(LĐ online) - Ngày 3/11, tiếp tục chương trình làm việc tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành thảo luận tổ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Tham gia thảo luận chiều 3/11, các ĐBQH tỉnh Lâm Đồng tích cực tham gia đóng góp ý kiến vào dự án Luật.
Đại biểu Trần Đình Văn - Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng góp ý: Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là một dự án Luật lớn, có ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt, có tác động sâu sắc tới nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Việc sửa đổi Luật Đất đai lần này đã cơ bản thể chế hóa nhiều quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp được nêu trong Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu đề xuất:
Thứ nhất, về bảo đảm tính khả thi, kịp thời; tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật trong quá trình xây dựng, hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án Luật khó, phức tạp, có phạm vi điều chỉnh rộng, có tầm tác động, ảnh hưởng sâu sắc, toàn diện đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, đến mọi người dân; cho nên việc bảo đảm để dự án Luật này thi hành được ngay sau khi được thông qua là yêu cầu khách quan và cấp thiết. Trong khi đó, trong dự thảo Luật có khá nhiều nội dung cần có văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Do đó, đề nghị trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đồng thời cần chú trọng tới việc xây dựng các dự thảo văn bản quy định chi tiết thi hành Luật, bảo đảm Luật có thể áp dụng được ngay sau khi được thông qua và có hiệu lực thi hành, hạn chế tối đa tình trạng “chờ” văn bản quy định chi tiết thi hành.
Về bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật trong quá trình xây dựng, hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); cụ thể là bảo đảm sự nhất quán về chính sách giữa việc sửa đổi Luật đất đai lần này với các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Thực tế cho thấy, dự thảo Luật được chỉnh lý khá căn bản theo hướng này, song vẫn cần tiếp tục rà soát để tránh những vướng mắc, mâu thuẫn, đan chéo với các văn bản QPPL liên quan (chẳng hạn như Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014, Luật Đầu tư năm 2020; Luật Đầu tư công năm 2019, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư năm 2020, Luật Nhà ở năm 2014; Luật Đấu thầu, Luật Quy hoạch, v.v…). Do đó, đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát đầy đủ hơn để kịp thời bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa các quy định của dự thảo Luật với các văn bản QPPL trong hệ thống pháp luật, thực hiện tốt chủ trương được nêu trong Nghị quyết số 18-NQ/TW là đến năm 2023 phải hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và một số luật liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.
Thứ hai, về giá đất cụ thể (Điều 165). Tại điểm 20 Điều 3 dự thảo Luật có định nghĩa về “giá đất phổ biến trên thị trường trong điều kiện bình thường” nhưng trong toàn bộ dự thảo không sử dụng cụm từ này vào bất cứ nội dung quy định nào, do đó chưa rõ mục đích quy định của dự thảo về nội dung này. Đây là một định nghĩa mang nhiều yếu tố định tính phức tạp. Các định nghĩa về "giá đất"; "giá trị quyền sử dụng đất" vẫn còn chung chung, chưa nêu bật được mục đích, ý nghĩa áp dụng trong từng quy định cụ thể. Dự thảo Luật chưa đưa ra được một số định nghĩa quan trọng về "giá đất cụ thể" do tư vấn ước tính và Hội đồng định giá thẩm tra và cơ quan có thẩm quyền quyết định để phân biệt với "giá đất đại diện" thực chất là giá quy định trong Bảng giá đất. Cần quy định cụ thể hơn về cơ chế hoạt động của Hội đồng thẩm định giá đất và về sử dụng tư vấn giá đất để xác định giá cụ thể...Nội dung quy định tại Điều 165 dự thảo Luật còn thiếu sự giám sát của các cơ quan dân cử, thiết chế đại diện cho Nhân dân. Trong khi đó, việc xác định giá đất cụ thể ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân, đặc biệt là khi Nhà nước thu hồi đất. Do đó, đề nghị xem xét bổ sung nội dung về sự giám sát của cơ quan dân cử, nhất là của thiết chế HĐND ở địa phương cho chặt chẽ hơn (chẳng hạn như bổ sung cụ thể về trách nhiệm của HĐND cấp tỉnh trong giám sát việc thực hiện giá đất; …), góp phần phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng khiếu nại, tố cáo trong thực tiễn.
Thứ ba, về giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất và các trường hợp không đấu giá quyền sử dụng đất (Mục 2 Chương IX). Tại điểm b khoản 1 Điều 136 quy định đấu giá quyền sử dụng đất trong trường hợp đất chưa bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi “Không thuộc các trường hợp Nhà nước giao đất, cho thuê đất quy định tại các điều Điều 134, 135 và Điều 137”. Như vậy, các trường hợp không áp dụng được giao đất trực tiếp, đấu giá đất sạch, đấu thầu dự án thì sẽ áp dụng đấu giá đất chưa giải phóng mặt bằng. Cách thiết kế này sẽ làm gia tăng số lượng dự án phải đấu giá đất chưa giải phóng mặt bằng, điều này là bất hợp lý vì quy định phải “Được 100% người bị thu hồi đất đồng ý với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư” (điểm đ khoản 1 Điều 136). Áp lực của cơ quan nhà nước làm nhiệm vụ thỏa thuận phương án bồi thường với người dân là rất lớn (phải thỏa thuận được với toàn bộ người dân); mặt khác còn dẫn đến làm gia tăng chi phí giải phóng mặt bằng (để 100% người bị thu hồi đất đồng ý thì Nhà nước phải chịu bồi thường giá cao).
