Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng đối thoại với nông dân

02:11, 08/11/2022
(LĐ online) - Sáng 8/11, đồng chí Trần Đức Quận - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng đã chủ trì Hội nghị đối thoại với nông dân với chủ đề: Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong thời gian tới. 
 
Đồng chí Trần Đức Quận phát biểu tại Hội nghị đối thoại
Đồng chí Trần Đức Quận phát biểu tại Hội nghị đối thoại
 
Tham gia Hội nghị có đồng chí Võ Ngọc Hiệp - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; đồng chí Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban ngành toàn tỉnh, đại diện nông dân sản xuất giỏi, đại diện các tổ hợp tác, HTX, tổ chức nông dân trên địa bàn toàn tỉnh. Đồng thời với Hội nghị trực tiếp, còn 11 điểm cầu tại các huyện, thành phố  cùng tham gia. 
 
Khai mạc Hội nghị, đồng chí Trần Đức Quận chân thành cảm ơn nông dân Lâm Đồng trong thời gian qua đã nỗ lực, phấn đấu vượt qua khó khăn, nhất là sau đại dịch Covid-19 đã tích cực sản xuất, ổn định cuộc sống, phát huy tinh thần sáng tạo của mình góp phần xây dựng địa phương ngày càng phát triển đồng bộ trên các lĩnh vực. 
 
Trong nông nghiệp, bước đầu đã tổ chức lại sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh; nông nghiệp hữu cơ phát triển mạnh đã khích lệ và tạo điều kiện cho nông dân ứng dụng khoa học, công nghệ vào thúc đẩy phát triển nông nghiệp và làm giàu trên mảnh đất của mình, nhiều hộ nông dân nhất là “nông dân thế hệ mới” trở nên giàu có. 
 
Nhiều nông sản đã có nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm, đặc biệt đã xây dựng và phát triển thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”.
 
Tuy nhiên, nông nghiệp còn nhiều tồn tại, hạn chế, như việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp chuyển biến chưa rõ nét; việc thực hiện Đề án Phát triển nông nghiệp theo cách tiếp cận đa ngành và cải thiện môi trường đầu tư trong nông nghiệp chưa đạt như kỳ vọng; tỷ trọng nông sản và số lượng nông dân tham gia chuỗi liên kết giá trị còn thấp; hỗ trợ chế biến nông sản từ các doanh nghiệp đầu tư chưa mạnh, phát triển chậm so với nhu cầu của địa phương. 
 
Đời sống, sản xuất của một bộ phận nông dân còn khó khăn; an ninh trật tự và an ninh nông thôn còn nhiều phức tạp. Thực tế này đòi hỏi phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa của cấp ủy, chính quyền các cấp trong lĩnh vực nông nghiệp; nhất là tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong thời gian tới.
 
Trao đổi trong Hội nghị đối thoại, nông dân các địa phương trong tỉnh nêu nhiều ý kiến về các vấn đề còn tồn tại trong nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Trong đó, ý kiến của nông dân hướng về các vấn đề môi trường như xử lý rác; giải pháp điều tiết các dòng chảy; quản lý trật tự xây dựng cũng như ý kiến về đất đai, quy hoạch.
 
Các ý kiến tập trung vào 10 nhóm nội dung gồm: Quy hoạch sản xuất vùng trồng cho nông dân; hỗ trợ trụ sở làm việc cho HTX nông nghiệp; tiền thuê đất triển khai dự án Khu Nông nghiệp công nghệ cao; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; kiến nghị giải quyết lối đi; chính sách cho thuê đất; chính sách hỗ trợ tiền thuế chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn; tính thuế chuyển nhượng bất động sản; tách thửa quyền sử đất; quy hoạch.
 
Đặc biệt, các ý kiến tập trung chủ yếu về lĩnh vực các chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông dân với 11 nhóm nội dung: (1) Về xây dựng, quản lý mã vùng trồng đối với sầu riêng, cơ sở gói sản phẩm sầu riêng, hỗ trợ sản xuất sầu riêng theo chuẩn VietGAP; (2) Về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm; chuỗi liên kết trong sản xuất các mặt hàng nông sản; (3) Chính sách thu hút đầu tư, xây dựng các nhà máy chế biến, thúc đẩy tiêu thụ nông sản; (4) Chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, phát triển kinh tế tập thể, HTX; (5) Chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, hỗ trợ, bình ổn giá vật tư; (6) Hỗ trợ sản xuất cà phê; (7) Hỗ trợ  nuôi bò sữa; (8) Quản lý vật tư nông nghiệp, kiểm tra giám sát chất lượng vật tư đầu vào; (9) Thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao; (10) Chính sách hỗ trợ đầu tư chuyển đổi số trong nông nghiệp nông dân; (11) Chính sách vốn đầu tư và xây dựng thủy lợi.
 
Các ý kiến, câu hỏi của nông dân đã được các ngành liên quan trả lời khá sát sao, cụ thể. Tuy nhiên, nhiều vấn đề  mang tính vĩ mô, cần được xem xét, đánh giá để có chủ trương, đường lối thống nhất. 
 
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Các đại biểu tham dự Hội nghị
 
Kết luận buổi đối thoại, đồng chí Trần Đức Quận đánh giá những ý kiến trao đổi giữa nông dân với lãnh đạo Tỉnh ủy cũng như các câu trả lời đều hết sức cụ thể, trực tiếp, sát sao với nông nghiệp, nông thôn và đời sống người nông dân. 
 
Đồng chí cho biết, lãnh đạo tỉnh hết sức chú ý tới phát triển nông nghiệp cũng như giải quyết các vướng mắc nảy sinh trong thực tế của người nông dân. 
 
Với những ý kiến có thể giải quyết ở cấp địa phương, Lâm Đồng sẽ giải quyết nhanh, gọn, đúng theo pháp luật. Còn với những ý kiến mang tầm toàn quốc, tỉnh sẽ kiến nghị, đề đạt với trung ương để xem xét, nghiên cứu triển khai thực hiện. 
 
Đồng chí Trần Đức Quận cũng nhận xét đây là cuộc đối thoại trực tiếp hiệu quả và mang lại cái nhìn đa dạng cho lãnh đạo tỉnh trong quá trình xây dựng chính sách liên quan đến nông nghiệp - nông dân - nông thôn.
 
DIỆP QUỲNH