Những chỉ dẫn mang tính "vạch đường" trong tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (kỳ 3)

09:10, 22/10/2022
[links()]
Kỳ 3: Để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
 
(LĐ online) - Làm thế nào và bằng cách nào để từng bước xây dựng được chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam? Đây là chủ đề xuyên suốt, được tác giả Nguyễn Phú Trọng đặt vấn đề qua các báo cáo, diễn văn, kết luận tại nhiều hội nghị và các lễ kỷ niệm trọng đại của đất nước.
 
Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra mục tiêu tổng quát với khát vọng “phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”; trong đó, có mục tiêu cụ thể đến năm 2025, 2030 và 2045. Đặc biệt, “đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao”. Để đi tới khát vọng phồn vinh, hạnh phúc này không phải là con đường dễ dàng, bằng phẳng, nhất là trong một thế giới đầy những biến động khó lường như hiện nay. Vậy nên, trong tác phẩm này, Tổng Bí thư đã khẳng định chúng ta cần tỉnh táo và xử lý một cách kịp thời, hiệu quả với “tầm nhìn mới, bản lĩnh mới và sức sáng tạo mới”, đó chính là từ những chỉ dẫn toàn diện trong cuốn sách này.
 
Để thích ứng với một thế giới đầy biến động hôm nay, để không đi chệch hướng, tức là không phản bội lại lý tưởng, máu xương của các thế hệ đi trước, không phản bội lại niềm tin, kỳ vọng của Nhân dân, Đảng Cộng sản Việt Nam phải vượt lên chính mình, phải hòa nhịp bước chung trong dòng chảy văn minh, tiến bộ của nhân loại. Vì lẽ đó, người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Điều hết sức quan trọng là phải luôn luôn kiên định và vững vàng trên nền tảng tư tưởng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin - học thuyết khoa học và cách mạng của giai cấp công nhân và quần chúng lao động… Chúng ta cần tiếp thu, bổ sung một cách có chọn lọc trên tinh thần phê phán và sáng tạo những thành tựu mới nhất về tư tưởng và khoa học để chủ nghĩa, học thuyết của chúng ta luôn luôn tươi mới, luôn luôn được tiếp thêm sinh lực mới, mang hơi thở của thời đại, không rơi vào xơ cứng, trì trệ, lạc hậu so với cuộc sống”. Quan điểm này của Tổng Bí thư cũng chính là sự nhất quán về nguyên tắc mà Nghị quyết Đại hội XIII đã khẳng định, đó là: “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh…”. 
 
Để thực hiện được các mục tiêu đã đề ra, chắc chắn có nhiều cách thức khác nhau. Tổng Bí thư chỉ rõ chúng ta cần: “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức; phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; bảo đảm vững chắc quốc phòng và an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện”. 
 
Tổng Bí thư khẳng định rằng chúng ta cần đẩy mạnh công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng để làm cho đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, xứng đáng với niềm tin, kỳ vọng và sự ủng hộ của Nhân dân: “Sự lãnh đạo của Đảng cộng sản là nhân tố quyết định thắng lợi của công cuộc đổi mới và bảo đảm cho đất nước phát triển theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa”. 
 
Đặc biệt, chúng ta cần phải quay trở về với Bác Hồ, với những chỉ dẫn đặc biệt từ tư tưởng Hồ Chí Minh vĩ đại. Trong tác phẩm này, Tổng Bí thư đã có 2 bài viết về việc học và làm theo Bác Hồ trong giai đoạn hiện nay. Bài viết: “Kế tục trung thành sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội”, tác giả khẳng định vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, Chủ tịch Hồ Chí Minh “đã vạch ra con đường cách mạng sáng tạo, phù hợp với đặc thù của thực tiễn cách mạng Việt Nam”. Vậy nên, học Bác Hồ chính là chúng ta học tư duy đổi mới, sáng tạo của Người bởi vì Người là một nhà chính trị, nhà tư tưởng với những tư duy đổi mới vượt thời đại. 
 
Tổng Bí thư yêu cầu chúng ta cần “đưa việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo dức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành sinh hoạt chính trị thường xuyên, trở thành nhu cầu văn hóa trong Đảng, trong dân”. Muốn vậy, theo Tổng Bí thư, mỗi cán bộ, đảng viên cần gương mẫu “người có chức vụ càng cao, cương vị càng lớn, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong Đảng và trong bộ máy chính quyền lại càng phải gương mẫu trong tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong, lề lối công tác để quần chúng, Nhân dân noi theo như lời Bác dạy: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. 
 
Theo chủ nghĩa Mác - Lênin, cách mạng là sự nghiệp của Nhân dân song không thể thiếu vai trò của những người lãnh đạo, vì vậy, trong bài viết “Một số vấn đề cần đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng”, Tổng Bí thư đã khẳng định: “Công tác cán bộ không chỉ là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng mà còn là mắt xích trọng yếu trong toàn bộ hoạt động của Đảng, nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng”. 
 
Về phát triển kinh tế, tác giả khẳng định chúng ta xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam phải “gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế gắn với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển”. Mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là: “Nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. 
 
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã nói: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Việt Nam chúng ta không chỉ thành công bởi tăng trưởng bình quân hơn 7% mỗi năm trong 35 năm thực hiện đổi mới đất nước, không chỉ vì chúng ta vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 trong ASEAN vào năm 2020, không phải vì thu nhập bình quân đầu người tăng 17 lần so với trước đổi mới mà chúng ta tự hào vì đã thực hiện rất tốt các chính sách xã hội, chăm lo cho người nghèo, xóa đói, giảm nghèo… Đó chính là ưu việt của xã hội chúng ta mà Tổng Bí thư đã khẳng định rằng chúng ta cần một xã hội “mà trong đó sự phát triển thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người”. 
 
Về phát triển văn hóa, con người, theo Tổng Bí thư, chúng ta coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc: “Đảng ta nhấn mạnh, văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội… Đặc trưng của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nhân văn, dân chủ, khoa học”. Tổng Bí thư cũng chỉ ra những nhiệm vụ để xây dựng, gìn giữ, chấn hưng và phát triển nền văn hóa dân tộc trong đó có nội dung quan trọng là xây dựng hệ giá trị văn hóa, giá trị quốc gia - dân tộc. 
 
Về lĩnh vực quốc phòng và an ninh, Tổng Bí thư khẳng định chúng ta cần “chủ động bảo vệ vững chắc Tổ quốc, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc từ sớm, từ xa”. Tình hình thế giới tiếp tục được dự báo sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, vì vậy chúng ta nhất quán thực hiện nguyên tắc 4 không: Không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Điều này thể hiện nhất quán đường lối quốc phòng của Việt Nam hiện nay là hòa bình và tự vệ. 
 
Về lĩnh vực đối ngoại, Tổng Bí thư chỉ rõ chúng ta: “Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng trên cơ sở giữ vững độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường; xử lý đúng đắn, linh hoạt, mềm dẻo, cân bằng trong mối quan hệ với các nước lớn, các nước láng giềng và các đối tác quan trọng để bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc. Phát huy bản sắc văn hóa ngoại giao “cây tre Việt Nam”, ‘dĩ bất biến, ứng vạn biến”, “kiên quyết, kiên trì xử lý các thách thức đối ngoại một cách mềm mại, hiệu quả”; khai thác, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”. 
 
Đặc biệt, lần đầu tiên, Tổng Bí thư đã nêu ra trường phái đối ngoại và ngoại giao “Cây tre Việt Nam” với khẳng định: “Quyết tâm xây dựng và phát triển một nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam hiện đại và mang đậm bản sắc dân tộc - trường phái ngoại giao “Cây tre Việt Nam”. Trường phái ngoại giao “Cây tre Việt Nam” với nội hàm đặc sắc “…thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam. Đó là: Mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách, khó khăn vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của Nhân dân. Đoàn kết, nhân ái, nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc. Biết nhu, biết cương; biết thời, biết thế; biết mình, biết người; biết tiến, biết thoái, "tuỳ cơ ứng biến", "lạt mềm buộc chặt”.
 
Trong cuốn sách này, có bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhân dịp kỷ niệm 89 năm Ngày thành lập Đảng (3/2/1930 – 3/2/2019) với tiêu đề “Đảng vững mạnh, Đất nước phát triển, Dân tộc trường tồn”. Nhìn vào tất cả những thành tựu mà đất nước ta, dân tộc ta đã đạt được gần 93 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta có quyền tin tưởng ở tương lai tươi sáng của dân tộc. Và, con đường chúng ta đi chắc chắn, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định đó không phải là con đường bằng phẳng song với về bề dày và chiều sâu văn hóa, được dẫn lối đưa đường từ tư tưởng của người thầy vĩ đại Hồ Chí Minh, đất nước chúng ta, dân tộc chúng ta sẽ trường tồn và phát triển, đó chính là thông điệp mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi gắm trong cuốn sách này.  
 
Ngay từ lúc sinh thời, Mác và Ăngghen đã khẳng định: “Lý luận của chúng tôi là lý luận của sự phát triển, chứ không phải là một giáo điều mà người ta phải học thuộc lòng và lắp lại một cách máy móc”. Chúng ta không thể bắt Mác và Ănghhen phải suy tư cho chúng ta gần 200 năm sau, chúng ta cũng không thể bắt Hồ Chí Minh phải suy tư cho chúng ta hơn 50 năm sau. Đại văn hào người Trung Quốc là Lỗ Tấn từng nói "trên đời này làm gì có đường, người ta đi mãi cũng thành đường thôi". Vì vậy, những chỉ dẫn trong cuốn sách này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có thể xem là những chỉ dẫn mang tính “vạch đường” để đất nước và dân tộc Việt Nam “tiến bước trên đường vinh quang, hạnh phúc, cùng nhịp với trào lưu tiến bộ của thế giới và ý nguyện hoà bình của nhân loại”.
 
HỒNG PHÚC