(LĐ online) - Ngày 30/12, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương chụp ảnh lưu niệm với Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng. Ảnh tư liệu |
Chương trình hành động nhằm mục đích tuyên truyền, phổ biến, quán triệt đầy đủ, đúng đắn và triển khai thực hiện hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của Nghị quyết số 23-NQ/TW; tạo sự thống nhất cao về nhận thức, hành động của Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh để sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống, tạo sự đổi mới, phát triển nhanh, bền vững vùng Tây Nguyên và tỉnh Lâm Đồng.
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng; hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp và Nhân dân để tạo thành khối đại đoàn kết thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 23-NQ/TW.
Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên nêu cao trách nhiệm, quyết tâm chính trị, tinh thần tự giác, gương mẫu, ý chí vươn lên, tự lực, tự cường trong thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW.
Huy động tối đa các nguồn lực từ ngân sách nhà nước, kết hợp nguồn lực xã hội hóa để đầu tư phát triển các công trình trọng điểm có sức lan tỏa, giải quyết các vấn đề phát triển vùng và liên vùng; kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường gắn chặt với quốc phòng, an ninh và đối ngoại.
Chương trình hành động cũng đã đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu. Trong đó, mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Lâm Đồng phát triển nhanh, toàn diện và bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn; trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước, tự cân đối được ngân sách và có điều tiết nộp về ngân sách Trung ương; là khu vực kinh tế động lực của Tiểu vùng Nam Tây Nguyên trên cơ sở liên kết vùng, nội vùng.
Phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; là trung tâm nghiên cứu, sản xuất nông nghiệp hiệu quả cao tầm quốc gia và quốc tế. Phát triển ngành dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao; phát triển công nghiệp chế biến nông sản, công nghiệp khai thác, chế biến bauxit, alumin, nhôm và các sản phẩm từ nhôm.
Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao; gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa cộng đồng các dân tộc; đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội. Quản lý tài nguyên, môi trường, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu; bảo đảm an ninh nguồn nước. Quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo, duy trì ổn định. Tăng cường xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết các dân tộc.
Một số chỉ tiêu đến cụ thể
- Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 7,5 - 8,5%/năm.
- Đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 135 triệu đồng, tương đương 5.100 USD.
- Tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 32,06% trong GRDP; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 24,66%; khu vực dịch vụ chiếm khoảng 43,28%.
- Tỷ lệ đô thị hoá đạt khoảng 58,8%; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 100%, trong đó tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trên 50%, tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu khoảng 20 - 25%.
- Giai đoạn 2021 - 2030, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt khoảng 7,5 - 8,5%. Đến năm 2030, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 32,1%.
- Tỷ lệ giảm nghèo đa chiều từ 1,0 - 1,5%/năm; trong đó, vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 2,5 - 3,0%.
- Phấn đấu 100% cơ sở giáo dục công lập đạt chuẩn quốc gia. Đạt 32 giường bệnh viện, 11 bác sĩ trên 10.000 dân. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt trên 95%.
- Đến năm 2030, tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 55%.
- Tỷ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư đô thị đạt 95 - 100%, ở nông thôn đạt 98%.
- Tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom, xử lý theo quy định đạt 98%. Đạt 97% tỷ lệ rác thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý theo quy định.
- Tỷ lệ khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 100%.
- Tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Lâm Đồng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ. Phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và quốc phòng, an ninh; người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
- Quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc; tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường.
|
Chương trình hành động của Tỉnh ủy cũng đề ra những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu; trong đó, thống nhất nhận thức trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, hội viên và Nhân dân về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của việc đưa Nghị quyết 23-NQ/TW vào cuộc sống; phát triển kinh tế của tỉnh nhanh và bền vững; phát triển văn hoá - xã hội và nguồn nhân lực; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng, du lịch đặc sắc; công tác quy hoạch; giải pháp liên kết vùng; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đốí ngoại; xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.
Đồng thời, Chương trình hành động của Tỉnh ủy cũng đặt ra yêu cầu Đảng đoàn HĐND tỉnh chỉ đạo ban hành các cơ chế, chính sách phát triển tỉnh Lâm Đồng đảm bảo phù hợp điều kiện thực tiễn của tỉnh; chỉ đạo tăng cường hoạt động giám sát của HĐND các cấp đối với việc thực hiện các cơ chế, chính sách phát triển tỉnh Lâm Đồng.
Ban cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện; chủ trì, phối hợp theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW và Chương trình hành động này; định kỳ tổng hợp, báo cáo Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Các ban của Tỉnh ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; thành ủy, huyện ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy tổ chức phổ biến, quán triệt, tuyên truyền và xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW và Chương trình hành động này; định kỳ sơ kết và báo cáo kết quả thực hiện…
NGUYỄN THÀNH