Theo Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, Nhà nước sẽ trực tiếp điều chỉnh địa tô chênh lệch và phải hài hòa lợi ích giữa địa phương này với địa phương khác, giữa doanh nghiệp-Nhà nước-người dân sử dụng đất và đảm bảo công bằng cho các đền bù khác.
Theo Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, Nhà nước sẽ trực tiếp điều chỉnh địa tô chênh lệch |
Sáng 3/11, tiếp tục chương trình kỳ họp 4, đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Theo tờ trình của Chính phủ, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 245 điều, trong đó giữ nguyên 28 điều; sửa đổi, bổ sung 184 điều; bổ sung mới 41 điều và bãi bỏ 8 điều. Nhiều chính sách mới, quan trọng đã được nêu trong dự thảo Luật Đất đai trình Quốc hội lần này. Đây là dự án luật nhận được sự quan tâm của đông đảo cử tri cả nước.
Xác định giá đất theo thị trường?
Trao đổi những vấn đề cụ thể, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, trước đây, đất không qua đấu thầu, đấu giá, chủ yếu là giao đất và định giá theo khung, theo bảng… là bất cập lớn. Và việc tính toán thu thuế trên hợp đồng làm cho người dân không bao giờ khai thật giá trị mua bán thật.
Vì vậy, trong vấn đề này, phương pháp được lựa chọn là phương pháp định giá theo "vùng giá trị, xác định thửa đất chuẩn". Trên thế giới cũng đã thực hiện phương pháp này khi có bản đồ địa chính số và thiết lập được mạng lưới, thiết lập được thông tin về giá đất hàng ngày và chuẩn. Do đó, trong luật này đã chế định, trách nhiệm của người dân, quy định về cách thức giao dịch, dữ liệu về Nhà nước giao đất theo thị trường, việc đấu thầu, đấu giá…
Theo Bộ trưởng Bộ TN&MT, hiện nay đã có một số đơn vị như TPHCM và Hà Nội đang làm việc này. Chúng ta hoàn toàn có phương pháp và hoàn toàn thu thập được. Tất nhiên phải có phương pháp và chế định được để làm sao thông tin này chính xác.
"Điều quan trọng nhất là giá đất không được mang tính chủ quan và mọi phương pháp làm phải có thống kê, toán học, độc lập với những người định giá. Còn lại, chúng ta vẫn cần có hội đồng, có cơ quan tư vấn. Nhưng tất cả những vấn đề này đều phải có phần mềm do Bộ TN&MT cùng với các chuyên gia định giá sẽ đưa ra. Giá phổ quát trên thị trường không phải là giá do ý chí chủ quan chúng ta đưa ra, mà là toàn bộ hệ thống thu thập được trên các thửa đất chuẩn và ở các vùng giá trị mà chúng ta sẽ xác định", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Ông Trần Hồng Hà cũng cho rằng, chúng ta hoàn toàn có thể quy đổi và thông qua phương pháp thống kê để tìm được giá trị, thể hiện tính ổn định tương đối của thị trường. Thực tế, không thể có một giá thị trường duy nhất.
Không còn đất thu hồi làm dự án quốc phòng an ninh
Bộ trưởng TN&MT cũng cho biết, liên quan tới vấn đề bồi thường, khi có những vấn đề do lỗi của Nhà nước thì phải có cách phục hồi và bảo vệ lợi ích của người dân. Trong dự thảo Luật hiện nay, không còn khái niệm Nhà nước thu hồi đất để phục vụ dự án quốc phòng an ninh và làm đường thì giá thu hồi rẻ hơn đối với đất đai làm thương mại và dịch vụ.
Theo ông, để làm điều đó, Nhà nước sẽ trực tiếp điều chỉnh địa tô chênh lệch và phải hài hoà lợi ích giữa địa phương này với địa phương khác, giữa doanh nghiệp-Nhà nước-người dân sử dụng đất và đảm bảo công bằng cho các đền bù khác.
Liên quan tới vấn đề thu hồi đất, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, chỉ thu hồi khi chứng minh đó là những dự án công, dự án an ninh quốc phòng, dự án kinh tế-xã hội mang lại lợi ích quốc gia, công cộng.
Mặt khác, từ nay trở đi, vấn đề giao đất trong mọi thủ tục hồ sơ không còn khái niệm hộ. Tuy nhiên, để giải quyết các vấn đề mang tính lịch sử, những gia đình nào "cấp hộ" thì chúng ta mở ra các gia đình làm rõ mối quan hệ pháp lý và xác định rõ quyền hạn sử dụng đất.
Trong dự thảo luật đang quy định nội dung liên quan tới hạn chế tiếp cận đất đai. Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, đây là điều "không thể không đưa vào luật", nên ở đây ban soạn thảo đã đưa một số vấn đề mang tính nguyên tắc.
(Theo chinhphu.vn)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin