Cách đây vừa tròn 105 năm, Cách mạng Tháng Mười Nga nổ ra và giành thắng lợi đã mở đầu một thời đại mới - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Thực tế lịch sử hơn một thế kỷ qua cho thấy, Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 có tầm vóc và giá trị không gì có thể phủ nhận được.
Tầm vóc, giá trị của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 là không thể phủ nhận. (Ảnh tư liệu) |
Vào dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, các thế lực phản động, thù địch bằng những thủ đoạn thâm độc, nham hiểm vẫn luôn ra sức xuyên tạc, phủ nhận tầm vóc, giá trị của cuộc cách mạng vĩ đại này. Cách mà các thế lực thù địch, phản động và đối tượng cơ hội, bất mãn chính trị thường sử dụng, đó là xuyên tạc trắng trợn với luận điệu cho rằng Cách mạng Tháng Mười Nga chỉ là một cuộc đảo chính, là sự “tiếm quyền” của những người cộng sản; những người cộng sản do V.I.Lênin lãnh đạo chỉ là “quân phiến loạn”, Cách mạng Tháng Mười Nga chỉ là một cuộc cách mạng đẻ non....
Bên cạnh đó, chúng cũng lợi dụng triệt để sự kiện chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu tan rã vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước để cho rằng chủ nghĩa Mác - Lênin đã lỗi thời, chủ nghĩa xã hội đã chấm dứt, chỉ có chủ nghĩa tư bản là văn minh, trường tồn. Các thế lực phản động, thù địch cũng cố tình quy chụp nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu “là bắt nguồn từ Cách mạng Tháng Mười Nga”…
Với những luận điệu xuyên tạc trắng trợn nói trên, mục đích của các thế lực thù địch, phản động và đối tượng cơ hội, bất mãn chính trị là phủ nhận tầm vóc và giá trị vạch thời đại của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917; gây tâm lý mơ hồ, hoài nghi và làm xói mòn niềm tin vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; hạ thấp, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng; từ đó, hướng lái cách mạng Việt Nam đi theo con đường tư bản chủ nghĩa…
Đánh giá về giá trị thời đại của Cách mạng Tháng Mười, V.I.Lênin khẳng định: “Chúng ta có quyền tự hào và thực tế, chúng ta tự hào là chúng ta có vinh hạnh được bắt đầu xây dựng Nhà nước Xô-viết và do đó, mở đầu một thời đại mới trong lịch sử thế giới, thời đại thống trị của một giai cấp mới, giai cấp bị áp bức trong tất cả các nước tư bản chủ nghĩa và ở bất cứ nơi nào cũng đang tiến tới một cuộc đời mới, tiến tới chiến thắng giai cấp tư sản, tiến tới chuyên chính của giai cấp vô sản, tiến tới giải phóng loài người khỏi ách tư bản, khỏi những cuộc chiến tranh đế quốc chủ nghĩa”(1).
Thực tiễn cho thấy, với thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười, một thời đại mới đã được mở ra, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi thế giới. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười đã khai sinh ra chủ nghĩa xã hội hiện thực, với chính thể Cộng hòa xã hội chủ nghĩa và Đảng Cộng sản đã ở vào vị thế đảng cầm quyền. Cách mạng Tháng Mười đã lật đổ quyền thống trị của giai cấp tư sản, của lực lượng chuyên chế phong kiến Nga Hoàng, xóa bỏ tình cảnh nô lệ của quần chúng công - nông. Với việc thông qua hai văn kiện đầu tiên của chính quyền Xô-viết: "Sắc lệnh hòa bình" và "Sắc lệnh ruộng đất" do V.I.Lênin dự thảo ngay trong đêm 26 rạng sáng 27/10/1917 (tức đêm 8 rạng sáng 9/11/1917 dương lịch), Cách mạng Tháng Mười đã đem lại quyền tự do, dân chủ và địa vị làm chủ xã hội cho đông đảo quần chúng công - nông ở nước Nga.
Giá trị thời đại lớn lao của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 còn thể hiện ở chỗ đã chỉ ra cho các dân tộc bị áp bức trên thế giới cách thức, phương pháp giải phóng con người, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội.
Trung thành với con đường của Cách mạng Tháng Mười Nga, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện sau hơn 35 năm đổi mới. (Ảnh minh họa) |
Đối với Việt Nam, Cách mạng Tháng Mười Nga “có một sức lôi cuốn kỳ diệu” (2). Như sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Cách mạng Tháng Mười mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc và cả loài người, mở đầu một thời đại mới trong lịch sử, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới” (3). Tung thành với con đường của Cách mạng Tháng Mười Nga, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo toàn dân tộc vượt qua mọi khó khăn, thử thách để giành những thắng lợi to lớn cả trong đấu tranh giải phóng dân tộc, cũng như trong xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện nay.
Đặc biệt, sau hơn 35 năm đổi mới, những thành tựu to lớn, toàn diện mà Việt Nam đạt được đã khẳng định rõ tính đúng đắn của việc kiên trì đi theo con đường của Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại. Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế mạnh mẽ và sâu rộng. Kinh tế tăng trưởng cao và ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường; văn hóa, xã hội có bước phát triển mới; đời sống nhân dân từng bước được nâng lên; Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị được củng cố; độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa được giữ vững. Quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu. Vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao… Những kết quả đó cũng góp phần làm sáng rõ hơn những nhận định của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dưới ngọn cờ của chủ nghĩa Mác - Lênin, đi theo con đường của Cách mạng Tháng Mười, liên minh chặt chẽ với các nước xã hội chủ nghĩa, nhân dân Việt Nam tin tưởng vững chắc vào thắng lợi của mình, quyết tâm đi tới một tương lai hạnh phúc tươi đẹp, đi tới xã hội xã hội chủ nghĩa” (4).
Kỷ niệm 105 năm thắng lợi Cách mạng Tháng Mười Nga (năm 1917) là dịp để chúng ta khẳng định tầm vóc, giá trị thời đại của cuộc cách mạng vĩ đại này. Từ đó, thêm tin tưởng vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, tin tưởng vào con đường cách mạng mà Đảng, dân tộc đã lựa chọn; tiếp tục vững bước theo con đường của Cách mạng Tháng Mười Nga, kiên trì sự nghiệp đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
(1). V.I.Lênin: Toàn tập, tập 33, bản tiếng Pháp, Nxb. Xã hội, Pari và Nxb. Ngoại văn, Mátxcơva, 1961, tr.47.
(2). Vừa đi đường vừa kể chuyện, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr.17.
(3). Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 15, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.388.
(4). Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 11, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.181.
(Theo dangcongsan.vn)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin