Quy định phân cấp quản lý, bổ nhiệm cán bộ có nhiều điểm mới

07:10, 05/10/2022
(LĐ online) - Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 80-QĐ/TW ngày 18/8/2022, thay thế Quy định 105 ngày 19/12/2017 về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử. Quy định này điều chỉnh, bổ sung thêm nhiều nội dung mới, rõ ràng, cụ thể, sát với thực tiễn và bảo đảm chặt chẽ, dân chủ, công khai, minh bạch. 
 
Quy định 80-QĐ/TW của Bộ Chính trị gồm 6 chương, 34 điều. Nội dung Quy định gồm: Phân cấp quản lý cán bộ; bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; bổ nhiệm lại, giới thiệu tái cử; điều động và biệt phái cán bộ; điều khoản thi hành. Quy định 80 cơ bản kế thừa nội dung của Quy định 105 nhưng được sắp xếp, kết cấu lại theo các chương, điều, mục hợp lý, logic, chặt chẽ hơn và điều chỉnh, bổ sung nhiều điểm mới.
 
Quy định số 80-QĐ/TW của Bộ Chính trị đề ra mục đích, yêu cầu là: Tiếp tục cụ thể hoá các chủ trương, nghị quyết của Đảng; bảo đảm chặt chẽ, dân chủ, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ. Bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất, tổng thể, liên thông trong công tác cán bộ của hệ thống chính trị; đánh giá cán bộ khách quan, công tâm; lựa chọn và bố trí đúng cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng; nâng cao hiệu quả công tác quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Việc Bộ Chính trị ban hành quy định mới một lần nữa thể hiện nguyên tắc Đảng lãnh đạo toàn diện công tác cán bộ, để công tác cán bộ được tiến hành một cách dân chủ, công khai, minh bạch; phân cấp, phân quyền quản lý để phát huy trí tuệ tập thể và trách nhiệm của các cấp trong việc bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử vào các chức danh đảm bảo đúng người, đúng việc.
 
So với Quy định 105 của Bộ Chính trị ban hành năm 2017, Quy định 80 đã điều chỉnh, bổ sung nhiều điểm mới sát hợp với tình hình thực tế và phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược trong giai đoạn mới; trong đó, có những vấn đề lâu nay luôn được dư luận quan tâm theo dõi. Chẳng hạn như: Việc Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, bầu các chức danh chủ chốt của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội; việc bổ nhiệm, đề bạt cán bộ; vấn đề trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan đề xuất, thẩm định, quyết định cán bộ… Đây là những vấn đề hệ trọng trong công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng. Bài viết này chỉ đề cập đơn cử một số điểm mới rất được dư luân quan tâm. 
 
Thứ nhất, Quy định 80 lần này đã bổ sung, mở rộng và cụ thể hóa trách nhiệm, quyền hạn của Bộ Chính trị về các vấn đề: Trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, bầu các chức danh chủ chốt của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội; quyết định đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, tái cử, chỉ định, điều động, luân chuyển, biệt phái cán bộ; quyết định việc phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng; cho thôi giữ chức vụ; tạm đình chỉ, đình chỉ chức vụ, cho từ chức, miễn nhiệm, cách chức; khen thưởng, kỷ luật; thực hiện chế độ, chính sách đối với các chức danh cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý; lãnh đạo Đảng đoàn Quốc hội trong việc giới thiệu nhân sự, phê chuẩn, miễn nhiệm hoặc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; uỷ quyền cho Ban Tổ chức Trung ương phê duyệt quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (trừ các đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng, gồm cả dự khuyết). Quy định như vậy là chặt chẽ, rõ ràng, cụ thể và sát thực tế hơn; qua đó khắc phục được những lỗ hổng trước đây, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt tiêu biểu, có tâm, có tầm; điều mà Nhân dân lâu nay vẫn mong muốn.
 
Thứ hai, vấn đề bổ nhiệm cán bộ, một công việc dễ nẩy sinh tiêu cực, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền. Để khắc phục, Quy định 80 có nhiều bổ sung mới, đơn cử như: Quy định 105 nêu 5 điều kiện, còn Quy định 80 tăng thêm 2 điều kiện: Cán bộ được giới thiệu từ nguồn nhân sự tại chỗ phải được quy hoạch vào chức danh bổ nhiệm hoặc chức danh tương đương trở lên, đối với nhân sự từ nguồn ở bên ngoài phải được quy hoạch chức danh tương đương trở lên; có thời gian giữ chức vụ đang đảm nhiệm hoặc chức vụ tương đương ít nhất là 2 năm. Việc bổ sung hai điều kiện này kỳ vọng sẽ khắc phục được tình trạng cán bộ “chín non, chín ép”. Quy định như vậy là rất hợp lý và được cán bộ, Nhân dân đồng tình, ủng hộ, vì sẽ tránh được tình trạng “cán bộ tráng men”, luân chuyển vài tháng, hoặc 1 năm rồi chuyển đi, phần lớn là giữ cương vị cao hơn. 
 
Bổ sung cụ thể thủ tục bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử chức danh thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử vào chức vụ cao hơn, trong đó nêu rõ 8 tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử chức vụ cao hơn (Điều 18). 
 
Quy trình bổ nhiêm, giới thiệu cán bộ ứng cử nêu rõ quy trình của hai nguồn nhân sự là nguồn cán bộ tại chỗ và nguồn cán bộ ở nơi khác. Theo đó, nguồn nhân sự tại chỗ thực hiện 5 bước; nguồn cán bộ ở nơi khác thực hiện 3 bước. Mỗi bước đều được tiến hành chặt chẽ, dân chủ, công khai, minh bạch. 
 
Quy định 105 trước đây, cán bộ bị kỷ luật từ khiển trách trở lên thì trong vòng 1 năm không được giới thiệu ứng cử, bổ nhiệm; đảng viên bị kỷ luật cách chức thì trong vòng 1 năm kể từ ngày có quyết định không được bầu vào cấp uỷ, không chỉ định, bổ nhiệm các chức vụ tương đương và cao hơn. Còn Quy định 80 hiện nay đã nêu rõ việc cán bộ bị kỷ luật thì không phân công, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử vào chức vụ cao hơn chức vụ khi bị kỷ luật trong khoảng thời gian như sau (tính từ ngày ký quyết định kỷ luật): 12 tháng đối với hình thức kỷ luật khiển trách; 30 tháng đối với hình thức kỷ luật cảnh cáo; 60 tháng đối với hình thức kỷ luật cách chức. Quy định như vậy rất chặt chẽ, cụ thể đối với từng mức độ bị kỷ luật và kéo dài thời gian không được bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử vào chức vụ cao hơn.
 
Thứ ba, tình trạng cán bộ không đủ tiêu chuẩn, thậm chí không ít cán bộ vi phạm Điều lệ Đảng, vi phạm pháp luật vẫn được bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo, quản lý, nhưng khi phát hiện thì không ai chịu trách nhiệm, gây bất bình, bức xúc trong đảng viên và Nhân dân. Để khắc phục điều này, Quy định 80 đã nêu trách nhiệm, quyền hạn cụ thể của phía đề xuất, thẩm đinh, quyết định. Theo đó, cá nhân, tập thể đề xuất; cơ quan thẩm định; tập thể quyết định cán bộ theo thẩm quyền phải chịu trách nhiệm về đề nghị, thẩm định, quyết định của mình. Quy định như vậy là chặt chẽ, sẽ ngăn chặn được tình trạng trách nhiệm tập thể, rốt cục không ai chịu trách nhiệm; do đó, nhiều người được giao nhiệm vụ, nhất là người đứng đầu đã lợi dụng để mưu cầu lợi ích cá nhân.
 
Thứ tư, vấn đề bổ nhiệm lại, biệt phái cán bộ cũng có một số điều chỉnh, bổ sung cụ thể hơn; trong đó, đáng chú ý là cán bộ không được bổ nhiệm lại, giới thiệu tái cử thì cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc bố trí công tác khác theo nguyên tắc không được bố trí chức vụ tương đương hoặc cao hơn; cán bộ biệt phái có thời gian nhiều nhất là 3 năm. 
 
Ngoài một số điểm đơn cử nêu trên, trong các chương mục của Quy định 80 còn có nhiều điểm mới khác cần phải nghiên cứu, quán triệt đầy đủ, thấu đáo để triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả. 
 
Việc ban hành Quy định 80 về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử lần này sẽ bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất, tổng thể, liên thông trong công tác cán bộ của hệ thống chính trị; đánh giá cán bộ khách quan, công tâm; lựa chọn và bố trí đúng cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Quy định có nhiều điểm mới, đòi hỏi các cấp ủy, tổ chức Đảng cần phải quán triệt đầy đủ, nghiêm túc nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất cao; tổ chức chỉ đạo thực hiện có hiệu quả. Nếu làm tốt sẽ góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
 
LINH NHÂN