Chăm lo đời sống Nhân dân nói chung và người lao động, nhất là trong dịp Tết, là chủ trương xuyên suốt, thể hiện tính nhân văn của Đảng và Nhà nước ta. Thực hiện chủ trương này, trong những năm qua, các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp đã có nhiều hoạt động thiết thực để chăm lo đời sống người lao động.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống, cả hệ thống chính trị cùng cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng đã thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát, ổn định hoạt động doanh nghiệp, góp phần tạo việc làm, cải thiện thu nhập của người lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp. Tuy nhiên, hậu quả của đại dịch COVID-19, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, sự suy giảm tăng trưởng, thu hẹp thị trường và dấu hiệu suy thoái kinh tế ở một số quốc gia, khu vực đã ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế nước ta. Điều đó dẫn đến một bộ phận doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, ảnh hưởng tới việc làm, thu nhập và đời sống của một bộ phận người lao động.
Tại Hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng, giảm giờ làm, chấm dứt hợp đồng lao động đối với công nhân, người lao động, tổ chức ngày 28/11, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đưa ra những con số đáng buồn: thống kê tại 44 tỉnh, thành phố, từ giữa năm 2022 đến nay có khoảng 1.230 doanh nghiệp bị ảnh hưởng sản xuất, kinh doanh phải cắt giảm lao động; số người ảnh hưởng tới việc làm khoảng 472.000 người, trong đó bị thôi việc, mất việc là 41.500 người (8,8%), giảm giờ làm: 430.600 người, bao gồm giảm giờ làm hàng ngày, làm cách nhật, nghỉ hưởng lương ngừng việc, nghỉ không hưởng lương, tạm hoãn hợp đồng lao động. Dự báo trong thời gian tới, tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn, đơn hàng sẽ tiếp tục bị cắt giảm có thể hết quý I, thậm chí quý II/2023, dẫn đến nhiều người lao động tiếp tục bị thiếu, mất việc làm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập, đời sống.
Để bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động và duy trì ổn định, phát triển thị trường lao động an toàn, bền vững và hội nhập trong thời gian tới, ngày 16/12 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiều giải pháp. Ngoài những giải pháp mang tính vĩ mô, thì việc trước mắt là bảo đảm việc làm, chăm lo đời sống và an sinh xã hội cho người lao động, đặc biệt trong dịp Tết Dương lịch 2023 và Tết Nguyên đán Quý Mão đang đến gần.
Trong đó, kịp thời tổ chức hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các chế độ, chính sách, thanh toán đầy đủ tiền lương, tiền thưởng theo đúng quy định của pháp luật và các thỏa thuận, nội quy, quy chế của doanh nghiệp; hướng dẫn các địa phương khuyến khích doanh nghiệp có các biện pháp thiết thực, hiệu quả, quan tâm chăm lo cải thiện đời sống vật chất, tinh thần và khuyến khích người lao động đổi mới sáng tạo, cùng nhau khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức. Các cấp chính quyền địa phương, cơ sở tăng cường theo dõi, nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, chi trả lương, thưởng cho người lao động của doanh nghiệp và đời sống người lao động, nhất là người lao động bị mất việc, thiếu việc làm tạm thời để có các giải pháp hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, bảo đảm việc làm, thu nhập và ổn định đời sống.
Đối với doanh nghiệp, cần tích cực, chủ động duy trì sự ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh, nỗ lực duy trì, bảo đảm việc làm, sắp xếp lao động và giải quyết các chế độ lương, thưởng cho người lao động, thực hiện nghiêm các cam kết với người lao động theo quy định của pháp luật, hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể. Việc quan tâm chăm lo đời sống người lao động, không chỉ thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp, mà còn là cách để “giữ chân” người lao động, tránh tình trạng thiếu hụt lao động, nhất là những lao động đã lành nghề, quen việc, như đã từng xảy ra sau mỗi dịp nghỉ Tết.
Hoàn cảnh càng khó khăn thì sự quan tâm, sẻ chia kịp thời càng mang nhiều ý nghĩa, nhất là mỗi khi xuân về, Tết đến. Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đang đồng tâm, hiệp lực tập trung khắc phục những khó khăn trước mắt, vượt qua thách thức, bảo đảm việc làm, thu nhập và tập trung chăm lo đời sống người lao động, bảo đảm an sinh xã hội. Từ đó, góp phần quan trọng duy trì sự ổn định và phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả trong thời gian tới.
NAM VIÊN