(LĐ online) - Ngày 7/11, Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV tại Nhà Quốc hội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường đối với 02 dự thảo Nghị quyết về: “Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk’’ và “thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá". Buổi chiều Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Giá (sửa đổi) và dự án luật Đấu thầu (sửa đổi).
|
Đại biểu Trần Đình Văn – Đoàn Lâm Đồng tham gia góp ý thảo luận về Luật Giá (sửa đổi) |
Tham gia góp ý dự án Luật giá (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Tạo – Phó Trưởng Đoàn nhấn mạnh: Về nội dung quản lý nhà nước về giá (Điều 12), Tại khoản 1, dự thảo Luật quy định: “1.Ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về giá, thẩm định giá”. Đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm nội dung “trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật”, khoản 1 có thể được sửa đổi, bổ sung như sau: “1. Ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về giá, thẩm định giá.”.
Về thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về giá, thẩm định giá (Điều 18): Điều này thực chất là quy định nhiệm vụ, quyền hạn cho Bộ trưởng Bộ Tài chính; Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ giao cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ; Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc thực hiện nhiệm vụ quyền hạn của mình theo các Điều 14, 15, 17 của dự thảo luật, nhưng lại thiết kế thành một điều riêng gây nên sự manh mún, khó theo dõi áp dụng.
Đề nghị Ban soạn thảo xem xét, điều chỉnh gộp chung vào các điều tương ứng để quy định cho phù hợp và bỏ điều 18, cụ thể: khoản 1 Điều 18 chuyển thành một khoản của Điều 14; khoản 2 Điều 18 chuyển thành một khoản của Điều 15; khoản 3 Điều 18 chuyển thành một khoản của Điều 17, đồng thời thay cụm từ “Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương” thành “ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh” cho tương thích với việc sử dụng từ ngữ tại Điều 17 và các điều khoản khác trong dự thảo luật.
Về nguyên tắc, các trường hợp và biện pháp bình ổn giá (Điều 20): Tại điểm a khoản 2, dự thảo Luật quy định, “a) Giá của hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá tăng quá cao hoặc giảm quá thấp trong một khoảng thời gian gây ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh, mặt bằng giá thị trường”. Cơ sở để “cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định bình ổn giá” theo dự thảo Luật là hoàn toàn định tính “giá tăng quá cao hoặc giảm quá thấp” sẽ dẫn đến chủ quan, tùy tiện trong thực hiện Luật, và trong một khoảng thời gian mà không xác định cụ thể thì cảm tính tùy tiện là điều không thể tránh khỏi, đề nghị Ban soạn thảo lượng hóa những căn cứ này một cách cụ thể.
Về nguyên tắc định giá (Điều 23): Tại khoản 3 Điều 23, dự thảo Luật quy định: “3. Kịp thời xem xét điều chỉnh giá khi các yếu tố hình thành giá thay đổi.” Tương tự như một số điều khoản ở trên đã góp ý, đề nghị Ban soạn thảo cần lượng định cụ thể mức biến động của các yếu tố hình thành giá đến mức nào thì phải xem xét, điều chỉnh giá.
Về báo cáo tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường (Điều 39), tại khoản 2 đưa ra khái niệm “kịch bản điều hành giá”: “Kịch bản điều hành giá là dự báo về diễn biến lạm phát và các giải pháp, biện pháp điều hành giá trong một giai đoạn nhất định.”. Nội dung này đề nghị Ban soạn thảo đưa thành một khoản của Điều 4 về giải thích từ ngữ thì phù hợp hơn.
Về điều kiện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ Thẩm Định giá và chi nhánh doanh nghiệp thẩm định giá (Điều 51, 52): Đề nghị Ban Soạn thảo xem xét lại việc quy định tăng thêm về số lượng TĐV để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ Thẩm Định giá đối với doanh nghiệp là 5 người có thẻ TĐV và chi nhánh là 3 người, đây không phải là điều kiện tối ưu để nâng cao chất lượng dịch vụ này mà có thể việc tăng số lượng sẽ kéo theo và làm tăng áp lực thêm về chi phí cho doanh nghiệp, tạo khó khăn hơn cho các doanh nghiệp.
Theo quy định về Thẩm định giá, 01 hợp đồng cung cấp dịch vụ chỉ cần có 01 TĐV về giá và người đại diện theo pháp luật (mà cũng đồng thời là TĐV về giá), như vậy số lượng TĐV không có tác động, ảnh hưởng nhiều đến kết quả của dịch vụ tư vấn cho khách hàng. Mà theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp Thẩm định giá phải tự xây dựng quy trình kiểm soát nội bộ phù hợp với tiêu chuẩn thẩm định giá và các quy định của pháp luật có liên quan để đảm bảo chất lượng dịch vụ.
Do đó, việc quy định tăng số lượng TĐV về giá có thể là tác động không tốt đến việc tổ chức và hoạt động của các doanh nghiệp, đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại quy định này nhằm đảm bảo cho các doanh nghiệp thẩm định giá và các Chi nhánh của doanh nghiệp thuận lợi hơn trong tổ chức bộ máy, hạn chế được việc thiếu TĐV đăng ký hành nghề trong tình hình hiện nay.
Ngoài ra, có ý kiến cho rằng dự thảo Luật đã không quy định số lượng chi nhánh mà một doanh nghiệp thẩm định giá có thể thành lập, với tính chất hoạt động đặc thù của doanh nghiệp thẩm định giá, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu nên giới hạn số lượng chi nhánh của một doanh nghiệp thẩm giá.
Trong phiên thảo luận cùng ngày, Đại biểu Trần Đình Văn – Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội Lâm Đồng góp ý dự án Luật Đấu thầu cho rằng: Nhìn chung, dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi lần này cơ bản kế thừa các nguyên tắc chung của Luật hiện hành trong xử lý lựa chọn nhà thầu và nhà đầu tư; một số nội dung được điều chỉnh về cơ bản có thể khắc phục được các khiếm khuyết, bất cập qua gần 10 năm thực hiện.
Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) theo hướng tiếp tục tạo cơ sở pháp lý quan trọng điều chỉnh hoạt động mua sắm, quản lý sử dụng vốn, tài sản của Nhà nước, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư, mua sắm bằng nguồn ngân sách nhà nước. Việc sửa đổi, bổ sung Luật Đấu thầu lần này nhằm tạo hành lang pháp lý cho hoạt động đấu thầu, nhất là đấu thầu qua mạng, tạo sự công khai, minh bạch, cạnh tranh và hiệu quả kinh tế trong hoạt động đấu thầu.
Dự thảo Luật (sửa đổi) được chỉnh lý theo hướng nhằm giải quyết những vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành pháp luật về đấu thầu trong thời gian qua. Tuy nhiên, vẫn còn những nội dung cần tiếp tục nghiên cứu làm rõ, sửa đổi để hoàn thiện hơn nữa. Đai biểu Trần Đình Vân góp ý: Cần xem xét điều chỉnh hoặc bổ sung làm rõ một số khái niệm để có cách hiểu thống nhất về hoạt động đấu thầu, chẳng hạn, cụm từ “nhà thầu”, cụm từ “thông thầu”. Cụm từ “nhà thầu”, mặc dù được sử dụng nhiều lần và là cơ sở để giải thích nhiều thuật ngữ khác nhưng Điều 4 Giải thích từ ngữ không có quy định giải thích. Trong khi đó, dự thảo Luật chỉ đề cập đến những thuật ngữ phái sinh từ thuật ngữ “nhà thầu” như “nhà thầu chính”, “nhà thầu phụ”, “nhà thầu nội khối”, “nhà thầu trong nước”, “nhà thầu nước ngoài”…Nên bổ sung định nghĩa “mua sắm thường xuyên”; bổ sung định nghĩa “trang thiết bị y tế”, vì định nghĩa này chưa được hiểu thống nhất. Dự thảo Luật hiện nay đang dùng nhiều thuật ngữ khác nhau: “vật tư y tế”; “trang thiết bị y tế”; “vật tư”, “hóa chất…
|
Đại biểu Nguyễn Tạo góp ý dự thảo Luật Giá (sửa đổi) |
Ngoài ra, dự thảo Luật cần giải thích rõ và sử dụng chính xác các thuật ngữ, chẳng hạn như “mua sắm” và “mua sắm công”. Dự thảo Luật không giải thích thuật ngữ “mua sắm” và sử dụng không thống nhất. Có điều khoản quy định “mua sắm” bao gồm hàng hóa, dịch vụ, xây lắp nhưng có điều khoản lại quy định là “mua sắm hàng hóa”. Thêm vào đó, khái niệm “mua sắm công” được hiểu rộng bao gồm cả đấu thầu cung cấp hàng hóa, cung cấp dịch vụ và xây lắp. Đề nghị sử dụng và hiểu thống nhất khái niệm “mua sắm” (không dùng cụm từ “gói thầu mua sắm hàng hóa” mà sử dụng là “gói thầu cung cấp hàng hóa”). Đề nghị cần quy định cụ thể, chặt chẽ hơn về trình tự, thủ tục, điều kiện, trách nhiệm kiểm soát, giám sát của cơ quan có thẩm quyền đối với chủ đầu tư, bên mời thầu trong việc tổ chức lựa chọn nhà thầu...
Các ý kiến góp ý của các đại biểu sẽ được Ban soạn thảo tổng hợp trình Quốc hội tiếp thu, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.
NGUYỆT THU
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin