(LĐ online) - Đồng chí Trần Văn Hiệp - Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ký ban hành Kế hoạch 10075/KH-UBND ngày 30/12/2022 về thực hiện Nghị quyết số 152/NQ-CP ngày 15/11/2022 của Chính phủ và Chương trình hành động số 48-CTr/TU ngày 30/12/2022 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh.
|
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham quan gian hàng đặc sản của tỉnh Lâm Đồng khi chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị tại TP Đà Lạt ngày 20/11 |
Việc ban hành kế hoạch được UBND tỉnh Lâm Đồng xây dựng trên cơ sở bám sát quan điểm, mục tiêu nêu trong Nghị quyết số 23-NQ/TW nhằm xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh địa phương phát triển nhanh, bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn; giàu bản sắc văn hoá dân tộc, điểm đến đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế.
ĐẾN NĂM 2030, GRDP BÌNH QUÂN ĐẦU NGƯỜI ĐẠT KHOẢNG 135 TRIỆU ĐỒNG
Theo UBND tỉnh, mục tiêu đến năm 2030 tỉnh Lâm Đồng phát triển nhanh, toàn diện và bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn; trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước, tự cân đối được ngân sách và có điều tiết nộp về ngân sách Trung ương; là khu vực kinh tế động lực của Tiểu vùng Nam Tây Nguyên trên cơ sở liên kết vùng, nội vùng.
Bên cạnh đó, phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; là trung tâm nghiên cứu, sản xuất nông nghiệp hiệu quả cao tầm quốc gia và quốc tế. Phát triển ngành dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao; gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa cộng đồng các dân tộc; đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội.
Kế hoạch đặt ra một số chỉ tiêu cụ thể, như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 7,5 - 8,5%/năm. Đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 135 triệu đồng, tương đương 5.100 USD; tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 32,06% trong GRDP; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 24,66%; khu vực dịch vụ chiếm khoảng 43,28%. Tỷ lệ đô thị hoá đạt khoảng 58,8%; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 100%, trong đó tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trên 50%, tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu khoảng 20 - 25%.
|
Diễn viên biểu diễn nghệ thuật trong đêm công bố khai mạc Festival Hoa Đà Lạt năm 2022 |
Giai đoạn 2021 - 2030, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt khoảng 7,5 - 8,5%. Đến năm 2030, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng câp, chứng chỉ đạt 32,1%. Tỷ lệ giảm nghèo đa chiều từ 1 - 1,5%/năm; trong đó, vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 2,5 - 3,0%. Phấn đấu 100% cơ sở giáo dục công lập đạt chuẩn quốc gia. Đạt 32 giường bệnh viện, 11 bác sĩ trên 10.000 dân. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt trên 95%.
Đến năm 2030, tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 55%. Tỷ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư đô thị đạt 95 - 100%, ở nông thôn đạt 98%. Tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom, xử lý theo quy định đạt 98%. Đạt 97% tỷ lệ rác thải răn sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý theo quy định.
Về tầm nhìn đến năm 2045: tỉnh Lâm Đồng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ. Phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và quốc phòng, an ninh; người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc; tổ chức Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường.
|
Lâm Đồng đặc mục tiêu đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 135 triệu đồng |
7 NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể nêu trên, căn cứ vào Nghị quyết số 152/NQ-CP của Chính phủ, Chương trình hành động số 48-CTr/TU của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong triển khai, thực hiện.
1. Công tác quán triệt, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong xây dựng, tổ chức thục hiện Nghị quyết số số 152/NQ-CP của Chính phủ và Chương trình hành động số 48-CTr/TU của Tỉnh ủy.
2. Phát triển kinh tế vùng nhanh và bền vững: Đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế theo hướng toàn diện, bền vững; lấy phát triển nông, lâm nghiệp là trọng tâm, trụ đỡ; phát triển công nghiệp chế biến là động lực; phát triển du lịch là đột phá. Không gian phát triển kinh tế của tỉnh gắn với vùng Đông Nam bộ theo hành lang tuyến quốc lộ 20 và tuyến cao tốc Dâu Giây - Liên Khương.
3. Phát triển văn hóa, xã hội và nguồn nhân lực, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân.
4. Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng: Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại. Phấn đấu đến năm 2030, hoàn thành đồng bộ đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương; triển khai đầu tư tuyến đường cao tốc Đà Lạt - Nha Trang, Đà Lạt - Buôn Ma Thuột; nâng cấp, mở rộng các tuyên Quôc lộ 27C, 28, 55B, đường Trường Sơn Đông nối dài. Phát triển các trục giao thông đối nội theo các hướng Bắc Nam, Đông Tây, tạo thành mạng lưới giao thông liên hoàn giữa các vùng, khu vực trong tỉnh, kết nối với hệ thống quốc lộ.
5. Công tác quy hoạch, chính sách liên kết vùng: UBND tỉnh giao cụ thể công tác quy hoạch, liên kết vùng cho từng đơn vị sở, ngành, địa phương trên cơ sở bám sát các Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 và các quy hoạch ngành giao thông được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt đồ án quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 theo quy định; đảm bảo chất lượng, phù hợp với các quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành, quy hoạch vùng Tây Nguyên và định hướng phát triển của tỉnh.
6. Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại: Giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng; sự quản lý tập trung, thống nhất của chính quyền đối với lực lượng vũ trang Nhân dân. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực quôc phòng, an ninh. Xác định nhiệm vụ bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội là trọng yếu, thường xuyên của Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị và của toàn dân, trong đó lực lượng vũ trang nhân dân là nòng cốt.
7. Tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị: Tập trung thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận, quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tạo chuyển biến thực sự trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Thực hiện hiệu quả các chủ trương về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn; hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
CHÍNH THÀNH