Quyết tâm triển khai hiệu quả Đề án 06 với sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị

02:12, 20/12/2022
(LĐ online) - Đó là chỉ đạo của đồng chí Trần Văn Hiệp -  Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Đề án 06 vào sáng ngày 20/12, tại Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh sơ kết năm 2022 về thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06). 
 
Đồng chí Trần Văn Hiệp - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, Trưởng Ban chỉ đạo Đề án phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Đồng chí Trần Văn Hiệp - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, Trưởng Ban chỉ đạo Đề án phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
 
Tại hội nghị, Đại tá Bùi Đức Thịnh - Phó Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng đã báo cáo tình hình, kết quả thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia trong thời gian qua. Bám sát các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ, Tổ công tác triển khai Đề án 06/CP của Chính phủ và căn cứ các yêu cầu, nhiệm vụ của Đề án số 06/CP, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo triển khai quyết liệt theo các nội dung của Đề án; ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện tại địa phương; thành lập và ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc triển khai thực hiện Đề án 06/CP của tỉnh. Đề án, trong đó xác định các nhiệm vụ trọng tâm gắn với 5 nhóm tiện ích: Giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; Phục vụ phát triển kinh tế, xã hội;  phục vụ công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư;  phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.
 
Ban chỉ đạo Đề án 06 của tỉnh đã tập trung chỉ đạo Công an tỉnh và các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố trong tỉnh tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ trọng tâm. Tính đến ngày 20/10, đã thực hiện số hóa được 8.000 thông tin dữ liệu tư pháp do Sở Tư pháp quản lý; số hóa dữ liệu 11.597 hồ sơ theo chuyên ngành của Sở Tài nguyên - Môi trường trên hệ thống phần mềm của Bộ Tài nguyên và Môi trường (còn khoảng 2.000 hồ sơ đang rà soát số hóa), các huyện Di Linh, Đức Trọng, TP Đà Lạt đã hoàn thành số hóa dữ liệu đất đai, các địa phương còn lại đang triển khai thực hiện số hóa (theo kế hoạch đến năm 2025 hoàn thành việc số hóa dữ liệu lên hệ thống, phương pháp làm cuốn chiếu theo từng địa phương); số hóa thông tin doanh nghiệp qua phần mềm của Bộ Kế hoạch – Đầu tư đối với 12.300 doanh nghiệp thuộc thẩm quyền đăng ký của Sở Kế hoạch – Đầu tư; số hóa 156.000 hồ sơ văn bằng, chứng chỉ; số hóa dữ liệu đoàn viên toàn tỉnh 71.574 trường hợp qua ứng dụng của Trung ương Đoàn. 
 
Điểm cầu huyện Đạ Tẻh báo cáo hình hình triển khai Đề án tại địa phương
Điểm cầu huyện Đạ Tẻh báo cáo hình hình triển khai Đề án tại địa phương
 
Hiện nay, UBND tỉnh đang quyết liệt chỉ đạo các đơn vị cấp huyện chuẩn bị tốt các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, kỹ thuật, hạ tầng công nghệ thông tin để phục vụ cho việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC tại Bộ phận một cửa cấp huyện và cấp xã. Hiện trạng trang thiết bị phục vụ nhiệm vụ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC: Hiện nay tại Bộ phận Một cửa cấp tỉnh đã được trang bị  máy móc đảm bảo thực hiện nhiệm vụ này, qua quá trình triển khai số hóa từ ngày 1/6 theo đề xuất của các sở, ngành, để đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ này trong thời gian tới, UBND tỉnh đang tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương rà soát, nâng cấp, hoàn thiện các tính năng của Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh; hạ tầng công nghệ thông tin; quy chuẩn kỹ thuật của trang thiết bị, máy móc đảm bảo việc số hóa hồ sơ, kết quả trong giải quyết TTHC. 
 
Thời gian qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức và phải thực hiện một Đề án lớn, khó, chưa có tiền lệ như Đề án 06/CP, nhưng qua quá trình triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh cho thấy Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 06/CP của tỉnh đã có sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt, sâu sát đối với việc thực hiện các nhiệm vụ của đề án.  Qua đó, việc thực hiện các nhiệm vụ của đề án trên địa bàn tỉnh bước đầu đã đạt được nhưng kết quả nhất định, trong đó có nhiều nhiệm vụ đạt kết quả đáng ghi nhận như: 100% cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại địa phương đã triển khai được công tác tra cứu thông tin khám chữa bệnh BHYT bằng thẻ CCCD, công tác cấp CCCD gắn chip điện tử đạt 96,19%, công tác làm sạch dữ liệu tiêm chủng vắc xin Covid-19 đạt trên 80%, công tác làm sạch dữ liệu bảo hiểm xã hội đạt 64%... Đến nay, cơ bản đã hoàn thành các các nhóm nhiệm vụ theo tiến độ đề ra; ý thức, tinh thần trách nhiệm trong triển khai thực hiện Đề án 06/CP của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương được nâng lên, bước đầu đã tạo sự đồng thuận của người dân, các doanh nghiệp trên địa bàn, tạo tiền đề cơ bản để đẩy mạnh thực hiện Đề án 06/CP trong thời gian tới.
 
Hội nghị cũng nghe các địa phương, đơn vị  báo cáo tình hình triển khai Đề án và những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện;tập trung phân tích kỹ những tồn tại, đặc biệt là tập trung thảo luận đưa ra các giải pháp tháo gỡ vướng mắc nhằm thực hiện hiệu quả những mục tiêu, yêu cầu theo lộ trình trong việc thực hiện Đề án 06.
 
Quang ảnh hội nghị tại đầu cầu UBND tỉnh
Quang ảnh hội nghị tại đầu cầu UBND tỉnh
 
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Trần Văn Hiệp  cho rằng, đây là Đề án lớn  liên quan đến tất cả mọi mặt đời sống xã hội, cho nên sự lúng túng trong thực hiện, vướng mắc trong hạ tầng, nền tảng là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, để thực hiện tốt Đề án, cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tăng cường công tác tuyên truyền để tăng hiệu quả thực hiện, thay đổi nhận thức, thói quen của người dân với chuyển đổi số. Các sở, ngành cần phải rà soát. Xem xét kỹ các nội dung kế hoạch đã ban hành với những chỉ tiêu chưa hoàn thành thì phải chấn chỉnh, có giải pháp hoàn thành đúng kế hoạch. Toàn tỉnh tập trung bám vào tiến độ thực hiện, tỉnh sẽ có văn bản chỉ đạo về các nguồn kinh phí, tập trung các nguồn lực, nâng cao trình độ hiểu biết về thông tin đến từng xã, thôn. 
 
Đồng chí nhấn mạnh, việc triển khai Đề án góp phần thực hiện ba khâu đột phá chiến lược, trong đó có đột phá chiến lược về xây dựng hạ tầng đồng bộ mà hết sức quan trọng là hạ tầng giao thông, hạ tầng thích ứng biến đổi khí hậu, hạ tầng số và hạ tầng xã hội. Đồng thời, phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp trên tinh thần lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực phát triển. Đề án được triển khai trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, kết nối với các nền tảng khác để khai thác tối đa hiệu quả, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số, Công dân số, Kinh tế số; giúp công tác quản lý thống nhất, tập trung, minh bạch, thuận lợi, tiết kiệm (chi phí, thời gian, công sức…) và hiệu quả nhiều mặt. UBND các địa phương khẩn trương triển khai Đề án, trong đó phải triển khai đầy đủ các nội dung, phân công trách nhiệm cụ thể để tổ chức thực hiện đúng tiến độ các nhiệm vụ được giao.
 
DIỄM THƯƠNG