Đội tình nguyện áo trắng mang biệt danh 007

05:10, 13/10/2022
Trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, thực hiện lời kêu gọi của Đảng và Chính phủ “Chống dịch như chống giặc”, những chiến sĩ áo trắng lớp lớp lên đường sát cánh cùng lực lượng quân đội, công an đi vào các tâm dịch ở các địa phương, hoàn thành sứ mệnh bảo vệ sức khỏe Nhân dân, bảo vệ cộng đồng. Nhiều mô hình, nhiều con người đã xả thân vì lẽ sống, vì sự nghiệp, vì sự vinh quang của Tổ quốc, trong đó có 7 “chiến sĩ áo trắng” của Trung tâm Y tế Di Linh mà chúng tôi yêu mến đặt cho biệt danh 007. 
 
Đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng tại Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 1
Đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng tại Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 1
 
Trước tình hình làn sóng thứ tư của đại dịch COVID-19 càn quét cả thế giới, Việt Nam cũng là nước gánh chịu nặng nề, nhất là các tâm dịch TP Hồ Chí Minh và Bình Dương. Không ai có thể hình dung, TP Hồ Chí Minh - biểu tượng đô thị năng động với hệ thống y tế mạnh nhất cả nước lại trở thành mặt trận khốc liệt nhất. Trước tình hình đó, ngày 20/8/2021, UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo thực hiện khẩn Công văn 5766 ngày 19/8/2021 của Văn phòng Chính phủ về việc hỗ trợ nhân lực y tế cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam phòng, chống dịch COVID-19. Sau khi nhận được chỉ đạo của cấp trên, cũng ngày 20/8/2021, Sở Y tế Lâm Đồng đã ban hành Công văn 2316 cử nhân lực hỗ trợ phòng, chống dịch tại TP Hồ Chí Minh. 
 
Hưởng ứng những lời kêu gọi đó, Đảng ủy, Ban chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện Di Linh nhận thấy tính cấp thiết của nhiệm vụ, đã tổ chức họp khẩn và thống nhất với đề xuất vận động, kêu gọi nhân viên tình nguyện xung phong lên tuyến đầu phòng, chống dịch. Trong tình huống cấp bách, đồng chí Bí thư Đảng ủy - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Di Linh đại diện cho Ban chỉ đạo đứng ra vừa vận động, kêu gọi vừa tâm sự với toàn thể nhân viên: “Chúng ta ở đây dịch còn kiểm soát được, bản thân địa phương cũng đang rất khó khăn, gian khổ. Tuy nhiên, ở các nơi khác hiện tại tình hình dịch bệnh rất phức tạp, hằng ngày có cả trăm người chết, cả ngàn người nhiễm bệnh. Những nhân viên y tế cùng lực lượng bộ đội, công an các nơi đang oằn mình chống dịch. Những người dân nơi tâm dịch đang rất cần sự chăm sóc của nhân viên y tế. Nhân dân vùng tâm dịch cần chúng ta, đồng nghiệp ở vùng tâm dịch đang ngóng chờ sự chi viện, sự chia sẽ của chúng ta. Do đó, Đảng ủy, Ban lãnh đạo kêu gọi các anh chị em hãy xung phong, phát huy tinh thần của người thầy thuốc lên đường chi viện cho các tỉnh bạn, cứu người là cứu mình. Nếu các bạn đi các bạn hoàn thành nhiệm vụ, nay mai các bạn về địa phương không chỉ thực hiên được sứ mệnh của người thầy thuốc mà còn sẽ học được lượng kiến thức lớn mà không thể học được qua sách vở. Các bạn cũng chính là những người đem những kinh nghiệm quý giá đó về phục vụ, thực hiện công tác phòng, chống dịch rất hiệu quả tại địa phương của chúng ta”. 
 
Đội ngũ nhân viên y tế cùng bệnh nhân đã được điều trị hết bệnh COVID-19
Đội ngũ nhân viên y tế cùng bệnh nhân đã được điều trị hết bệnh COVID-19
 
Sau lời kêu gọi đó, chưa đầy một tiếng đồng hồ đã có rất nhiều y, bác sĩ, điều dưỡng xung phong lên đường chi viện cho các địa phương. Họ lên đường theo tiếng gọi của trái tim và lòng nhân ái, tràn đầy trách nhiệm. Tuy nhiên, theo yêu cầu của Sở Y tế, đợt này Trung tâm Y tế huyện Di Linh chỉ cử 7 tình nguyện viên lên đường (2 bác sĩ, 5 điều dưỡng) đi hỗ trợ và cũng là đơn vị tuyến huyện duy nhất tham gia cùng các đơn vị tuyến tỉnh của ngành Y tế Lâm Đồng chi viện cho Bệnh viện dã chiến số 1 tại Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh. Đội tình nguyện của Trung tâm lên đường làm nhiệm vụ gồm 2 bác sĩ: K’Binh, Moock Djacklin và 5 điều dưỡng: Phạm Tiến Thành, Phạm Thị Thắm, Phan Thị Thu Hiền, Bơ Nah Ria Khăn, Trần Thị Mỹ Linh. 7 chiến sĩ tình nguyện áo trắng này chúng tôi gọi với biệt danh 007 với nghĩa là 0 ngại khó khăn, gian khổ, 0 ngại hiểm nguy..., 7 chiến sĩ áo trắng xung phong lên đường vào tâm dịch chi viện cho TP Hồ Chí Minh. Tất cả đều đã được tiêm chủng 2 mũi vắc xin phòng COVID-19, xét nghiệm SAR-COV-2 cho kết quả âm tính. Trung tâm Y tế huyện Di Linh khẩn trương tổ chức cho đội tình nguyện viên tham gia tập huấn, nâng cao kỹ năng; đồng thời, chuẩn bị đầy đủ đồ bảo hộ và phương tiện phòng hộ cá nhân, các vật dụng thiết yếu khác do đó chỉ trong vòng 3 ngày chuẩn bị, đội hình đã sẵn sàng nhập đoàn của sở để lên đường nhận nhiệm vụ. 
 
Để động viên tinh thần của các tình nguyện viên trước khi lên đường thực hiện nhiệm vụ, sáng ngày 23/8/2021, Ban Giám đốc Trung tâm Y tế phối hợp với Ban Chấp hành Công đoàn tổ chức gặp mặt, chia tay đông viên tặng quà cho đội tình nguyện này. Đến tham dự, các đồng chí lãnh đạo cấp ủy và chính quyền địa phương đã động viên thăm hỏi kịp thời, tặng quà cho các bác sĩ, điều dưỡng lên đường chống dịch. 
 
Sáng 24/8/2021, đội tình nguyện viên Trung tâm Y tế huyện Di Linh lên đường tập kết tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng. Tại đây, UBND tỉnh, Sở Y tế tỉnh tổ chức lễ xuất quân hỗ trợ nhân lực chi viện cho TP Hồ Chí Minh chống dịch COVID-19.
 
Đoàn lên đường từ vị trí tập kết đến Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 đặt tại Trường Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (TP Thủ Đức) nhận nhiệm vụ.
 
Dù công việc vất vả, nguy hiểm, nhưng thấy sức khỏe của bệnh nhân được cải thiện hơn mỗi ngày, các điều dưỡng, y, bác sĩ như được tiếp thêm sức mạnh và động lực. Họ sẵn sàng gác lại mọi hạnh phúc riêng tư để hết lòng cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Dù hằng ngày, hằng giờ đối diện với dịch bệnh nguy hiểm, diễn biến phức tạp, nhưng những tình nguyện viên vẫn luôn lạc quan. Sau những giờ làm việc căng thẳng, họ thường động viên nhau cố gắng hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa để góp phần chung tay cùng TP Hồ Chí Minh và cả nước đẩy lùi, tiến tới khống chế và dập tắt dịch bệnh COVID-19.
 
Để hỗ trợ tinh thần và chi viện động viên kịp thời cho đội ngũ tuyến đầu, Ban Giám đốc, Ban Chấp hành Công đoàn đã cử tổ nữ công, Phòng Điều dưỡng tổ chức đội hậu cần liên hệ qua nhóm Zalo, cung cấp, tiếp viện kịp thời thực phẩm, vật dụng, qua các chuyến xe tình nguyện, động viên các tình nguyện viên tại Bệnh viện dã chiến Thủ Đức và nhận được rất nhiều hình ảnh về hoạt động chống dịch của đoàn, kể các các hình ảnh, các clip tổ chức văn nghệ ca hát cho bệnh nhân xem với bộ đồ bảo hộ vừa đàn vừa hát những lời hát thật thân thương, ý nghĩa, đi vào lòng người mà khi xem tôi không thể cầm được nước mắt, đặc biệt là bài “Một đời người một rừng cây” vang vọng giữa bệnh viện dã chiến  “… Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai. Ai cũng một thời trẻ trai…”.
 
Đến tháng 10/2021, tình hình dịch ổn định, ngày 11/10/2021, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định 5439 về việc kết thúc nhiệm vụ nhân viên y tế tham gia hỗ trợ công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 đối với đoàn y tế tỉnh Lâm Đồng. Ngày 12/10/2021, Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng ban hành kế hoạch đón đoàn công tác hỗ trợ nhân lực chống dịch COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh. Và đến ngày 14/10/2021, đoàn tình nguyện viên kết thúc chuyến hỗ trợ chống dịch tại TP Hồ Chí Minh. Sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trở về, có 4 cá nhân được Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng trao tặng Giấy khen và 3 cá nhân được UBND TP Hồ Chí Minh tặng Bằng khen. 
 
Ngoài việc đi hỗ trợ chông dịch thì đây cũng là cơ hội để đội tình nguyện viên nâng cao công tác chuyên môn, cập nhập kiến thức để về phục vụ cho công tác phòng, chống dịch tại địa phương. Sau hơn 2 tháng, đội ngũ này đã trưởng thành trở về địa phương tiếp tục tham gia công tác phòng, chống dịch tại các khu điều trị nội trú tại Di Linh. Bác sĩ K’Binh thay mặt cho 7 anh chị em đội tình nguyện chia sẻ: “Hằng ngày, chúng tôi đón bệnh nhân theo kế hoạch, mọi người phải thao tác trong bộ đồ bảo hộ, tất cả các sinh hoạt cá nhân thực hiện trong môi trường đặc biệt, khác lạ. Cả thời gian đi lại và chăm sóc điều trị bệnh nhân cho một ca trực khoảng 10 đến 11 tiếng tuỳ theo từng tình huống ca bệnh. Công việc nào được phân công cũng chẳng thấy ai so bì, cao thấp bởi mọi người biết cuộc chiến với “giặc” COVID-19 lần này chắc phải dài lâu. Mỗi người luôn tự nhủ làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất, tuyệt đối tuân thủ các quy định, quy trình phòng, chống dịch, mang nhiệt huyết của tuổi trẻ cống hiến hết mình, góp một phần sức lực nhỏ bé để đẩy lùi dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho Nhân dân”. 
 
Khép lại một hành trình gian khó, “Chúng ta đã cố gắng, càng cố gắng hơn nữa; đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa”, trong hành trình thiện nguyện. Trân trọng và biết ơn những chiến binh áo trắng, chúng ta hãy cùng nâng cao ý thức phòng, chống dịch, vì sức khỏe của mình và cộng đồng, vì cuộc sống bình yên của Nhân dân. Đại dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc, nhưng đã qua rồi một quãng thời gian kinh hoàng và đau thương, nhìn lại chúng ta có những con người dù là áo trắng, áo xanh hay áo vàng… họ đều có trái tim trên cả tuyệt vời.
 
LÊ THÀNH QUANG