Tại các điểm d, đ…khoản 1 Điều 134 Dự thảo Luật về việc giao đất cho một số chủ thể mà không qua đấu giá cần được cân nhắc, đánh giá thêm về tính khả thi. Việc không đấu giá đất đai nên chăng chỉ giành cho hộ nghèo, gia đình chính sách… mà có khó khăn về chỗ ở. Quỹ đất ngày càng thu hẹp, dân số ngày căng gia tăng thì việc đấu giá quyền sử dụng đất là cần thiết, trong dự thảo Luật nên hạn chế việc không đấu giá quyền sử dụng đất để đảm bảo đất đai là nguồn lực phát triển, việc không đấu giá hay không thu tiền sử dụng đất chỉ áp dụng cho những trường hợp, đối tượng thật sự cần thiết (rà soát lại theo hướng chặt chẽ, hợp lý hơn về đối tượng), đặc biệt trong xã hội, đi kèm với những tiêu chí thiết thực, gắn với yêu cầu phát triển chung.
Thứ tư, về đấu giá đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất và giao đất, cho thuê đất Để cụ thể hóa chủ trương của Nghị quyết số 18-NQ/TW, điều kiện tiên quyết cần khẳng định là dù áp dụng phương thức nào thì việc quan trọng nhất là phải định giá được đất đai phù hợp với giá trị thị trường.
Đại biểu Trần Đình Văn -Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng tham gia góp ý thảo luận |
Về kiến nghị chính sách, phương thức đấu thầu dự án có sử dụng đất cần được áp dụng đối với tất cả các dự án đầu tư vì mục tiêu lợi nhuận mà Nhà nước thu hồi đất, trong đó lợi nhuận của nhà đầu tư gắn với lợi ích quốc gia, công cộng, kể cả trường hợp đã giải phóng mặt bằng hoặc chưa giải phóng mặt bằng. Trong trường hợp này, dự án được xem xét toàn diện về phân tích chi phí - lợi ích đối với cả kinh tế, xã hội và môi trường. Đây chính là yếu tố Nhà nước phải quan tâm, trên cơ sở đó mới cho phép áp dụng cơ chế Nhà nước thu hồi đất. Giá đất trong các trường hợp này được định giá sao cho phù hợp với giá trị thị trường, đồng thời cũng là tham số của bài toán đấu thầu. Như vậy, khung pháp luật về đấu thầu dự án cần được xây dựng theo nguyên tắc này và giao cho Chính phủ quy định chi tiết về các tiêu chí gắn với phân tích chi phí - lợi ích về kinh tế, xã hội và môi trường để lựa chọn chủ đầu tư dự án...
Đại biểu Nguyễn Tạo tham gia góp ý thảo luận |
Tham gia góp ý, Đại biểu Lâm Văn Đoan đóng góp ý kiến: Về vấn đề thứ nhất,... Trong Khoản 2 của Điều 81 quy định việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có bảo đảm thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi cũ. Tuy nhiên, quy định này còn chung chung, là một trong những nguyên nhân dẫn đến rất nhiều khiếu kiện về đất đai khi bố trí tái định. Đề nghị cần quy định xác định rõ các tiêu chí cụ thể thế nào là bảo đảm thu nhập, thế nào là điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi cũ... Thứ hai, về vấn đề thu hồi đất. Dự thảo Luật Đất đai quy định 4 điều liên quan. Qua nghiên cứu 4 điều, dự thảo Luật Đất đai đã quy định các trường hợp bị thu hồi đất nhiều hơn so với quy định tại Khoản 3, Điều 54 của Hiến pháp 2013...Đây là vấn đề cần được cân nhắc vì có liên quan đến quyền công dân, quyền, lợi ích chính đáng của tổ chức, cá nhân thu hồi đất. Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo giải trình làm rõ vì sao dự thảo luật lại mở rộng hơn các trường hợp so với Hiến pháp chỉ quy định trường hợp thật cần thiết vì mục đích quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia, công cộng để làm cơ sở cho việc đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất Hiến pháp cũng như cơ sở cho việc thực hiện. Đặc biệt xem xét bỏ các quy định tại Điều 88, 89 của dự thảo Luật nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất Hiến pháp, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người sử dụng đất. Về việc miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất tại Điều 162, về cơ bản thì những quy định trong nội dung này cũng đã nói tinh thần của Hiến pháp. Tuy nhiên, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu thêm các trường hợp cụ thể khác được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất ngay trong dự thảo Luật. Về giá đất, đại biểu Lâm Văn Đoan cho rằng cần cụ thể hóa để phù hợp với giá thị trường quyền sử dụng đất trong điều kiện bình thường, đề nghị trong dự thảo Luật cần quy định nguyên tắc xử lý giá quyền sử dụng đất thuộc khu vực tiếp giáp giữa các đơn vị hành chính để tránh sự chênh lệch đền bù quá mức giữa các địa phương...
Đại biểu Lâm Văn Đoan tham gia góp ý thảo luận |
Góp ý dự thảo Luật, Đại biểu Nguyễn Tạo cho rằng: Điều 2 Luật Đất đai 1993 khẳng định Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không công nhận việc đòi lại đất cũ qua các thời kỳ cải tạo. Vì vậy đề nghị dư thảo Luật phải khẳng định lại nguyên tắc nhất quán này. Đại biểu Nguyễn Tạo cũng đóng góp ý kiến về giá đất, đề nghị giải quyết dứt điểm sự chồng lấn giữa Luật bảo vệ và phát triển rừng, Luật lâm nghiệp mới; Luật đất đai 2013 và Luật đất đai mới...
NGUYỆT THU
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin