(LĐ online) - Luật Đất đai là công cụ pháp lý quan trọng để Nhà nước quản lý, điều tiết các vấn đề liên quan đến đất đai.
Thi hành Luật Đất đai năm 2013 đã giúp Đảng và Nhà nước ta thực hiện được các chủ trương, chính sách về đất đai đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, chính trong thực tiễn triển khai này, Luật Đất đai năm 2013 cũng đã bộc lộ những bất cập nhất định, dẫn đến việc thực thi pháp luật về đất đai còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý - sử dụng đất đai, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân như: Giá đất hiện tại không phù hợp với giá thị trường; về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Luật Đất đai và các văn bản quy phạm pháp luật chưa quy định, nhưng thực tiễn có phát sinh… Bởi vậy, cần sửa đổi, bổ sung Luật để phù hợp với thực tiễn.
Tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Đất đai; đồng thời nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai là nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng pháp luật trong nhiệm kỳ với tinh thần vì lợi ích quốc gia, dân tộc, cộng đồng, doanh nghiệp, người dân.
Ấy vậy mà ngay sau đó, Đài Á Châu tự do (RFA) đã đăng bài viết “Sửa Luật Đất đai: Thị trường tiến, Đảng Cộng sản lùi” với giọng điệu xuyên tạc: “Quá trình sửa đổi chính sách, pháp luật Luật Đất đai đang phản ánh rõ nét đặc trưng “Thị trường tiến, Đảng Cộng sản lùi” và, đằng sau xu hướng chuyển đổi sang thị trường là sự thay đổi khó khăn về sở hữu, từ công hữu - nền tảng của chế độ Đảng Cộng sản tập quyền và tư hữu - nền tảng của nguyên tắc thị trường. Tất cả các lần sửa đổi Luật Đất đai đều bị ràng buộc bởi chế độ sở hữu mang tính nguyên tắc của Đảng Cộng sản cầm quyền”… Chúng còn cho rằng: “Điểm nghẽn nghiêm trọng là khâu thực thi khiến lĩnh vực đất đai ngày càng rối loạn và lan sang cả nền kinh tế, gây ra bất ổn thể chế”.
Rõ ràng với giọng điệu trên nhằm kích động, lèo lái dư luận, cố tình bóp méo về chính sách đất đai của Việt Nam; âm mưu phá hoại quá trình sửa đổi toàn diện Luật Đất đai của chúng ta. Vì vậy, chúng ta phải sáng suốt nhìn nhận đúng sự thật, chứ không có chuyện “Sửa Luật Đất đai - Thị trường tiến, Đảng Cộng sản lùi” như RFA đề cập.
Xin nói thêm, sau khi Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII ban hành Nghị quyết 18 về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao" với mục tiêu để nguồn lực đất đai tiếp tục được sử dụng đúng giá trị, công khai, minh bạch, phù hợp với thực tế ở Việt Nam.
Ngay lập tức RFA đã đăng bài viết xuyên tạc về chính sách đất đai của Việt Nam “Vì sao dân chỉ được quyền sử dụng mà không được quyền sở hữu”. Chúng đưa ra luận điệu: Chính sách về đất đai này đã gây ra bao hệ lụy, oan ức cho người dân từ mấy chục năm qua…
Phải khẳng định: Đây là lời lẽ của những người không có lợi ích liên quan, thậm chí hằn học với chế độ, nhưng lại vờ quan tâm, lo cho quyền lợi của người dân, đưa ra những phát ngôn vô căn cứ, rồi xuyên tạc, chỉ trích nhưng không bao giờ có giải pháp, mà nếu có thì cũng chẳng khả thi, để từ đó, lợi dụng kích động đám đông, mưu toan phá vỡ ổn định chính trị - xã hội, làm chậm lại sự phát triển của đất nước.
Nhìn lại lịch sử đất nước, có thể thấy rõ, trong từng giai đoạn lịch sử, kể từ Cách mạng tháng Tám 1945 cho đến nay, với sự ra đời của Luật Đất đai 1987 đến Luật Đất đai 1993, Luật Đất đai 2003 và Luật Đất đai 2013, chính sách pháp luật về đất đai luôn luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm hoàn thiện.
Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII đã ban hành Nghị quyết 18-NQ/TW nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế về đất đai. Đây được coi như một cơ sở chính trị quan trọng giúp nhiều vấn đề sẽ được giải quyết như đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số; bảo đảm được quỹ đất cho các chương trình nhà ở xã hội; thực hiện chính sách ưu đãi về tài chính đất đai cho vùng sâu, vùng xa, địa bàn đặc biệt khó khăn; giải quyết được những khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất tôn giáo.
Và việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Đất đai là vô cùng cần thiết. Bởi, sửa đổi Luật Đất đai là nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV.
Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã yêu cầu sửa đổi, bổ sung các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn nhưng phải đảm bảo tính tổng thể, chiến lược lâu dài, tuyệt đối tránh hợp thức hóa các vi phạm hiện nay. Quá trình thực hiện, tiếp tục lấy ý kiến về dự án Luật, tiếp nhận các thông tin, ý kiến phản biện với tinh thần cầu thị, thực hiện tốt công tác truyền thông nhằm tạo sự đồng thuận rộng rãi trong xã hội. Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, nhất là các vấn đề phức tạp như quy hoạch sử dụng đất, tài chính đất đai, giá đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, cơ sở dữ liệu đất đai, ngân hàng đất nông nghiệp… để xây dựng các quy định phù hợp với chuẩn mực quốc tế và điều kiện của Việt Nam…
Sửa đổi Luật Đất đai hiện hành là việc vô cùng hệ trọng và rất khó khăn, cần huy động sức mạnh cả nước, trí tuệ toàn dân, thực hiện kỹ lưỡng, bài bản, khoa học mới có thể bảo đảm xây dựng luật thiết thực, hiện quả. Sửa Luật Đất đai phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao và để Nhà nước, tư nhân đều không thể làm sai và không còn sợ sai.
Được biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chốt thời gian lấy ý kiến Nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trong khoảng từ tháng 1 - 2/2023.
HỒNG VĨNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin