ngành Y tế mà với cả hệ thống chính trị. 
 
Chính vì vậy, ngày 20/9 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16 về nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân, chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững. Trong đó, yêu cầu triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình Phòng, chống dịch COVID-19 và các nội dung về y tế trong Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; chủ động, sẵn sàng cho mọi tình huống, không để dịch bệnh bùng phát trở lại. Tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về y tế trên cơ sở bám sát thực tiễn, phát hiện nhanh các vấn đề phát sinh và kịp thời điều chỉnh quy định của pháp luật có liên quan. Mạnh dạn đề xuất, áp dụng thí điểm các cơ chế, chính sách mới cho phù hợp.
 
Cùng với đó, thực hiện việc mua sắm, đấu thầu đúng quy định để đảm bảo đủ thuốc và vật tư y tế; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; nâng cao năng lực ngành Y tế, đặc biệt là hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng; thúc đẩy việc nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, nhất là về thuốc, vắc xin, sinh phẩm; đẩy mạnh chuyển đổi số và cải cách hành chính…
 
Đặc biệt, đối với đội ngũ cán bộ y tế - nhân tố quyết định trong công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân, cần tiếp tục đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết. Làm việc phải thực chất, hiệu quả, vì Nhân dân phục vụ. Khắc ghi và hành động theo lời dạy của Bác Hồ và 12 điều y đức; không ngừng trau dồi kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ, làm giàu y lý, nâng cao y thuật. Nhưng đi đôi với điều đó, các cấp, ngành, địa phương và cả xã hội cũng cần quan tâm, động viên, chia sẻ để đội ngũ y, bác sĩ vượt qua áp lực, khó khăn, gắn bó với công việc. Con số gần 9.700 nhân viên y tế (trong đó có hơn 3.000 bác sĩ) xin thôi việc chỉ trong vòng 18 tháng thực sự là điều để chúng ta suy nghĩ và lưu tâm. 
 
Công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân, nòng cốt là ngành Y tế, nhưng cũng là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Vì vậy, các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm đầu tư, dành nhiều thời gian và nguồn lực hơn, tích cực hỗ trợ, phối hợp với ngành Y tế. Có như vậy, chúng ta mới đạt được các mục tiêu mà Đảng, Nhà nước đã đề ra, góp phần bảo đảm an sinh, an toàn xã hội và phát triển bền vững đất nước.
 
NAM VIÊN